10 tỷ đồng là số tiền vốn ngân sách và Ngân hàng Thế giới tài trợ. Tuy nhiên, do rất ít người được nhận thẻ nên tỉnh chỉ thu được... 105 triệu đồng. Khoảng 55.000 thẻ còn lại đã hết hạn sử dụng và trở thành đống giấy lộn.
|
Cháu Trần Quế Trường nằm liệt giường cả tháng nay, khi bị tai nạn, cháu không có thẻ bảo hiểm y tế. |
“Cám treo, heo nhịn”
Theo dự án hỗ trợ y tế khu vực ĐBSCL do Ngân hàng Thế giới tài trợ, toàn bộ đối tượng thuộc diện cận nghèo đều được hỗ trợ 30% chi phí mua bảo hiểm y tế. Do ngân sách nhà nước đã hỗ trợ 50% nên người dân chỉ cần đóng thêm 20% là có được tấm thẻ. Hầu hết các tỉnh đều xuất ngân sách địa phương trả luôn cho người dân 20% này.
Bến Tre có gần 60.000 người thuộc diện này nên khoản chi 20% tương đối lớn (khoảng 2 tỷ đồng). Tỉnh không hỗ trợ khoản này cho dân nhưng chủ trương "tạm ứng" 2 tỷ đồng làm vốn đối ứng trả cho Bảo hiểm xã hội tỉnh in đủ số thẻ rồi giao hết về địa phương.
Trong khi thẻ đưa về nằm lây lắt ở trụ sở ủy ban thì người dân lại không có thẻ khám chữa bệnh. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân thuộc diện cận nghèo cho biết, tiêu chí để phân loại giữa "nghèo" và "cận nghèo" chỉ cách nhau đúng một ngàn đồng. Do đó, dù chỉ phải chi 20% để có thẻ bảo hiểm họ cũng phải đắn đo suy tính, chủ yếu mua cho người già trong gia đình.
Ông Lê Văn Đực, 70 tuổi hộ cận nghèo ở ấp Cái Tắc (xã Hưng Khánh Trung A, huyện Mỏ Cày Bắc) nói, cả gia đình ông có 11 nhân khẩu nhưng chỉ đủ tiền mua thẻ cho 7 người hay đau ốm, 4 thẻ còn lại (đến nay đã hết hạn) UBND xã vẫn đang giữ. Gia đình ông Trương Văn Châu, gia đình bà Trần Thị Mười gần nhà ông Đực cũng chỉ lấy thẻ cho người hay đau ốm, số còn lại nằm ở UBND xã.
Ông Lê Văn Đực còn cho biết, ông đang mang trong người đủ thứ bệnh nhưng không có tiền mua bảo hiểm y tế nên đành nằm nhà, không dám đi khám. Tình cảnh chẳng khác gì câu “cám treo, heo nhịn”.
Theo ông Nguyễn Tấn Sum - Chủ tịch UBND xã Long Thới (huyện Chợ Lách), tiêu chí xét hộ nghèo và cận nghèo xê xích nhau không đáng kể. Thậm chí, mỗi tháng chỉ cần chênh lệch một vài ngàn đồng thu nhập thì hộ nghèo có thể được xét "thoát nghèo" và không được hưởng chính sách hỗ trợ 100% của nhà nước.
"Thời điểm cấp thẻ bảo hiểm y tế, xã Long Thới không có hộ cận nghèo nên gần 1.300 thẻ bảo hiểm y tế đều được phát miễn phí cho toàn bộ đối tượng thuộc diện hộ nghèo" - ông Sum nói.
Lấy nguồn nào trả Quỹ Vì người nghèo
Trao đổi với NTNN, ông Huỳnh Kim Quân - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bến Tre nói rằng, khi thẻ bảo hiểm y tế đưa về các địa phương, phần lớn người dân không nhận mà "gửi" ở UBND xã để khỏi phải trả tiền. Chỉ khi nào bị bệnh, họ mới liên hệ với xã để trả tiền rồi lấy thẻ đi khám chữa bệnh. Để giải quyết số thẻ tồn đọng, nhiều xã chấp nhận cho người dân nhận thẻ rồi... ghi nợ. Tuy nhiên, đến nay số tiền thu hồi đến nay vẫn rất hạn chế.
Theo ông Cao Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, số tiền 2 tỷ đồng đối ứng để in 100% thẻ bảo hiểm y tế tỉnh tạm ứng từ quỹ Vì người nghèo, đến nay vẫn chưa có nguồn trả. Nhiều người dân thuộc diện được thụ hưởng chương trình này không có khả năng đóng góp 20% mệnh giá quy định (khoảng 24 ngàn đồng) nên rất ít thẻ đến tay người dân.
Theo tính toán của ông Trọng, đến nay chỉ có 5,3% người cận nghèo nhận thẻ. Toàn bộ số thẻ phát hành từ đầu năm 2010 (thời hạn 6 tháng) đến này đã hết giá trị sử dụng. Như vậy, tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng của Quỹ Vì người nghèo, Dự án hỗ trợ y tế vùng ĐBSCL do Ngân hàng Thế giới tài trợ và Quỹ khám chữa bệnh cho người cận nghèo của tỉnh Bến Tre chi ra in thẻ bảo hiểm y tế đã lãng phí khi có hơn 55 ngàn thẻ bảo hiểm y tế trở thành giấy lộn.
Quảng Ngãi: Hàng trăm Thẻ bảo hiểm y tế “ngủ quên” nửa năm ở xã
Ngày 13-7, ông Lý Tài Thiện - cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH UBND xã Bình Hiệp (Bình Sơn) thừa nhận vẫn còn giữ lại của thôn Liên Trì 134 thẻbảo hiểm y tế . Số thẻ này ông Thiện nhận về từ tháng 12-2009 nhưng do “bận nhiều việc” nên vẫn cất trong tủ UBND xã từ đó đến giờ. Hiện tại 1/3 số thẻ “ngủ quên” này đã hết hạn.
Hữu Danh - Phương Dung
Vui lòng nhập nội dung bình luận.