Với tỷ lệ 8,5% vốn điều lệ, ước tính Vietinbank phải chi khoảng 3.165 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2015 và điều này khiến ngân hàng lâm vào tình trạng thiếu vốn để tăng trưởng.
Cuối tuần qua, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã thông báo ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua việc trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt.
Theo đó, việc chốt danh sách cổ đông sẽ được thực hiện vào ngày 15.12 và ngày gửi văn bản xin ý kiến cổ đông là ngày 20.12. Việc thực hiện lấy ý kiến cổ đông kéo dài đến hết ngày 30.12.
Động thái này của VietinBank không có gì bất ngờ, bởi trước đó, Bộ Tài chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo người đại diện vốn tại Vietinbank và BIDV thông qua phương án trả cổ tức bằng tiền mặt, thay vì trả cổ tức bằng cổ phiếu đã được đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2016 của hai ngân hàng này thông qua. Việc trả cổ tức bằng tiền mặt đã được BIDV thực hiện lấy ý kiến tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua.
Theo tính toán của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC), VietinBank sẽ phải rốt ráo tăng vốn cấp 1 trong năm 2017, nếu không sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng của ngân hàng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, VietinBank đã thông qua các phương án tăng vốn là hoàn thành thương vụ sáp nhập với PGBank, theo đó tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng và không thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt.
Tuy nhiên, hai phương án này đều không thành công. Hiện chỉ còn lại hơn một tháng là hết năm và có vẻ như việc sáp nhập sẽ tiếp tục bị trì hoãn và việc trả cổ tức bằng tiền mặt cũng sẽ được thực hiện vào ngày cuối cùng của tháng 12.2016.
Với việc không thực hiện được phương án tăng vốn, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (hệ số CAR) của VietinBank sẽ giảm từ mức 11% xuống khoảng 9,7% (gần tiệm cận mức tối thiểu là 9% theo quy định của NHNN) vào cuối năm 2016.
Tính đến cuối tháng 9, tỷ lệ vốn Cấp 2/Cấp 1 của Vietinbank là 38%. Hiện tại, vốn Cấp 1 của ngân hàng là 57.145 tỷ đồng cho phép Ngân hàng có thể tăng vốn Cấp 2 thêm 30%, tương đương 6.700 tỷ đồng.
“Việc trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt, với tỷ lệ giả định là 8,5% vốn điều lệ, là 37.234 tỷ đồng, vốn Cấp 1 khi đó sẽ giảm 3.165 tỷ đồng (tương ứng với tỷ lệ trả cổ tức là 55% lợi nhuận năm 2015). Theo đó ước tính hệ số CAR cho năm 2016 là 9,7%”, HSC tính toán.
Với hệ số CAR này, VietinBank có thể tiếp tục tăng trưởng tài sản sinh lãi với tốc độ hiện tại trong khoảng 18 tháng nữa trước khi cần tăng cần vốn Cấp 1 và vẫn còn dư địa để tăng vốn cấp 2 trong ngắn và trung hạn.
“Tuy nhiên, muộn nhất là đến cuối năm sau, VietinBank sẽ cần huy động thêm vốn cấp 1 và mức cần huy động thêm khoảng 5.500 tỷ đồng vốn Cấp 1 (tăng 14,7% từ mức hiện tại)”, HSC tính toán.
Vậy VietinBank sẽ tăng vốn bằng cách nào?
Với room hiện đã đầy ở gần 30% và tỷ lệ sở hữu Nhà nước là 64,46%, VietinBank sẽ không thể phát hành thêm cho nhà đầu tư cả trong và ngoài nước (trừ khi nhà nước cho phép nới các giới hạn này) để thực hiện tăng vốn.
Một phương án tăng vốn cấp 1 khác là sáp nhập với PGBank để tăng thêm khoảng 3.000 tỷ đồng nữa cũng không có thêm bất kỳ thông tin nào mới và đã bị trì hoãn nhiều lần. Do vậy, phương án tăng vốn bằng cách này cũng không thể thực hiện trong năm nay và có thể đẩy nhanh lộ trình nhận sáp nhập PGBank trong năm 2017.
Trước mắt, VietinBank chỉ có thể thực hiện tăng vốn cấp 2 bằng cách phát hành trái phiếu. Với tỷ lệ vốn cấp 2/vốn cấp 1 hiện ở mức 38% (tối đa là 50%), VietinBank có thể tăng vốn cấp 2 trong ngắn hạn bằng cách phát hành trái phiếu.
Với các điều kiện hiện tại, chắc chắn VietinBank sẽ phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Nếu không nâng vốn, tăng trưởng tín dụng của VietinBank (tại thời điểm tháng 9.2016 thị phần cho vay của VietinBank là 12,10%) có thể sẽ bị hạn chế đáng kể trong nửa đầu 2017 cho đến khi có thể tăng vốn thành công.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.