Chi phí sản xuất, tín dụng, thuế ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Chi phí sản xuất, tín dụng, thuế ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Bình Minh
Thứ năm, ngày 29/08/2024 06:00 AM (GMT+7)
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, chi phí sản xuất, tín dụng, thuế là 3 yếu tố chính 3 ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ngày 28/8, tại Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản” do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức, nhiều đại biểu, chuyên gia đã thảo luận về các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị nông sản và đặc biệt là xây dựng các liên kết chặt chẽ trong toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ...
3 yếu tố ảnh hướng đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, tái cơ cấu nông nghiệp là một chủ đề có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu.
Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, tình hình tài chính trong ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Chi phí sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn cao, trong khi lợi nhuận thu được từ nông nghiệp lại thấp. Điều này gây khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp trong việc đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Ông Phụng cho rằng có 3 yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đó là: chi phí sản xuất; tài chính và tín dụng; chính sách thuế và hỗ trợ.
“Các chính sách thuế và hỗ trợ của Nhà nước có tác động lớn đến tình hình tài chính của nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp. Các chính sách không hợp lý có thể làm tăng gánh nặng chi phí, trong khi các chính sách hỗ trợ hiệu quả có thể giúp giảm chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh”, ông Phụng nhấn mạnh.
Trong đó, chính sách thuế VAT với phân bón là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất nông nghiệp, đặc biệt tác động không nhỏ đến nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp.
Chuyên gia này phân tích: Do không được khấu trừ thuế VAT đầu vào, giá thành phân bón tăng lên, dẫn đến chi phí sản xuất nông nghiệp tăng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp.
Đồng thời, chi phí sản xuất cao làm giảm khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Điều này gây khó khăn cho việc xuất khẩu nông sản và ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.
Bên cạnh đó, giá phân bón cao làm giảm khả năng tiếp cận phân bón chất lượng của nông dân, dẫn đến việc sử dụng phân bón kém chất lượng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Để giảm gánh nặng chi phí cho nông dân và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững, ông Phụng cho rằng cần xem xét cải thiện chính sách thuế VAT đối với phân bón.
Cụ thể, nên áp dụng thuế suất đối với phân bón giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp. Cùng với đó là cho phép các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón được khấu trừ thuế VAT đầu vào giúp giảm giá thành phân bón, từ đó giảm chi phí sản xuất cho nông dân.
Về vấn đề tăng cường hỗ trợ tài chính và tín dụng, cần cung cấp các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu và phát triển, giúp nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp có đủ nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Về vấn đề bảo hiểm nông nghiệp, cần cung cấp các gói bảo hiểm nông nghiệp phù hợp và hỗ trợ tài chính cho bảo hiểm nông nghiệp, giúp nông dân giảm thiểu rủi ro và bảo vệ tài sản trước các tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai.
Bên cạnh đó, ông Phụng cho rằng cần cung cấp các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đầu tư vào hạ tầng và logistics, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Đồng thời, xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường xuất khẩu, xây dựng hệ thống tiêu thụ trong nước và khuyến khích tiêu dùng nông sản trong nước.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bagico, bà Nguyễn Thị Thành Thực, nhấn mạnh rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin là yếu tố nền tảng để phát triển chuỗi giá trị hàng hóa. Công nghệ không chỉ giúp giảm chi phí và nâng cao năng suất, chất lượng nông sản mà còn kết nối nhanh chóng và trực quan hơn giữa nông dân, hợp tác xã (HTX), đồng thời thu hẹp khoảng cách trong quy trình sản xuất. Dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, nhưng nếu nông dân không tham gia vào chuỗi giá trị, họ sẽ gặp khó khăn trong việc nắm bắt và áp dụng công nghệ hiệu quả.
Dẫn chứng về ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển chuỗi giá trị sầu riêng, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho biết người dân hiện sản xuất sầu riêng phần lớn theo quy mô nông hộ, sản xuất nhỏ lẻ, ghi chép thủ công hoặc không ghi chép. Người dân cũng chủ yếu làm theo kinh nghiệm, thường chủ hộ sẽ truyền lại cho con cháu những kinh nghiệm tích lũy được theo cách truyền miệng.
Đặc biệt, hiện nay chưa có nhiều phần mềm dành cho các nông hộ nói chung, HTX nói riêng. Bên cạnh đó, cũng chưa có nhiều nông hộ có mong muốn học tập và thay đổi cách quản lý sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin
Nhận thấy điều này, Bagico đã đẩy mạnh nghiên cứu và hỗ trợ người dân, HTX trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất sầu riêng. Công ty đã cung cấp phần mềm kế toán, truy xuất nguồn gốc, trang web, mạng xã hội để quảng bá và khẳng định chất lượng sầu riêng, đồng thời kết nối khách hàng. Ngoài ra, Bagico còn hỗ trợ HTX trong quản lý tài sản và sử dụng nhật ký điện tử, giúp việc liên kết chuỗi trở nên dễ dàng hơn, chỉ cần qua một chiếc điện thoại thông minh.
Từ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển chuỗi giá trị sầu riêng, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng ứng dụng công nghệ vào quản lý sản xuất và liên kết chuỗi là điều kiện tiên quyết để nâng cao giá trị ngành hàng sầu riêng nói riêng và các ngành hàng nông sản khác tại Việt Nam.
Bà cũng khẳng định sẵn sàng hợp tác với Liên minh HTX Việt Nam để phát triển các ứng dụng công nghệ phù hợp, giúp nông dân và HTX ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh.
4 vấn đề HTX đang phải đối mặt
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, 4 vấn đề chính mà các HTX đang đối mặt trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, đó là việc tiếp cận thông tin của DN và HTX hiện nay là một thách thức. Mặc dù công nghệ số và mạng xã hội phát triển, nhưng cũng tạo ra sự nhiễu loạn thông tin. Vì vậy, cần có những kênh thông tin chính thống và đáng tin cậy. Bà Vân cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất của Công ty Bagico trong việc hỗ trợ xây dựng một nền tảng thông tin cho HTX, cung cấp các thông tin thị trường quốc tế chi tiết và các quy định xuất khẩu cụ thể.
Thứ hai, HTX cần tuân thủ quy trình sản xuất, nhưng hiện tại, việc tiếp cận thông tin về quy trình này vẫn gặp nhiều khó khăn.
Thứ ba, vấn đề về vốn vẫn là một thách thức lớn đối với HTX, khi mà nhiều HTX thiếu hụt nghiêm trọng nguồn vốn cần thiết để sản xuất và kinh doanh.
Thứ tư, HTX cần có thông tin về khách hàng. Bà Vân nhấn mạnh rằng đã đến lúc cần có một website hoặc hệ thống thông tin riêng dành cho HTX để hỗ trợ trong việc kết nối và phát triển.
Bà Vân cũng nêu thêm rằng mặc dù hiện nay có nhiều chính sách về thuế và đất đai, nhưng vẫn thiếu một chính sách thuế riêng biệt dành cho HTX.
Còn theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, thời gian qua, ngành nông nghiệp thực hiện chủ trương tái cơ cấu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, to lớn, tăng trưởng duy trì ở mức cao (năm 2023 tăng 3,83%, cao hơn mức Chính phủ giao).
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng 3,38%, nhiều chuỗi giá trị ngành hàng được hình thành, phát triển mạnh mẽ, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đã có mặt tại các thị trường quốc tế (kể cả thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản). Sản lượng các loại cây trồng và vật nuôi chủ lực như lúa, cà phê, cao su, trái cây, thủy sản ngày càng tăng.
Các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được phát triển phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng, tiểu vùng và từng địa phương đê nâng cao giá trị sản phẩm; nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp đã được hình thành, phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cho cả doanh nghiệp và nông dân.
Đặc biệt, thông qua liên kết, nhiều doanh nghiệp đã xác lập mối quan hệ bền vững giữa sản xuất và chế biến, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định; nhiều loại nông sản chính liên kết gắn với yêu cầu bảo đảm tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu hàng hóa.
Trong cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất giá trị kinh tế cao, như: Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với lúa, trái cây, hoa, chăn nuôi, thủy sản, lâm sản...; mô hình cánh đồng lớn; mô hình vườn cây ăn trái tập trung chuyên canh (tại Cần Thơ doanh thu bình quân 500 triệu đồng/ha/năm), vùng xoài cát Hòa lộc sản lượng 10.000 tấn/năm...; mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh tại Bạc Liêu (năng suất 80 tấn/ha năm, doanh thu 9,2 tỷ đồng/ha); mô hình sản xuất lợn giống (270.000 con giống/năm)...
Nhờ đó, cùng với công tác xúc tiến thương mại, thị trường nông sản không ngừng mở rộng, xuất khẩu nông sản chuyển mạnh sang chính ngạch và có mặt trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới; tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2023 trên 155,2 tỷ USD, năm 2024 dự kiến đạt 55 -56 tỷ USD. Trong đó, có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên, với 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NNPTNN cho rằng, bên cạnh những thành tựu là chủ yếu, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức, đó là: Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chưa hợp lý; năng suất và chất lượng nhiều nông sản chưa cao trong khi xu hướng tiêu dùng xanh và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường; bảo vệ môi trường; phương thức sản xuất còn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Hệ thống logistics và chuỗi cung ứng còn yếu kém, dẫn đến tình trạng thất thoát sau thu hoạch và chi phí sản xuất cao.
“Đặc biệt, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, gây ra nhiều hiện tượng thiên tai như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, đất đai và nước ngọt ngày càng khan hiếm và bị suy thoái. Việc sử dụng quá mức và không bền vững tài nguyên đất và nước đã ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp”, ông Tiến nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.