Chỉ trồng một cây đặc sản, dân xóm Ba Nhất có doanh thu hơn 30 tỷ đồng

Thứ tư, ngày 08/02/2023 15:47 PM (GMT+7)
Với diện tích chè gần 80ha, mỗi năm, Làng nghề chè truyền thống xóm Ba Nhất, xã Phú Thượng (Võ Nhai, Thái Nguyên) đạt sản lượng gần 300 tấn chè thành phẩm, doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng.
Bình luận 0

Chỉ trồng một cây đặc sản, dân xóm Ba Nhất có doanh thu hơn 30 tỷ đồng

Nhờ trồng cây đặc sản là cây chè, hàng chục hộ dân ở xóm Ba Nhất, xã Phú Thượng (Võ Nhai, Thái Nguyên) đã thoát nghèo, không ít gia đình vươn lên thành hộ có kinh tế khá giả.

Chỉ trồng một cây đặc sản, dân xóm Ba Nhất có doanh thu hơn 30 tỷ đồng - Ảnh 1.

Với diện tích chè gần 80ha, mỗi năm, Làng nghề chè truyền thống xóm Ba Nhất đạt sản lượng gần 300 tấn chè thành phẩm, doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng.

Từ những năm 1960, cây chè trung du đã được một số hộ người dân tộc Dao đưa về trồng tại xóm Ba Nhất, với diện tích nhỏ lẻ. Đến cuối những năm 1980, xóm Ba Nhất đã có 36 hộ trồng chè với diện tích khoảng 20ha. Sản phẩm chè của người dân trong xóm được sao sấy thủ công và đưa đi tiêu thụ tại các chợ trong vùng.

Cây chè phát triển mạnh tại Ba Nhất vào những năm 2000. Đặc biệt, từ năm 2002, được sự hỗ trợ của Nhà nước, 7 hộ gia đình đầu tiên trong xóm đã chuyển đổi gần 1ha chè trung du sang các giống chè lai cho năng suất, chất lượng và đặc biệt là giá bán thành phẩm cao hơn khoảng 30%.

Hiệu quả từ các giống chè lai cùng với sự hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước đã thu thút đông đảo bà con nông dân xóm Ba Nhất chuyển sang phát triển cây chè và chuyển đổi diện tích trồng chè trung du sang các giống chè lai có năng suất, giá trị kinh tế cao như: LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên… Qua đó, bà con nông dân trong xóm đã mở rộng thêm hàng chục hecta trồng chè. Cao điểm vào năm 2019, xóm Ba Nhất đã có tới gần 170 hộ trồng, chế biến chè, với diện tích đạt trên 100ha.

Ông Lý Văn Sinh, Bí thư Chi bộ, Trưởng Làng nghề chè truyền thống xóm Ba Nhất, chia sẻ: Trước đây, người dân Ba Nhất sống bằng nghề làm ruộng, trồng ngô với điều kiện eo hẹp về đất canh tác, hạn chế về khoa học kỹ thuật. Thời điểm năm 2000, cả xóm chỉ có khoảng hơn 100ha ruộng và đất trồng màu cằn cỗi, chia cho 180 hộ canh tác. Khi đó, Ba Nhất là một trong những xóm đặc biệt khó khăn của xã Phú Thượng, tỷ lệ hộ nghèo cao, giao thông cách trở...

Chỉ trồng một cây đặc sản, dân xóm Ba Nhất có doanh thu hơn 30 tỷ đồng - Ảnh 2.

Ở xóm Ba Nhất hiện có trên 100 hộ trồng và chế biến chè. Trong ảnh: Bà Triệu Thị Tam thu hái chè của gia đình.

Được sự hỗ trợ của Nhà nước về đường giao thông và các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân Ba Nhất dần đưa các ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, mở rộng diện tích trồng cây chè, chuyển đổi hầu hết diện cây trồng giá trị kinh tế thấp sang trồng chè lai. Nhờ đó, không chỉ diện tích trồng chè trên địa bàn xóm tăng mạnh mà giá trị chè thương phẩm của Ba Nhất được nâng cao. 

Đặc biệt, năm 2019, xóm Ba Nhất được UBND tỉnh công nhận Làng nghề chè truyền thống đã giúp cho bà con trồng, chế biến chè thuộc Làng nghề được quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ đó, nâng giá trị chè thành phẩm trung bình trong xóm từ khoảng 80 nghìn đồng/kg (năm 2019) lên 130 nghìn đồng/kg (năm 2022).

Cây chè đã trở thành kinh tế mũi nhọn, không chỉ giúp người dân Ba Nhất thoát nghèo mà còn có thể làm giàu. Tiêu biểu trong số đó là các gia đình ông, bà: Triệu Long Vượng, Triệu Thị Lợi, Lý Văn Sinh, Triệu Văn Lưu…

Chị Triệu Thị Hương - một trong những hộ phát triển cây chè hiệu quả ở Ba Nhất, bộc bạch: Riêng từ cây chè, mỗi năm gia đình tôi có thể thu khoảng 80 triệu đồng lợi nhuận. Gia đình tôi cũng đã thoát nghèo vào năm 2021.

Còn ông Triệu Long Vượng cho hay: Mỗi năm gia đình tôi thu về trên 2 tấn chè búp khô, với lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Từ nguồn thu này, tôi đã mua được máy xúc đất để mở rộng mô hình kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập.

Hướng phát triển kinh tế bằng cây chè lai những năm gần đây đã góp phần tích cực phát triển kinh tế cho bà con ở vùng cao Ba Nhất. Hiện nay, 100% gia đình trong xóm đã làm được nhà kiên cố, trong đó có 60% số hộ xây được nhà khang trang. Đặc biệt, có 20 hộ dân trong xóm đã mua được ô tô con, ô tô tải, máy xúc đất... làm phương tiện sản xuất kinh tế, phục vụ đời sống.

Năm 2017, xóm Ba Nhất đã được xét ra khỏi danh sách xóm đặc biệt khó khăn. Từ năm 2020 tới nay, Ba Nhất có tới gần 20 hộ thoát nghèo từ cây chè và hiện nay, xóm chỉ còn 4 hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội. Sản xuất chè của Làng nghề chè truyền thống xóm Ba Nhất hiện đạt mức thu nhập gần 40 triệu đồng/người/năm…

Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Văn Sinh cho hay: Một vài năm gần đây, giá trị, năng suất, sản lượng chè của Làng nghề có phần chững lại, do nhiều lao động trẻ trong xóm đã chuyển hướng đi làm việc tại các khu công nghiệp, khiến nhân lực bị thiếu hụt. Tuy nhiên, chúng tôi xác định sẽ duy trì ổn định diện tích 80ha chè, với hơn 100 hộ tham gia trồng, chế biến như hiện nay. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị của chè thành phẩm; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm...


Hoàng Hưng (baothainguyen.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem