“Rất nhiều trường hợp, cùng một nội dung của Luật, nhưng cách giải thích và áp dụng vào tháng sau khác tháng trước, ở địa phương này khác với địa phương khác, Bộ này khác Bộ khác..., nhưng doanh nghiệp (DN) không thể yêu cầu Tòa án hủy bỏ hay thay đổi thông tư không phù hợp với Luật liên quan”, ông Cung nói tiếp câu chuyện.
DN không muốn lớn hay sợ lớn là do rủi ro thể chế hay rủi ro pháp lý rất lớn, rất đa dạng và khó lường...
* Ông đã từng nói: “Thực thi pháp luật ở Việt Nam theo kiểu “sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng”…
Tôi muốn nói đến chuyện thiếu nhất quán, thiếu minh bạch và nhất là không dự đoán trước được chuyện thực thi pháp luật ở nước ta, cứ vòng vòng như vậy. Thực trạng đó có nguyên nhân, trước hết từ “cơ cấu” hệ thống các quy định pháp luật và cách thức thực thi. Trong hệ thống pháp luật, cứ mỗi Luật sẽ có vài nghị định của Chính phủ và hàng chục thông tư hướng dẫn thi hành của các Bộ liên quan. Dù nội dung của Luật không thay đổi, nhưng cách thức hướng dẫn thi hành lại thay đổi, làm sai lệch nội dung của Luật...
“Họ không muốn lớn hay sợ lớn là do rủi ro thể chế hay rủi ro pháp lý rất lớn, rất đa dạng và khó lường... DN thiệt hại nhưng họ lại không có công cụ hữu hiệu để bảo vệ tài sản và lợi ích của mình”. |
Thực tế, DN phải thực hiện thông tư của các Bộ hơn là luật do Quốc hội ban hành. Trong thi hành công vụ, không ít công chức đã tùy nghi giải thích và áp dụng, thậm chí lợi dụng quyền hạn được giao để tư lợi. Thực thi pháp luật như vậy là rào cản hạn chế kinh tế tư nhân phát triển.
* DN không dám hay không muốn lớn? Lớn là có tội sao, thưa ông?
Tôi đã nhiều lần nói rằng, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vừa không muốn lớn, vừa không thể lớn lên được. Qua nhiều năm quan sát, tôi thấy đại đa số DN ở nước ta cứ giữ quy mô nhỏ, rất ít phát triển thành quy mô vừa và càng rất ít phát triển lên quy mô lớn. Đây là điều rất đáng suy ngẫm.
Tôi cho rằng họ không muốn lớn hay sợ lớn là do rủi ro pháp lý rất lớn, rất đa dạng và khó lường. Thêm vào đó, chúng ta chưa có định chế giải quyết hiệu quả các tranh chấp thương mại, cũng như tranh chấp giữa nhà đầu tư với cơ quan nhà nước. DN đang hoạt động bình thường có thể ngay lập tức rơi vào tình thế khó khăn khi một thông tư hướng dẫn thay đổi mức nộp thuế, thời hạn nộp thuế... Hay một đoàn thanh tra ra kết luận cho là doanh nghiệp không tuân thủ, hay vi phạm pháp luật theo cách hiểu của thanh tra viên... DN thiệt hại nhưng họ lại không có công cụ hữu hiệu để bảo vệ tài sản và lợi ích của mình.
Bên cạnh đó, có DN muốn lớn nhưng không lớn được. Do họ không được quyền tiếp cận trên nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng các nguồn lực xã hội, như đất đai, tiền vốn… để phát triển.
* Là “cha đẻ” của Luật Doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về tác động của “đứa con” trong việc thúc đẩy môi trường kinh doanh những năm qua?
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương
Mục đích của cải cách là phát triển xã hội. Đó là công lao, đóng góp của nhiều người, nhiều nhóm xã hội… Luật doanh nghiệp không phải là ngoại lệ. Năm 1990, Quốc hội ban hành 2 luật rất quan trọng, đó là Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân. Năm 1999, Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp thay thế Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân. Luật Doanh nghiệp được bổ sung sửa đổi lần thứ nhất vào năm 2005 và lần thứ hai vào năm 2014. Không ít ý kiến cho rằng, Luật Doanh nghiệp là một trong số các cải cách thành công nhất của Việt Nam cho đến nay, có người còn so sánh “Luật Doanh nghiệp năm 1999 với Khoán 10 trong nông nghiệp”.
“Phải cải cách trong nước một cách mạnh mẽ và nhất quán theo hướng thị trường, thị trường và thị trường hơn; giải quyết triệt để các vấn đề của môi trường kinh doanh thì cơ hội từ các hiệp định thương mại mới đến được với DNTN”.
TS Nguyễn Đình Cung
|
Đầu năm 2000, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói: “Luật Doanh nghiệp đã thổi một làn gió mới vào môi trường kinh doanh Việt Nam”. Trên thực tế, Luật Doanh nghiệp đã bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân theo nguyên tắc được kinh doanh tất cả những gì mà luật không cấm; số ngành nghề hạn chế và cấm kinh doanh ngày càng thu hẹp dần.
Theo tôi, đồng thời với tự do kinh doanh, Luật Doanh nghiệp hướng đến bảo đảm an toàn, giảm rủi ro và chi phí cho DN trong kinh doanh.
* Nhiều DN quan tâm đến việc cắt bỏ các điều kiện kinh doanh rắc rối, phức tạp, nhưng việc này dường như đã thất bại? Theo ông, cần tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh như thế nào?
Nói thất bại có lẽ hơi nặng, chưa phản ảnh hết nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ trong nhiều nhiệm kỳ. Gần 20 năm qua, đã có hai đợt cắt giảm mạnh các quy định về điều kiện kinh doanh. Đợt thứ nhất: 2000 - 2003 và đợt thứ hai là nhiệm kỳ hiện nay. Sau mỗi đợt cắt giảm, môi trường kinh doanh có cải thiện, theo hướng quyền tự do kinh doanh được mở rộng hơn, bình đẳng hơn, cơ hội kinh doanh nhiều hơn, giảm được tình trạng sách nhiễu… Chưa thành công ở chỗ là không đạt được đầy đủ các mục tiêu, và điều quan tâm hơn là “không có gì bảo đảm chắc chắn rằng hàng nghìn điều kiện kinh doanh bị bãi bỏ sẽ không “quay lại” dưới các hình khác”.
* Cởi trói để phát triển là một giải pháp tận dụng các cơ hội được ông nhiều lần nói tại các diễn đàn kinh tế. Theo ông, nên cởi trói ở mức độ nào? Làm sao để kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực mà không dựa vào các mối quan hệ, thậm chí là sẵn sàng làm trái luật?
Qua nghiên cứu và theo dõi kết quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do, nhất là từ khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã và đang tận dụng tốt hơn các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tôi cho rằng phải cải cách trong nước một cách mạnh mẽ và nhất quán theo hướng thị trường, thị trường và thị trường hơn; giải quyết triệt để các vấn đề của môi trường kinh doanh thì cơ hội từ các hiệp định thương mại mới đến được với DNTN! Nếu không, mãi mãi chỉ có thách thức, còn cơ hội lại dành cho FDI tại Việt Nam.
* Xin cảm ơn ông!
Kinh tế tư nhân được thừa nhận là “động lực quan trọng của nền kinh tế”. DNTN đã được quyền tự do kinh doanh trong tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm, môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng hơn.
Năm 2019, kinh tế tư nhân đã đóng góp hơn 42% GDP, tạo hơn 82% việc làm; có những thế mạnh tuyệt đối trong các thương mại, bất động sản, du lịch, vận tải, chế biến, chế tạo…; đóng góp 17% tổng thu ngân sách (DNNN - 13% và FDI - 15%). Riêng nhóm DN đăng ký theo Luật Doanh nghiệp, tư nhân chiếm khoảng 53% về tổng vốn kinh doanh, 34% về lợi nhuận trước thuế (DNNN và FDI là 23 và 44%), sử dụng hơn 9 triệu lao động và đóng góp hơn 9% GDP.
|
(Theo Thế Giới Tiếp Thị Xuân 2020)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.