Chia sẻ với những vùng quê nghèo khó

Thứ hai, ngày 23/09/2013 13:28 PM (GMT+7)
Gần 17 năm gắn bó với Báo NTNN, đối với tôi, NTNN là ngôi nhà thứ hai với biết bao kỷ niệm vui, buồn. Nhưng thấm thía và ấm áp nhất vẫn là những chuyến công tác từ thiện tại các vùng quê nghèo khó, nhờ thế mà tôi trưởng thành hơn.
Bình luận 0
Sống với Tây Nguyên

Khoảng tháng 3.1997, tôi gặp chị Mai Nhung lúc ấy là Phó Tổng Biên tập Báo NTNN và chị Kim Nhũ - lúc ấy ở Phòng Hành chính trị sự của báo đi công tác Tây Nguyên. Tôi được nghe hai chị kể rất nhiều về tờ báo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và cảm nhận sự tâm huyết tràn trề của chị Mai Nhung đối với tờ báo này. Chị tâm sự: “Ban Biên tập báo đang có lộ trình cải tiến, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức tờ báo, từng bước chuyển từ bao cấp sang tự chủ, hạch toán… NTNN rất cần những người làm báo tâm huyết với nông dân. Lê Minh về NTNN nhé”. Lúc ấy, tôi đang là Trưởng phòng Phóng viên của Báo Gia Lai. Tôi đã gắn bó với Báo Gia Lai gần 20 năm với biết bao kỷ niệm vui buồn. Môi trường làm việc ở đây vô cùng thân thiện đối với tôi… Trăn trở mãi, cuối cùng tôi chọn NTNN và chính thức làm việc từ ngày 1.8.1997.

Nhà báo Lê Minh (phải) trao hàng cứu trợ cho bà con vùng lũ ở Quảng Bình.
Nhà báo Lê Minh (phải) trao hàng cứu trợ cho bà con vùng lũ ở Quảng Bình.

Văn phòng Báo NTNN tại khu vực Tây Nguyên được thành lập vào tháng 5.1998 với 3 người, tôi và anh Quang Tạo, chị Mai Thị Tiến. Tôi còn nhớ, năm 2001, một bộ phận đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nhẹ dạ cả tin đã nghe lời các phần tử phản động trong nước và ngoài nước dụ dỗ tham gia biểu tình, gây rối trật tự xã hội. Lần đi viết bài ấy, khi đến một buôn của TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), tôi đang chụp ảnh quang cảnh xơ xác của làng quê sau vụ gây rối, mất trật tự, thì có một người đàn ông từ đâu chạy đến, túm lấy tay tôi bảo: “Mày là nhà báo NTNN phải nghe chúng tao nói. Con em chúng tao đến tuổi vào bộ đội thực hiện nghĩa vụ quân sự, còn con em cán bộ xã này thì trốn quân sự. Ai có tiền đưa cho cán bộ xã thì khỏi phải đi nghĩa vụ, còn ai không có tiền thì phải đi…”. Thông tin mà tôi nhận được từ người đàn ông nọ đã được báo cáo với đoàn công tác và được xác minh, sau đó giải quyết.

Trong thời gian làm báo tại Tây Nguyên, tôi đi đến đâu, cán bộ xã cũng biết báo NTNN và ai cũng khen báo hay, có nhiều bài viết thiết thực, sát với bà con nông dân, nhất là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nhưng khổ nỗi họ không có tiền mua báo đọc. Đến xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, Kon Tum, chủ tịch xã bảo: “Báo NTNN hay lắm, nhờ một bài báo hướng dẫn trồng cây nhãn mà cán bộ xã đã hướng dẫn hàng chục hộ trồng nhãn cho thu hoạch cao. Nhưng đồng bào mình không có tiền mua báo đọc...”.

Đến với vùng quê nghèo


Tháng 8.2006, tôi chuyển từ Tây Nguyên về công tác tại Ban Bạn đọc Báo NTNN. Ban Biên tập phân công cho ban đảm nhiệm cả công tác từ thiện - xã hội. Trong suốt 7 năm qua, trên những nẻo đường làm công tác từ thiện, tôi nhớ mãi trận bão lịch sử số 10 năm 2010, bão lũ chồng lên bão lũ 3 lần với mảnh đất miền Trung, gây thiệt hại nặng nề về người, hàng trăm ngôi nhà tài sản, hoa màu bị cuốn trôi hoàn toàn. Trong tháng 10, tôi và chị Minh Hồng, anh Nguyễn Văn Nam tổ chức liền 3 đợt công tác trên 20 ngày dầm mưa, dãi nắng cứu trợ nạn nhân bão lũ các tỉnh miền Trung.

Chủ tịch UBND huyện Đăk Đoa (Gia Lai) - ông Nguyễn Văn Chiến có lần nói: “Tôi lấy làm lạ, nông dân của huyện có vấn đề gì bức xúc, họ không phản ánh với chính quyền địa phương mà cứ chạy lên Văn phòng Báo NTNN. Ở đây có bất cứ vấn đề gì xảy ra đã thấy mặt phóng viên NTNN rồi”.


Đợt 3 của chuyến đi, Báo NTNN hỗ trợ bà con vùng lũ 1.000 cặp lợn giống, mỗi cặp lợn trị giá 1 triệu đồng (mỗi hộ được tặng 1 cặp). Khi đến một xã huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, nơi bà con tập kết lợn giống đến UBND xã bán cho chúng tôi để cấp phát cho các hộ thiệt hại nặng, thì cả người bán lẫn người được nhận lợn cũng hỉ hả, vui mừng. Người bán vui mừng vì bán được giá, bình thường bán ở chợ mỗi cặp lợn giỏi lắm được 500.000 đồng nhưng sau trận lũ, giống khan hiếm, bán cho Báo NTNN được gấp đôi. Còn người được nhận thì khỏi phải nói, được tặng 1 cặp lợn giống trên 10kg, chỉ nuôi 3-4 tháng là có thể bán để có tiền giải quyết khó khăn. Có một gia đình nuôi được con lợn to 40kg vì mới cưới vợ cho con còn nợ tiền nên muốn bán giá 900.000 đồng. Chúng tôi có thể mua con lợn ấy tặng bà con, nhưng không ai chịu nhận 1 con mà muốn nhận cả cặp. Lúc ấy, tôi nói với bà con, con lợn này chỉ cần nuôi thêm 2 tháng là có thể bán được, ai nhận thì báo sẽ tặng thêm 200.000 đồng, thế là ngay lập tức có mấy người xin nhận nuôi. Bất ngờ, một em gái khoảng 17 tuổi đang cuốc đất bên thửa ruộng bỏ cuốc đấy, chạy ào vào ôm chặt lấy tôi mà kêu: “Cảm ơn chị quá, nhà em có tiền trả nợ rồi”. Tiếp theo là bà mẹ, anh con trai cũng chạy từ đâu tới, cứ ôm chặt lấy tôi rồi nói: “Cảm ơn chị, cảm ơn Báo NTNN đã giúp gia đình tôi trả hết món nợ cưới vợ rồi”. Một chuyện nhỏ, bình thường mà tôi cảm thấy sung sướng kỳ lạ.

Tháng 6.2012, chúng tôi tổ chức ra đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi khám bệnh miễn phí cho 500 người nghèo và tặng máy tính cho 4 trường tiểu học. Tôi và các phóng viên Minh Nguyệt, Hữu Thọ, Công Xuân đến trao tặng máy tính cho các trường. Các thầy cô giáo, các em học sinh rất xúc động, cảm ơn Báo NTNN rối rít, cứ giữ chúng tôi ở lại. Bịn rịn mãi, chúng tôi mới ra về được. Khoảng 5 giờ chiều hôm ấy, chúng tôi đang ngồi trên tàu để trở về đảo lớn, bất ngờ bầu trời đen kịt, gió rất to, mưa ập đến. Tàu tròng trành, bác lái tàu bảo gió to, sóng lớn quá nên không thể lái thẳng về đảo lớn phải vòng ra xa mới về được. Mấy anh chị bác sĩ cùng đoàn không giấu được tâm trạng lo lắng. Lúc ấy, tôi có một niềm tin đặc biệt, tàu sẽ cập bến an toàn bởi chúng tôi đi làm điều thiện. Niềm tin ấy đã thành hiện thực...
Lê Minh (Lê Minh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem