“Chiếc bánh” phái sinh đang mang lợi về cho công ty chứng khoán nào?

Quốc Hải Thứ năm, ngày 04/01/2018 14:32 PM (GMT+7)
Trong 7 công ty chứng khoán tham gia vai trò môi giới trên thị trường phái sinh trong năm 2017, thị phần môi giới hợp đồng tương lai (HĐTL) phần lớn vẫn thuộc về Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) của “tỷ phú chứng khoán” Nguyễn Duy Hưng với khoảng hơn 28,2% thị phần.
Bình luận 0

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố danh sách thị phần môi giới HĐTL trên thị trường phái sinh trong năm 2017. Đáng chú ý, “miếng bánh” thị phần hấp dẫn này phần lớn thuộc về 3 công ty chứng khoán SSI, HCM và VND.

img

Thị phần "chiếc bánh" chứng khoán phái sinh năm 2017 (HNX)

Hơn 70% thị phần thuộc về 3 “ông lớn”

Cụ thể, kết thúc năm 2017, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (mã chứng khoán: SSI) dẫn đầu thị phần môi giới HĐTL trên thị trường phái sinh với tỷ lệ 28,28%; kế đến là Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC - mã chứng khoán: HCM) đứng thứ 2 với tỷ lệ 22,57% và Công ty Chứng khoán VNDirect (mã chứng khoán: VND) xếp vị trí thứ 3 với tỷ lệ 20,98%. Như vậy, chỉ tính riêng thị phần, 3 công ty chứng khoán kể trên đã nắm hơn 70%.

4 công ty chứng khoán còn lại gồm: Công ty CP Chứng khoán MB (tỷ lệ 11,37%); Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (tỷ lệ 8,47%); Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC, tỷ lệ 4,7%) và xếp cuối cùng là Công ty CP Chứng khoán NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (tỷ lệ 3,63%).

Về quy mô thị trường, theo HNX, tính đến ngày 15.12.2017, tổng khối lượng giao dịch trên thị trường phái sinh đạt 946.326 hợp đồng, tổng giá trị tính theo quy mô danh nghĩa hợp đồng đạt hơn 81 nghìn tỷ đồng. Bình quân khối lượng giao dịch đạt 10.399 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch đạt gần 900 tỷ đồng/phiên. Nếu so với phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán phái sinh (vận hành từ 10.8.2017), bình quân khối lượng giao dịch tính đến ngày 15.12.2017 đã tăng tương ứng xấp xỉ 21 và giá trị giao dịch  cũng tăng khoảng 24 lần.

Khối lượng mở OI toàn thị trường cũng duy trì xu hướng tăng. Tính đến 15.12.2017, khối lượng OI của toàn thị trường đạt 6.796 hợp đồng gấp 34 lần so với phiên giao dịch đầu tiên.

Ngoài ra, hiện có khoảng 14.034 tài khoản giao dịch phái sinh của nhà đầu tư được mở tính tới hết ngày 15.12.

Theo đánh giá của HNX, hoạt động giao dịch phái sinh hiện đang tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước (tỷ lệ 97,7%), sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức còn hạn chế do một số quy định chưa được hướng dẫn từ phía Ngân hàng Nhà nước khiến cho việc triển khai của các NHTM gặp khó khăn. Bên cạnh đó, quy trình nghiệp vụ giữa thành viên bù trừ với Ngân hàng giám sát, lưu ký chưa được xây dựng, hướng dẫn cụ thể...

img

Minh họa về giao dịch HĐTL (nguồn VNDirect)

Công ty chứng khoán nào được lợi?

Thực tế, trong giai đoạn đầu vận hành thị trường, cả 7 công ty chứng khoán là SSI, HSC (HCM), MBS, BSC (BSI), VNDirect (VND), VCSC (VCI) và VPBS đều miễn phí giao dịch cho nhà đầu tư trong vòng 3 tháng (tới ngày 10.11.2017). Thậm chí, thời gian không tính phí giao dịch có thể kéo dài hơn như tại VPBS (đến hết 15.11.2017); hoặc VCSC, MBS và BSC còn miễn phí cho nhà đầu tư đến hết năm 2017.

Tuy nhiên, sau khi hết thời gian miễn phí, mức thu phí tại những công ty chứng khoán này cũng có những chênh lệch nhất định.

Chẳng hạn, tại SSI, biểu phí áp dụng từ ngày 11.11.2017 là từ 20.000 - 30.000 đồng/hợp đồng (HĐ), được căn cứ vào tổng số lượng HĐTL VN30 giao dịch mua, bán và đáo hạn trong ngày. Cụ thể, mức phí là 30.000 đồng/HĐ được áp dụng với giao dịch dưới 10 HĐ; phí 25.000 đồng/HĐ với 10-30 HĐ và 20.000 đồng/HĐ áp dụng cho từ 30 HĐ trở lên. Sau đó, SSI cũng bổ biểu phí giao dịch hợp đồng tương lai áp dụng từ ngày 21.11.2017 với việc bổ sung thêm các vị thế đóng/mở trong ngày. Theo đó, với các loại giao dịch dưới 10 HĐ/ngày, 10-30 HĐ/ngày và từ 30 HĐ/ngày trở lên có phí giao dịch đóng mở vị thế đối ứng trong ngày (day trading) lần lượt là 20.000 đồng/HĐ, 15.000 đồng/HĐ và 10.000 đồng/HĐ.

Trong khi đó, HSC áp mức phí 30.000 đồng/HĐ với một chiều giao dịch (giao dịch mua, giao dịch bán hoặc đáo hạn hợp đồng) từ ngày 13.11.2017.

Tương tự, phí giao dịch chứng khoán phái sinh tại VPBS là 28.000 đồng/HĐ (mua/bán).

Còn tại VNDirect, mức phí được áp dụng khá linh hoạt. Cụ thể, phí giao dịch mở/đóng/đáo hạn là 20.000 đồng/giao dịch/HĐ. Riêng phí giao dịch hai chiều đối với các vị thế được mở và đóng ngay trong cùng ngày là 30.000 đồng/giao dịch 2 chiều trong ngày/HĐ (trong đó phí mở là 20.000 đồng/giao dịch/HĐ và phí đóng là 10.000 đồng/giao dịch/HĐ). Mức phí này được áp dụng từ ngày 13.11.2017.

Trong khi đó, 3 công ty chứng khoán còn lại gồm VCSC, MBS và BSC mới áp dụng biểu phí vài ngày nay (từ đầu năm 2018).

Cụ thể, tại Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), phí giao dịch khớp mua, bán HĐTL cố định lần lượt là 10.000 đồng/HĐ/lượt và 15.000 đồng/HĐ/lượt. Trong khi đó, Công ty Chứng khoán MB (MBS) lại có phí giao dịch mở/đóng vị thế đối ứng trong ngày là 10.000 đồng/HĐ/lượt và phí giao dịch mở/đóng vị thế/đáo hạn HĐ khác ngày là 16.000 đồng/HĐ/lượt.

Cá biệt, tại Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), công ty này tính phí dựa trên giá trị ký quỹ tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD). Cụ thể, biểu phí giao dịch CKPS mua/bán/đáo hạn 1 hợp đồng (HĐ) của VCSC là 0.15% giá trị ký quỹ VSD. Theo đó, nếu khách hàng mua 1 hợp đồng tương lai (HĐTL) VN30 ở giá 900, thì giá trị ký quỹ tại VSD là 9 triệu đồng (900 điểm x 100,000 hệ số nhân x 10% tỷ lệ ký quỹ).

Như vậy, mức phí giao dịch tại VCSC vào khoảng 13.500 đồng (9 triệu đồng x 0.15%).

Ngoài phí giao dịch, vấn đề về thuế thu nhập cá nhân từ giao dịch chứng khoán phái sinh (và thuế thu nhập doanh nghiệp dành cho tổ chức nước ngoài) khi phát sinh giao dịch cũng đã được công bố là mức 0.1% theo giá chuyển nhượng từng lần. Cụ thể, giá chuyển nhượng từng lần = (Giá thanh toán HĐTL x Hệ số nhân hợp đồng x Số lượng hợp đồng x Tỷ lệ ký quỹ ban đầu)/2.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem