Đó là chiếc chân giả của cựu chiến binh Nguyễn Bằng Phi (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương).
Trong một trận đánh cuối năm 1969 ông Phi bị đạn pháo của địch tiện mất một bên chân trái, vết thương nặng mất rất nhiều máu. Mặc dù phải nằm điều trị tại bệnh viện nhưng ông luôn khát khao được sát cánh cùng đồng đội chiến đấu.
Trong lúc điều trị vết thương, ông Phi đã đi tìm mảnh vỏ ống pháo sáng mà địch bắn ra vương lại quanh bệnh viện, rồi tự mình đo và thiết kế một chiếc chân giả.
Chiếc chân bao gồm ba phần, phần trên là giá đỡ như một chiếc phễu, để đút phần đùi còn lại của ông vào, rồi được cột chặt bằng những sợi vải mềm; phần thứ hai là phần khuỷu chân, với 4 thanh thép được đập bẹp rồi vít bằng 2 ốc vít có thể chuyển động được như chức năng của bộ phận đầu gối, phần ống được bọc bằng vỏ ống pháo sáng là hợp kim nhôm không gỉ; phần ba là bàn chân được làm bằng gỗ tếch - một loại gỗ rất nhẹ và sẵn trong rừng Đông Nam Bộ.
Sau khi tự mình chế tạo được chiếc chân chắc chắn, ông Phi tập đi và quay trở lại chiến đấu cùng đồng đội tại chiến trường miền Đông và lập rất nhiều chiến công cho đến ngày giải phóng.
Sau này khi đã phục viên, ông Phi được Nhà nước tặng một chiếc chân giả tốt và chính xác hơn, nhưng chiếc chân giả đặc biệt kia vẫn được ông lưu giữ lại như một kỷ vật máu thịt của mình.
Trước khi giao cho nhóm sưu tập những kỷ vật thời kháng chiến, ông Phi tâm sự: “Mình cứ đắn đo mãi, phải lần thứ ba anh chị em vào tận nhà vận động mình mới tặng lại bảo tàng. Mình nghĩ chiếc chân tự tạo của mình được trưng bày tại Bảo tàng là để đồng đội hiểu mình hơn và quan trọng là thế hệ trẻ sau này hiểu được những người lính thế hệ cha anh đã sống, chiến đấu và sẵn sàng hy sinh tất cả để đem lại tự do cho dân tộc.
Khánh Gia
Vui lòng nhập nội dung bình luận.