Chiếc nồi đồng của nữ anh hùng

Thứ ba, ngày 03/08/2010 20:20 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có lần địch lại thả bom khi nồi cơm vừa chín tới. Như một phản xạ, Y Buông lấy thân mình che cho nồi cơm đang nấu. Chị bị thương nhưng nồi cơm vẫn còn nguyên.
Bình luận 0
img
 

Ở nhà truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum trưng bày trang trọng hai chiếc nồi đồng mà nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Y Buông, dân tộc Xêđăng, từng dùng để nấu cơm cho bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ. Chiến công của chị gắn liền với những chiếc nồi đồng này.

Trong căn nhà nhỏ ở thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, chúng tôi gặp chị. Chân phải bị thương do một quả mìn Gip tiện ngang, hiện chị phải đi chân giả, rất khó khăn, nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi.

Hiện chị sống với chồng là anh A Giấy, nguyên là cán bộ trung tâm nuôi dưỡng thương binh của tỉnh và người con gái duy nhất là Y Thảo, nhân viên Trung tâm Y tế huyện.

Năm 1960 khi mới 13 tuổi, Y Buông đã làm liên lạc cho bộ đội vào vùng tạm chiếm. Thấy chị nhanh nhẹn, cấp trên đã chọn chị làm nuôi quân cho đại đội 1, Tiểu đoàn 304, đơn vị chủ lực của tỉnh. Ngày đó, tài sản lớn nhất của chị là những chiếc nồi đồng. Loại nồi này rất nặng, cái to nhất nấu đến 30 lon gạo.

img
Những chiếc nồi đồng gắn bó với chị Y Buông năm xưa.

Đơn vị cơ động, chị hành quân theo, có khi đi liên tục 5-6 đêm liền. 2 cái nồi được chị cột dây quàng qua phía trước, 3 cái xoong phía sau, rồi gạo, thức ăn, tính ra cũng vài chục ký, lại quàng thêm khẩu súng để gặp địch là chiến đấu.

Chị nuôi hàng trăm con gà, 5 - 6 con lợn, trồng rau, rồi vào rừng kiếm măng, một mình làm bằng cả hai người, bảo đảm hậu cần cho gần một trăm cán bộ, chiến sĩ. Có lần đang nấu ăn thì địch đến. Không để chúng cướp miếng ăn của bộ đội, Y Buông chiến đấu tại chỗ và diệt được 3 tên.

Lại có lần chúng thả bom, trúng ngay vào bếp làm chiếc nồi lớn vỡ toang. Chị khóc rất dữ, đơn vị phải động viên cấp chiếc khác, chị mới thôi. Chị hứa với mình dù phải hy sinh tính mạng cũng phải bảo vệ chiếc nồi để nấu cơm cho bộ đội.

Lần sau địch lại thả bom khi nồi cơm vừa chín tới. Như một phản xạ, chị lấy thân mình che cho nồi cơm đang nấu. Chị bị thương nhưng nồi cơm vẫn còn nguyên. Ngớt tiếng bom, mọi người chạy đến, nhìn thấy chị, ai nấy đều cảm động. Và chiếc nồi đồng này gắn bó với chị đến ngày giải phóng.

Năm 1976, trong khi vào rừng kiếm măng, chị bị trúng mìn, phải đi điều trị ở Bệnh viện 108, chiếc nồi đồng cũng rời chị từ đó và được giữ tại Tiểu đoàn 304, sau đó về nhà truyền thống LLVT tỉnh.

Bây giờ, vào những ngày lễ lớn, nữ cựu quân nhân Y Buông lại kể chuyện về những chiếc nồi đồng và một thời cống hiến sức lực vì tự do của Tổ quốc. Câu chuyện vẫn làm say mê bao thế hệ trẻ hôm nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem