“Như nấm mọc sau mưa”
Trên các mạng xã hội, hàng ngàn người từ khắp nơi trên thế giới bày tỏ sự ủng hộ đối với "những người chiếm đóng" từ Phố Wall vốn phát triển "như nấm sau mưa" ở khắp nước Mỹ.
|
Phong trào biểu tình “Chiếm Phố Wall” dự kiến diễn ra trên khắp thế giới vào ngày 15.10. |
Các cuộc biểu tình ở những thành phố lớn của Mỹ diễn ra không ngừng đã ba tuần nay. Giới tài chính thì ước tính, một ngày đình công tiêu tốn của các chính quyền thành phố tới một triệu USD. Trong khi đó, các thành viên cuộc đấu tranh không có ý định bỏ cuộc. Hơn mười nghìn người đã dựng lều trại tại các trung tâm kinh doanh của New York, Washington và Los Angeles.
Thực tế những người tham gia biểu tình đại diện cho một xã hội Mỹ thu nhỏ: Có những người thất nghiệp và những nhân viên quản lý kinh doanh có đời sống khá giả, họ tham gia phong trào trong giờ nghỉ trưa. Những người đấu tranh có kế hoạch tuần hành tại Beverly Hills và dần dần thu hút sự tham gia của nhiều thị trấn nhỏ ở Mỹ.
Ngày 15.10, công dân của Venezuela và Mexico, Canada và Áo, Đức cũng sẽ sẵn sàng tham gia “chiếm đóng” các đô thị. Tuy nhiên, chưa rõ liệu “sự chiếm cứ” này có trở thành cuộc bãi công nhiều ngày hay không. Tiêu đề của phong trào quốc tế này là "Ngày những hành động thống nhất vì sự thay đổi toàn cầu".
Đe dọa các cuộc bầu cử
Giới truyền thông Mỹ cho rằng, cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 ở Mỹ có nguy cơ bị đe doạ bởi phong trào "Chiếm Phố Wall". Trong những ngày đầu tiên xuất hiện phong trào này, đe dọa biến các cuộc bầu cử năm tới thành một cuộc khẩu chiến giữa những người cực đoan trên chính trường Mỹ, các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ đã thận trọng về việc bày tỏ sự đoàn kết đối với những người biểu tình.
Nguy cơ từ việc những người Dân chủ ủng hộ phong trào này cũng giống nguy cơ từ việc các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa ủng hộ phong trào "Hội Trà" bùng phát từ năm 2009. Giới phân tích cho rằng, mặc dù sự tức giận và sinh lực đang chi phối đám đông “Chiếm Phố Wall” có thể giúp huy động cơ sở ủng hộ Đảng Dân chủ vào năm 2012, nhưng nó có thể khiến các cử tri truyền thống xa lánh Đảng Dân chủ.
Trong một diễn biến khác, ngày 12.10, chính quyền thành phố Harrisburg, thủ phủ bang Pennsylvania (Mỹ) đã tuyên bố phá sản sau một cuộc biểu quyết của hội đồng thành phố một ngày trước đó. Động thái hiếm hoi này làm gia tăng nỗi ám ảnh về nguy cơ vỡ nợ của hàng loạt chính quyền địa phương tại Mỹ.
Robby Mook - Giám đốc điều hành của Ủy ban Vận động tranh cử quốc hội của Đảng Dân chủ đã gửi một bức thư cho những người ủng hộ, chỉ trích việc thủ lĩnh đa số tại Hạ viện của Đảng Cộng hòa Eric Cantor đã đề cập đến những người biểu tình là "những kẻ du thủ du thực".
Theo ông Mook, "những kẻ du thủ du thực" mà ông Cantor nói đến là tầng lớp trung lưu, cùng hàng triệu người thất nghiệp tại Mỹ. Sau đó, ông Mook đã mời những người ủng hộ Đảng Dân chủ ký một kiến nghị với nội dung: "Những người biểu tình đang tập hợp tại New York và khắp nước Mỹ để các tỷ phú, các chủ công ty dầu mỏ và ngân hàng lớn biết rằng, chúng ta sẽ không để cho 1% số người giàu nhất nước Mỹ áp đặt những chính sách kinh tế hà khắc và cắt giảm những chương trình phúc lợi quan trọng".
Quang Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.