Lương Kết
Chủ nhật, ngày 01/05/2022 19:00 PM (GMT+7)
Trong cuộc tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị cách đây 50 năm (1972), Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - nguyên quyền Tư lệnh Quân khu 2 được tham gia từ ngày mở màn chiến dịch đến khi kết thúc, trên cương vị Trung đoàn phó rồi Trung đoàn trưởng...
Trước khi quân ta nổ súng tiến công Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Huy (ảnh nhỏ) lúc đó là Trung đoàn phó Trung đoàn 9, Sư đoàn 304.
Chính sách nhân đạo
Theo Tướng Huy, cuộc tiến công giải phóng Quảng Trị năm 1972, chia làm 3 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, Sư đoàn 304 được giao nhiệm vụ tiêu diệt các cứ điểm Đồng Toan, Ba Hồ, Đầu Mầu và căn cứ 241. Đây là các cứ điểm vòng ngoài để bảo vệ khu trung tâm: Đông Hà, Ái Tử, thị xã Quảng Trị (nay là TP.Quảng Trị). Trung đoàn 9 của ông Huy được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Đầu Mầu, phát triển đánh chiếm Núi Kiếm, phối hợp với Trung đoàn 24 (Sư đoàn 304) tiêu diệt căn cứ 241.
Đúng 11 giờ ngày 30/3/1972, các đơn vị của ta nổ súng mở màn chiến dịch tiến công Quảng Trị. Đòn tiến công bất ngờ, sấm sét, bão lửa dội xuống hệ thống phòng thủ của quân ngụy, gây choáng váng cho đối phương ngay từ phút đầu.
Trong 2 ngày (2 và 3/11/1972), dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Nguyễn Đức Huy, Trung đoàn 18 đã đánh bại cuộc hành quân "sóng thần 9" của địch, tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 6 (tiểu đoàn thiếu), gồm 2 đại đội và cơ quan tiểu đoàn 6 thủy quân lục chiến và đánh tan 2 đại đội đến chi viện.
Sau nhiều ngày quân ta tổ chức tiến công dũng mạnh, đến ngày 1/5/1972, nhận được tin quân địch rút chạy khỏi thị xã Quảng Trị, chiều cùng ngày Bộ Tư lệnh mặt trận và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 304 lệnh cho ông Nguyễn Đức Huy đưa một đại đội đặc công trinh sát vượt sông Thạch Hãn sang phối hợp cùng các lực lượng đơn vị khác đánh chiếm và giải phóng thị xã Quảng Trị.
Hơn 20 giờ ngày 1/5/1972, lực lượng đặc công trinh sát đã đánh chiếm được khu vực nam cầu Quảng Trị, sau đó tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 9 đã chia làm 2 cánh, Trung đoàn phó Nguyễn Đức Huy đi cùng chỉ huy cánh quân thứ nhất. Cánh quân này đã tiêu diệt các cụm quân địch ở trường Bồ Đề, sở chỉ huy Sư đoàn 3 của quân ngụy và một số nơi khác. Chiến sĩ Đào Châu Vũ của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 đã cắm lá cờ giải phóng lên tòa thị chính Quảng Trị, báo hiệu Quảng Trị được giải phóng...
Tạo thế trên bàn đàm phán
Chiều 2/5/1972, Trung đoàn phó Nguyễn Đức Huy được Bộ Tư lệnh mặt trận chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban quân quản lâm thời thị xã Quảng Trị. Công việc mà ông Huy và Ủy ban quân quản đã tổ chức thực hiện sau ngày giải phóng Quảng Trị là tổ chức truy quét toàn bộ lực lượng của ngụy còn đang chống cự. Đồng thời Ủy ban quân quản họp để bàn xây dựng kế hoạch phòng thủ Quảng Trị đề phòng địch tái chiếm.
Việc thứ hai là giải quyết những hậu quả của chiến tranh, khi đó quân địch rút chạy đã để lại ở Bệnh viện thị xã Quảng Trị khoảng trên 300 thương binh và tử sĩ.
Việc thứ ba là tổ chức thu hồi vũ khí, xe pháo và các phương tiện chiến tranh do quân ngụy để lại, đưa ra khu vực an toàn. "Thời điểm đó ngoài các cánh đồng lúa đang chín vàng nhưng không có người thu hoạch, Ủy ban Quân quản đã cùng địa phương huy động lực lượng để thu hoạch lúa làm lương thực cho người dân" - Tướng Huy nói và cho biết đó là việc thứ tư.
Còn việc thứ năm là đưa cán bộ xây dựng lại các cơ sở cách mạng như tổ chức Đảng, tổ chức chính quyền, tổ chức quần chúng… của thị xã Quảng Trị.
"Trong 15 ngày làm Chủ tịch Ủy ban quân quản của thị xã Quảng Trị, điều tôi thấy phấn khởi nhất là chúng ta đã giải phóng hoàn cả tỉnh Quảng Trị, đây là tỉnh đầu tiên ở miền Nam Việt Nam được giải phóng" - Thiếu tướng Huy nói.
Giai đoạn thứ 2, từ 28/6 đến 15/9/1972, đây là giai đoạn ác liệt nhất, lịch sử vẫn nói là 81 ngày đêm khói lửa để bảo vệ thành cổ. Sau ngày địch tái chiếm thị xã và thành cổ Quảng Trị, Trung đoàn phó Trung đoàn 9 Nguyễn Đức Huy được Bộ Tư lệnh mặt trận điều động về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 18 (Sư đoàn 325). Lúc này, cuộc chiến đấu ở Quảng Trị bước vào giai đoạn 3, quân ta rút khỏi thị xã Quảng Trị và chuyển sang phòng thủ toàn bộ vùng giải phóng không cho địch vượt sông Thạch Hãn, tái chiếm Ái Tử, Đông Hà và ra sông Bến Hải.
Trung đoàn 18 và Sư đoàn 325 làm nhiệm vụ phòng ngự ở khu vực An Đôn, Nhan Biều, khu vực phòng ngự trọng yếu của tuyến phòng thủ bắc sông Thạch Hãn đối diện với thị xã Quảng Trị.
Đêm 1/11/1972, lợi dụng đêm tối mưa rét, Mỹ - ngụy đã đưa lực lượng sang chiếm bãi cát Nhan Biều - mở đầu cuộc hành quân "sóng thần 9" nhằm đánh chiếm khu vực Ái Tử làm bàn đạp tái chiếm Đông Hà và vùng đất đã mất sau ngày 30/7/1972 và ra đến Nam sông Bến Hải.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.