Người lưu giữ khoảnh khắc lịch sử ngày 30/4 trên đường phố Sài Gòn
Người lưu giữ những khoảnh khắc lịch sử quý giá ngày 30/4 trên đường phố Sài Gòn
Châu Mỹ
Thứ bảy, ngày 30/04/2022 15:58 PM (GMT+7)
Ngoại trừ những ký giả nước ngoài và những bộ ảnh đã được công bố, còn một kho tư liệu quý giá về Sài Gòn ngày 30/4 vẫn được lưu giữ bởi nhiều nhiếp ảnh gia không chuyên. Nguyễn Đạt là một nhân chứng như vậy.
Chàng thanh niên 19 tuổi với chiếc máy Nikon FTN và Leica M3 đã ghi được những khoảnh khắc đắt giá trên đường phố Sài Gòn vào ngày 30/4/1975 khi bộ đội tiến vào giải phóng thành phố.
40 năm trước, chàng thanh niên Nguyễn Đinh Đạt sống cùng gia đình tại số nhà 399 đường Trương Minh Giảng (nay là đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM).
Anh không ngờ, buổi sáng ngày 30/4/1975 lại là một ngày trọng đại với cuộc đời mình cũng như lịch sử dân tộc.
“Buổi sáng sớm hôm đó, còn đang lơ mơ ngủ, tôi thấy rần rần dưới đường. Ngó xuống thấy hai lính phi công đang nép dưới một hàng hiên cởi trang phục. Tôi biết bộ đội giải phóng đã tiến vào thành phố.
Chỉ kịp gọi cậu bạn, dán vội dòng chữ phóng viên lên xe Jeep, cả hai vác theo máy ảnh phóng ra đường. Tuổi 19 tò mò, háo hức hơn là sợ. Tôi cứ bấm xong một tấm ảnh là lại nhấn ga phóng xe đi", ông Đạt, năm nay đã 70 tuổi, chia sẻ.
Sau hơn 40 năm, ký giả Nguyễn Đạt trở lại ngôi nhà và góc phố xưa, những con đường ông đã đi qua để tác nghiệp. Cảnh vật gần như còn nguyên vẹn, người xưa đã già cả, lẩn thẩn theo thời gian. Một số còn nhớ láng máng câu chuyện về ngày 30/4/1975.
Sau khi tác nghiệp tại góc đường Trương Minh Giảng, Nguyễn Đạt tự lái xe hơi khi khắp thành phố ghi lại hình ảnh ngày 30/4/1975.
Ông đi qua các địa danh Thủ Đức, Hàng Xanh, Thị Nghè, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình... để ghi lại những khoảnh khắc đắt giá về Sài Gòn ngày đầu tiên giải phóng.
Ngay đêm hôm đó, ông về nhà, tự tráng phim và in ảnh. Nguyễn Đạt chụp hết hai cuộn phim đen trắng. Trong số 72 kiểu phim, phần lớn ảnh bị hỏng, hiện bộ ảnh Nguyễn Đạt có hơn 30 tấm.
Một số ảnh trong album đã được Bộ Quốc phòng và TTXVN lưu trữ. Chúng được coi là những tư liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một mốc son lịch sử của thành phố.
Trong chuỗi hình ảnh mô phỏng những người lính cộng hòa thất trận, bức ảnh được Nguyễn Đạt đánh giá cao là tấm một nhóm lính đã cởi bỏ toàn bộ trang phục, chỉ còn độc chiếc quần đùi mặc trên người.
Đối lập với vẻ mệt mỏi của những người lính cộng hòa thất trận là hình ảnh bộ đội tiến vào giải phóng thành phố.
Trong số những bức ảnh này, tác giả trân trọng tấm ảnh mô tả hai anh bộ đội giải phóng, đầu đội mũ tai bèo, mặc áo may ô trắng, chuyền tay nhau điếu thuốc giữa bốn bề xung quanh là đồng đội đang reo mừng chiến thắng.
Sau sự kiện 30/4/1975, Nguyễn Đạt sau đó trở thành cán bộ trong một công ty trực thuộc Bộ thương mại. Ông từng làm trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đầu tiên sang thăm và hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
Sau năm 1975, gia đình ông Đạt mỗi người đi kinh tế mới ở mỗi nơi, riêng ông may mắn xin được làm lái xe cho Sở Công Thương, rồi luân chuyển qua nhiều vì trí khác nhau cho đến khi về hưu.
Sau hơn 40 năm, căn nhà xưa của cả gia đình dù thay chủ nhưng vẫn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc cũ. Thi thoảng, ông Đạt vẫn cùng vợ ghé qua, đứng trước căn nhà cũ, con phố cũ... để hoài niệm về một thời tuổi trẻ.
Vừa lái xe, tài xế Đạt vừa chụp ảnh những nơi mình đi qua và mấy chục năm sau này, ông Đạt luôn tìm cách quay lại chốn xưa để chụp tiếp những tấm ảnh đối chứng sự thay đổi thời hòa bình.
"Với những gia đình như nhà tôi, những năm ấy hẳn nhiên không có gì là dễ dàng. Và rồi tôi cũng đã vượt qua được khúc quanh ấy, vẫn sống được một cách trung thực chính là mình, hoàn tất 30 năm công tác trong nhiều vị trí ở ngành Công Thương, vẫn chụp ảnh, vẫn chơi xe jeep và lái khắp các nẻo đường đất nước.
Kể cả những thời điểm khó khăn nhất, phải bán hết cả bộ máy ảnh tráng phim để trang trải thì tôi và gia đình cũng chưa bao giờ có ý định rời bỏ Việt Nam", ông tâm sự.
Hiện, ở tuổi 70, ngoài thú chơi nhiếp ảnh, Nguyễn Đạt còn đam mê đua xe địa hình và câu cá. Ông vui sống điền viên cùng vợ trong một căn nhà lớn tại quận 7, T.HCM. Hai vợ chồng thường xuyên lái xe jeep đi “phượt” cùng bạn bè, bao gồm cả bạn già và bạn trẻ. Cuối tuần hay dịp lễ Tết, ông bà lại quây quần cùng con cháu.
Ao ước lớn nhất của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đạt không phải là đem bán đấu giá hoặc triển lãm những bức ảnh được coi là có giá trị quý giá về lịch sử. Ông coi đó là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời cầm máy của mình.
Tác giả có nguyện vọng được gặp mặt, tái ngộ những nhân vật xuất hiện trong bộ ảnh của mình, xem cuộc sống của họ thay đổi ra sao.
"Không biết những người lính trong ảnh này hôm nay ra sao. Họ trạc tuổi tôi, giá như được gặp lại, hàn huyên câu chuyện cuộc đời thì không gì quý bằng", nhà nhiếp ảnh chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.