Chiến công đầu tiên của Gia Cát Lượng diễn ra ở đâu?

Thứ ba, ngày 31/12/2019 10:32 AM (GMT+7)
Sau khi Gia Cát Lượng làm quân sư cho Lưu Bị đã góp nhiều công sức xây dựng binh mã tại Tân Dã. Tào Tháo nghe tin, điều quân đi đánh Tân Dã, nhưng trúng kế của Gia Cát Lượng toàn quân đại bại.
Bình luận 0

Gia Cát Lượng (181 - 234), tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là Thừa tướng, công thần khai quốc, nhà chính trị, nhà ngoại giao, chỉ huy quân sự, và cũng là một nhà phát minh kỹ thuật nổi tiếng của nhà Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.

img

Gia Cát Lượng giúp nhà Thục hình thành thế chân vạc thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Theo Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, sau khi Từ Thứ đến với Tào Tháo, Lưu Bị tìm đến Long Trung để thỉnh cầu Gia Cát Lượng ra giúp nhưng hai lần đầu không gặp mãi đến lần thứ ba mới gặp được nên dân gian mới có điển tích "Lưu Bị tam cố thảo lư câu hiền".

Khi được Gia Cát Lượng nói kế sách định quốc an bang, Lưu Bị vô cùng kính phục, muốn mời Gia Cát Lượng xuống núi mưu tính đại sự. Gia Cát Lượng thấy Lưu Bị thật lòng cầu xin nên ông chấp nhận làm quân sư cho Lưu Bị. Năm đó Gia Cát Lượng mới có 27 tuổi chính thức bước vào vũ đài chính trị.

Sau khi về làm quân sư cho Lưu Bị, Gia Cát Lượng bắt tay ngay vào xây dựng lực lượng ở Tân Dã. Tào Tháo nghe tin, điều đại tướng Hạ Hầu Đôn dẫn 10 vạn đại quân đi đánh Tân Dã. Lưu Bị giao quyền điều binh cho Khổng Minh. Khổng Minh cho quân mai phục chuẩn bị mọi thứ để tiêu diệt quân Tào tại Bác Vọng Ba.

img

Lưu Bị ba lần đến lều cỏ mời Gia Cát Lượng hạ sơn.

Gia Cát Lượng sai Trương Phi và Quan Vũ phục kích 2 bên sườn gò Bác Vọng Ba, chuẩn bị đầy đủ mồi lửa sẵn sàng thiêu cháy quân Tào khi có hiệu lệnh. Cũng theo kế này Khổng Minh cho Triệu Tử Long và Lưu Bị đi dụ địch, chỉ được thua không được thắng. Lần đầu tiên Triệu Tử Long ra đánh, thua chạy nhưng Hạ Hầu Đôn không dám truy kích theo vì sợ gặp mai phục. Nhưng một lúc sau lại có toán quân xông ra, lần này đích thân Lưu Bị xuất đầu lộ diện.

Việc để Lưu Bị, người đứng đầu quân đội ra nghênh chiến cho thấy Khổng Minh đã biết rõ thực lực của Lưu Bị, rằng ông không chỉ là một chúa công chỉ biết dùng nhân nghĩa và nước mắt để thu phục thiên hạ, mà còn sở hữu một sức mạnh tiềm tàng rất to lớn, có thể ‘đánh nhử’ đô đốc quân Tào là Hạ Hầu Đôn được. Vì nếu không phải là Lưu Bị, thì không thể nào nhử đại quân địch vào bẫy của mình được. Đó chính là điểm then chốt của trận chiến này.

img

Tạo hình Gia Cát Lượng trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.

Lưu Bị khi giao đấu với Hạ Hầu Đôn đã làm theo đúng kế của quân sư Gia Cát Lượng, nên Lưu Bị giả thua bỏ chạy thục mạng. Thế là cả Hạ Hầu Đôn và các tướng lĩnh dưới trướng lần này đều trúng kế, không còn ai đề phòng mai phục gì nữa, vì cơ hội chém đầu Lưu Bị đã rất gần trong tầm tay rồi, bèn thúc ngựa đuổi theo.

Quân Tào tiến vào rừng đến khi đêm xuống, lúc này tướng dưới trướng mới thưa rằng Hạ Hầu Đôn nên dừng truy kích, chuẩn bị rút quân vì nơi này không nên ở lâu, thì bất ngờ tên lửa bắn xuống mịt mù, cây cối hai bên đường cháy to. Quân Tào hoảng loạn giẫm đạp lên nhau mà chạy, lương thực toàn bộ bị cháy. Toàn bộ Tào quân bị tiêu diệt, tướng Hạ Hầu Đôn may mắn chạy thoát. Từ đó uy tín của Khổng Minh lại càng được nể trọng.

Trong Tam quốc diễn nghĩa có bài thơ khen Khổng Minh rằng:

Bác Vọng dùng mưu đánh hỏa công

Cười cười nói nói vẫn ung dung

Tào quân nghe tiếng hồn bay bổng

Rời khỏi lều tranh đệ nhất công.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu sự kiện Gia Cát Lương hỏa thiêu gò Bác Vọng là do La Quán Trung hư cấu lên, bởi theo nhiều tài liệu lịch sử thì Lưu Bị tự đốt Bác Vọng trước khi có Gia Cát Lượng.

Quốc Tiệp (Người Đưa Tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem