Trước lễ Quốc khánh 2.9 vài ngày, lão nông Năm Hùng (Nguyễn Thế Hùng - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Nhựt) rủ tôi về nhà ông chơi với lý do “trà đàm” ôn lại quá khứ những ngày thoát ly đi kháng chiến.
Vắt quần ngang cổ… đi làm
Mùa này Tân Nhựt đẹp như một bức tranh. Đi trên con đường Đê số 3, giữa hai hàng dương chụm đầu vào nhau, ngửi hương thơm thoang thoảng của lúa chín vàng rợp trên đồng, tôi quên mất trước đây không lâu nơi đây là một vùng sình lầy ngập ngụa.
Thương lái thu mua lúa ở xã Tân Nhựt.
Vẫn như mọi khi, ông Năm Hùng ngồi ở bộ ghế gỗ đặt sau nhà. Trên tay ông là một bức hình 4 đồng đội đang nhìn ông thao tác mìn claymore (mìn định hướng) chụp thời đánh Mỹ cứu nước. Nhìn bức hình ông bùi ngùi: “Cả 4 đồng đội của tui chết hết rồi sau những trận càn của Mỹ”.
Theo ông Năm, những năm kháng chiến chống Mỹ, Tân Nhựt là bàn đạp của các lực lượng vũ trang cách mạng Long An - Sài Gòn - Gia Định. Đây cũng là nơi trú quân của Tiểu đoàn 6, An ninh T4, các đơn vị biệt động thành, là nơi để lãnh đạo Xứ ủy, Trung ương cục, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn bàn bạc các phương án tác chiến. Vì thế, nơi đây bị địch càn quét suốt ngày đêm...
Sau năm 1975, ông Năm Hùng xin xuất ngũ về Tân Nhựt công tác. Ông giữ liên tiếp 3 nhiệm kỳ Bí thư Đảng bộ xã trước khi xin về hưu. “Thời tui làm Bí thư xã, Tân Nhựt còn nghèo lắm. Cứ đến tháng 9, tháng 10 là phải lo đi xin gạo về cứu đói dân” - ông Năm nói. Ông kể, Tân Nhựt lúc ấy như một bãi lầy. Cầu khỉ nhiều vô kể. Đến nỗi, mỗi khi đi làm, ông phải cởi quần dài, vắt lên cổ, rồi cõng chiếc xe đạp cà tàng lội nước mà đi. “Có lần tui đang đi trên cầu khỉ lắc lư thì nghe sau lưng mình có giọng nói “cái gì cũng bắt mà cái cầu không lo bắc”. Tức anh ách trong bụng, nhưng nghĩ dân nói cũng đúng nên sau đó tui đề nghị huyện hỗ trợ xóa 6 cây cầu khỉ thay bằng cầu bê tông” - ông cười vui.
Nghe tôi hỏi về chuyến đi Hàn Quốc cùng đoàn nông dân do Hội Nông dân thành phố tổ chức để học tập kinh nghiệm làm nông và làm nông thôn mới, ông Năm Hùng tỏ ra phục lăn: “Nông dân Hàn Quốc làm nông và làm nông thôn mới không chê vào đâu được. Hệ thống giao thông nông thôn và môi trường vệ sinh rất sạch, đẹp. Cái chính là họ cần cù chịu khó, biết tự lực, tự cường, không ỷ lại sự giúp đỡ của Chính phủ”. Theo ông Năm, cần cù, chịu khó thì nông dân Việt Nam đã có, nhưng tính ỷ lại thì một bộ phận nông dân vẫn còn. Nếu khắc phục được điều này thì nông dân Việt Nam làm nông hay nông thôn mới chẳng kém gì Hàn Quốc. “Nông dân mình tài lắm” - ông Năm Hùng nhận xét.
Chớp cơ hội này, tôi xề qua câu chuyện “nông thôn mới” ở Tân Nhựt, ông Năm gật gù: “Ừ, nói tui mới thấy, từ ngày thực hiện Chương trình nông thôn mới, Tân Nhựt như lột xác, đường đi, nước bước liền lạc, phẳng phiu hơn; kinh tế, xã hội, đời sống bà con phát triển trông thấy. Mấy thằng nhỏ sau này làm coi bộ ngon lành hơn tui thời trước nhiều”.
Như một cuộc lột xác
Nói nôm na, Tân Nhựt giờ đây như “nàng công chúa” bừng tỉnh sau một giất ngủ dài trong rừng. Những cây cầu tre lắc lẻo trước đây giờ hoàn toàn biến mất, thay vào đấy là những cầu bê tông. 100% đường trục xã, liên xã đều được nhựa hóa hay bê tông hóa. Cái cảnh ông Năm Hùng cởi quần, lội nước đi làm giờ như câu chuyện cổ tích ở Tân Nhựt. Quan trọng hơn, từ ngày làm nông thôn mới và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu nhập người dân tăng thấy rõ. Hiện, theo Ban chỉ đạo Chương trình nông thôn mới xã cho thấy, thu nhập bình quân người dân Tân Nhựt là 30 triệu đồng/năm.
Từ ngày thực hiện Chương trình nông thôn mới, Tân Nhựt như lột xác, đường đi, nước bước liền lạc, phẳng phiu hơn; kinh tế, xã hội, đời sống bà con phát triển trông thấy. Mấy thằng nhỏ sau này làm coi bộ ngon lành hơn tui thời trước nhiều”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt cho biết, thay đổi lớn nhất ở Tân Nhựt hiện nay là giao thông và đời sống người dân. “Từ ngày Tân Nhựt hoàn chỉnh đường giao thông nông thôn đã giúp ngươi dân và thương lái rất nhiều trong việc mua bán nông sản. Tại xã hiện đã hình thành nhiều mô hình kinh tế, ngành nghề” - bà nói. Được như thế, theo bà Thúy, ngoài sự đóng góp tích cực của bà con thì các chi bộ, đảng viên, cán bộ xã đã phát huy được vai trò nòng cốt, lãnh đạo với mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Hôm tôi về Tân Nhựt thấy trên đường Thế Lữ người dân chất từng đống bao lúa vừa mới thu hoạch chờ thương lái đến mua. Từ chỗ chỉ làm lúa một vụ/năm, nay nông dân Tân Nhựt làm được lúa hai vụ sau khi các công trình thủy lợi hoàn thành. Năng suất lúa hiện nay khoảng 5-6 tấn/ha. Anh Phạm Tấn Hải (ấp 1) – một người mới thu hoạch lúa chờ bán cho biết, năm nay anh làm 1,2ha lúa, thu hoạch gần 6 tấn. “Thương lái ở Long An vừa gọi điện ra giá 4.500 đồng/kg, tui nghĩ giá này là hợp lý nên đã đồng ý” - anh nói.
Tuy nhiên, theo ông Năm Hùng, nếu tìm lợi thế cho những vật nuôi, cây trồng trên mảnh đất Tân Nhựt thì cây rau mới có nhiều tiềm năng kinh tế. Lấy kinh nghiệm bao năm làm VAC, ông Năm Hùng cho biết: “Tui tính riêng thị trường thành phố thôi, nếu bà con Tân Nhựt trồng cây rau thì cũng không đủ cung cấp đâu”.
Đồng tình với nhận định của ông Năm Hùng, anh Trần Văn Nghĩa – một nông dân chuyên trồng rau sạch (ở ấp 2) cho biết, với 2,7 công đất làm rau, mỗi năm anh thu nhập cả trăm triệu đồng. “Cứ mùa nào tui trồng loại rau củ ấy. Tui chỉ trồng nông sản sạch rồi bán cho HTX Phước An cung cấp cho các siêu thị” - anh nói. Cơ sở trồng rau sạch của anh Hùng từ lâu đã có chứng chỉ VietGap. Tại Tân Nhựt hiện có khá nhiều cơ sở trồng rau an toàn. Có cơ sở sản xuất với diện tích gần cả ha. Anh Nghĩa cũng cho biết, HTX Ngày Mới của Tân Nhựt cũng đang chuẩn bị đi vào hoạt động nhằm giúp nông dân Tân Nhựt cải thiện kinh tế.
Trước khi tiễn tôi ra khỏi nông trại, ông Năm Hùng cho biết: “Dân Tân Nhựt bây giờ khá giả nhiều. Một số ít vẫn còn nghèo do thiếu điều kiện, nhưng đói thì không còn. Từ khi có nông thôn mới, dân Tân Nhựt rất phấn khởi. Với dân Tân Nhựt, cho dù ở vào hoàn cảnh nào thì cũng rất tin vào Đảng, vào chính quyền cách mạng”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.