Chiến dịch tấn công Nhà nước Hồi giáo IS: Cùng nói, không cùng... làm

Phan Hồng Hải (tổng hợp) Thứ tư, ngày 17/09/2014 06:32 AM (GMT+7)
Song song với hội nghị quốc tế bàn về cách chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS), quân đội Mỹ đã mở rộng các cuộc tấn công IS thể hiện sự cam kết mạnh mẽ. Giới phân tích nhận định, cuộc chiến chống IS sẽ không dễ dàng như lời nói.
Bình luận 0

Tấn công ở bất cứ đâu

Quân đội Mỹ đã tấn công một mục tiêu IS ở Tây Nam thủ đô Baghdad của Iraq, động thái mở rộng chiến dịch không kích của chính quyền Tổng thống Barack Obama nhằm vào lực IS. Hãng tin Reuters ngày 16.9 dẫn tuyên bố của Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ cho biết, đây là cuộc không kích đầu tiên được thực hiện trong khuôn khổ nỗ lực mở rộng phạm vi bảo vệ người dân Mỹ và các phái bộ nhân đạo để tấn công các mục tiêu IS.

Kết quả của cuộc tấn công này, 6 chiếc xe của IS đã bị phá hủy ở gần Sinjar- một khu vực chiếm đóng của IS ở Tây Nam thủ đô Baghdad.

Theo BBC, kể từ tháng 8 đến nay, Mỹ đã thực hiện tổng cộng 162 cuộc không kích trên khắp Iraq. Giới chức Mỹ cho biết, đợt không kích mới nhất diễn ra trong hai ngày 14 và 15.9, thể hiện cam kết của Tổng thống Obama là “tấn công IS ở bất cứ nơi đâu”.

Trong khi đó, ngày 16.9, các điều tra viên tội ác chiến tranh về Syria của Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo các cường quốc thế giới phải tôn trọng các nguyên tắc chiến tranh, theo đó yêu cầu họ bảo vệ dân thường và tính tương xứng trong các cuộc tấn công IS.

Trước đây, Mỹ chỉ không kích ở Iraq để bảo vệ lợi ích và công dân Mỹ, giúp đỡ người tỵ nạn Iraq và đảm bảo an toàn cho cơ sở hạ tầng của nước này.

Tuy nhiên, với sự lan rộng như hiện nay, IS đã trở thành mối đe dọa toàn cầu, khiến nhiều quốc gia đồng thuận, cam kết cùng chống lại IS. Phần lớn các nước tham gia hội nghị quốc tế chống IS diễn ra ở Paris đều cho rằng, cùng với những biện pháp quân sự, cần phải đề cập các biện pháp ngoại giao để mở ra cánh cửa hợp tác với Syria, nơi nhóm phiến quân IS đang kiểm soát một phần lãnh thổ. Tuy nhiên, quan điểm này đã bị Mỹ và một số nước châu Âu bác bỏ.

Mặc dù có sự quyết tâm chung, nhưng những bất đồng về kế hoạch hành động càng khiến cho cuộc chiến chống IS trở nên khó khăn hơn.

5 “bức tường lửa”

Đáng chú ý, tờ Telegraph của Anh ngày 15.9 dẫn bài viết của ông Bill Park - giảng viên Khoa Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Trường King's College London nhận định, cuộc chiến chống IS có thể sẽ không như Mỹ và phương Tây mong đợi, bởi có 5 lý do để IS lấy làm lá chắn cho tội ác của chúng.

Thứ nhất, IS sẽ lợi dụng sự bất bình của người Sunni ở Iraq và Syria. Phương Tây hiểu nhầm về mức độ IS khai thác nỗi bất bình của người Sunni ở Iraq và Syria, và do đó đã dựa nhiều vào “các đồng minh” người Sunni địa phương trong cuộc chiến này. Nhiều thành viên của al-Qaeda và quân đội Syria Tự do (FSA) đã gia nhập IS.

Thứ hai, các nguồn lực của IS rất lớn. Thật khó ngăn chặn nguồn cung tài chính từ các nhà cung cấp giấu mặt cho IS. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã không chịu đóng cửa biên giới với Syria. Nhờ đó, IS có thể tuyển mộ thêm thành viên, buôn lậu vũ khí, nhận viện trợ, điều trị cho những kẻ bị thương và hiện nay còn buôn lậu dầu mỏ từ những giếng dầu mà chúng chiếm được ở Syria và Iraq.

Thứ ba, chương trình nghị sự và những ưu tiên mâu thuẫn nhau của phương Tây chưa được giải quyết. Phương Tây sẽ không hợp tác với chính quyền Syria, như vậy sẽ không thể giải quyết được “chất xúc tác” giúp IS nổi lên. Mỹ cũng không bắt tay với Iran trong nỗ lực chống lại IS.Ngoài ra, các nước phương Tây cũng mâu thuẫn nhau trong việc có hay không việc trả tiền chuộc cho IS để đổi lấy mạng sống của các con tin.

Thứ tư, phản ứng quân sự của liên minh quốc tế chống lại IS vẫn còn nhiều lúng túng. Các nước phương Tây không được chuẩn bị để hoạt động trên mặt đất. Trong khi IS rất linh hoạt. Chúng có thể chuyển vùng hoạt động từ Iraq sang Syria, Jordan, hay các thành phố phương Tây một cách dễ dàng.

Cuối cùng, IS không phải là một tổ chức khủng bố đơn thuần. IS nên được hiểu là sự mở rộng của tư tưởng Hồi giáo cực đoan, vốn có thể tìm thấy ở al-Qaeda, vùng Vịnh, Taliban, tình báo Pakistan, trên các đường phố ở châu Âu, thậm chí ngay cả trong tổ chức Anh em Hồi giáo, hoặc bất kỳ đâu. IS có thể bị xóa bỏ song tư tưởng cực đoan của nó sẽ còn tồn tại.

  Do bất đồng giữa các nước tham gia vẫn chưa được thu hẹp, nên Hội nghị quốc tế bàn về cách chống IS diễn ra ở Paris ngày 15.9 đã kết thúc mà không đề cập đến bất cứ vai trò cụ thể nào của các nước trong cuộc chiến đối phó với IS. Mỹ cho rằng, dù trả tiền chuộc có thể cứu được một mạng sống, nhưng hành động này chỉ tiếp tay cho việc bắt cóc với hậu quả khủng khiếp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem