Ngày 11.6, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định điều thêm 450 cố vấn quân sự Mỹ tới Iraq, các quan chức quân đội nước này cho hay mục tiêu của số cố vấn này là tăng cường áp dụng chiến lược “lá súng” để đẩy lùi phiến quân IS tại đất nước này.
Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho biết: “Chiến dịch của chúng tôi được thực hiện dựa trên những ‘lá súng’ giúp chúng tôi động viên, khuyến khích được các lực lượng an ninh Iraq tiến lên”.
Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ
Với chiến lược này, quân đội Mỹ sẽ coi khu vực tỉnh Anbar của Iraq hiện nay là một chiếc hồ lớn, còn các vị trí được cố vấn Mỹ và các lực lượng an ninh Iraq kiểm soát chặt chẽ là những “lá súng”. Bên trong những “lá súng” an toàn này, các cố vấn Mỹ và binh sĩ Iraq có thể di chuyển an toàn mà không lo sợ bị IS tấn công.
Các quan chức quân đội Mỹ hy vọng những “lá súng” này sẽ ngày càng thu hút thêm các chiến binh chống IS đến từ các bộ tộc người Sunni, và chúng sẽ mở rộng trên khắp Iraq, dần dần đẩy lùi IS ra khỏi lãnh thổ.
Tuy nhiên đây không phải là một chiến lược mới mẻ của quân đội Mỹ. Trên chiến trường Afghanistan và cả Iraq hồi trước năm 2011, Mỹ đã từng áp dụng chiến lược tương tự nhưng với tên gọi khác là “đốm dầu” hoặc “đốm mực”.
Cựu trung tá Lục quân Mỹ Andrew Krepinevich đã lần đầu tiên đề cập đến khái niệm “đốm dầu” trong một bài báo trên tờ Foreign Affairs năm 2005, trong thời kỳ đen tối nhất của liên quân do Mỹ đứng đầu tại Iraq.
Mỹ hy vọng các "lá súng" sẽ ngày càng mở rộng, đẩy lùi IS khỏi Iraq. Ảnh minh họa
Trong bài báo này, ông Krepinevich viết: “Vì quân đội Mỹ và Iraq không thể đảm bảo an toàn cho toàn bộ lãnh thổ Iraq cùng một lúc, họ nên tập trung vào những khu vực trọng điểm, sau đó mở rộng dần ra, giống như đốm dầu đang loang dần”.
Với chiến lược này, quân đội Mỹ hiện nay sẽ thiết lập các căn cứ “lá súng” được bảo vệ chặt chẽ trong những khu vực được cho là thù địch, và những căn cứ này được kết nối bằng đường bộ và đường không với các khu vực an toàn hơn ở phía sau. Cùng với thời gian, các chiến dịch quân sự sẽ thiết lập thêm nhiều “lá súng” ở các khu vực khác, cho đến khi IS bị đẩy bật hoàn toàn khỏi Iraq.
Với việc điều thêm 450 quân bổ sung cho khoảng 3.100 cố vấn quân sự hiện nay ở Iraq, Mỹ đã tăng số lượng căn cứ của mình ở Iraq lên con số 5. Tướng Dempsey nói: “Chúng tôi luôn tìm kiếm xem có cần phải tăng thêm căn cứ hay không. Hiện tôi đã hình dung ra được một hành lang chạy từ Baghdad tới Tikrir, qua Kirkuk và hướng thẳng tới Mosul”.
Các lực lượng an ninh Iraq chiến đấu chống IS ở tỉnh Anbar
Theo ông Dempsey, việc đưa 450 lính Mỹ tới căn cứ quân sự Taqaddum ở tỉnh Anbar là rất quan trọng, bởi nó giúp cố vấn Mỹ tiếp xúc được thêm một sư đoàn Iraq và đưa tầm ảnh hưởng của mình tới tỉnh Anbar, nơi có nhiều bộ tộc người Sunni.
Tuy nhiên, trên thực tế, chiến lược “lá súng” của Mỹ không phải lúc nào cũng thành công. Trên chiến trường Afghanistan, những chiếc “lá súng” này đang ngày càng co lại trong những năm gần đây, trước sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của phiến quân Taliban.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết: “Giờ đây, người Mỹ chỉ có thể đi lại an toàn ở thủ đô Kabul, thậm chí là chỉ quanh quẩn ở Vùng Xanh trong thành phố này. Ngay cả việc di chuyển quãng đường chưa đầy 2 km từ đại sứ quán Mỹ tới sân bay cũng phải sử dụng đến trực thăng”.
Trí Dũng (Theo Time)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.