Chiến sự Nga-Ukraine: Ác mộng không hồi kết của Kherson vì lũ lụt, xung đột, pháo kích triền miên

Phương Đăng (theo Eureporter) Thứ ba, ngày 13/06/2023 20:11 PM (GMT+7)
Đối với cô giáo Iryna Radetska, cư dân Kherson, trận lũ lụt thảm khốc vừa xảy ra ở thành phố của cô sau khi con đập khổng lồ Kakhovka bị phá hủy là cơn ác mộng mới nhất trong hơn một năm đau khổ vì xung đột, pháo kích triền miên.
Bình luận 0
Chiến sự Nga-Ukraine: Ác mộng không hồi kết của Kherson vì lũ lụt, xung đột, pháo kích triền miên - Ảnh 1.

Lũ lụt nhấn chìm một khu vực rộng lớn ở Kherson sau vụ vỡ đập Kakhovka. Ảnh Eureporter

Rất ít khu vực ở Ukraine bị rơi vào cảnh đau khổ như Kherson kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái. Rất ít người trải qua nhiều khó khăn hơn cô giáo Radetska - người cho biết cô đã sống sót sau các trận giao tranh, pháo kích triền miên và giờ đây là lũ lụt.

Thành phố có dân số 280.000 người trong thời bình này vốn đã là mục tiêu chính của quân đội Nga và bị Moscow kiểm soát vào ngày 2/3/2022. Thành phố được quân đội Ukraine giải phóng vào đầu tháng 11 năm ngoái, nhưng vẫn thường xuyên bị lực lượng Nga pháo kích từ phía đông của sông Dnipro.

Trong một chương đau khổ mới nhất, một khu vực rộng lớn của Kherson và các làng lân cận đã bị nhấn chìm sau khi đập Kakhovka bị vỡ vào tuần trước. Kiev và Moscow đổ lỗi cho nhau về vụ việc.

Những ngày này, trường của cô Radetska chỉ dạy trực tuyến do nguy cơ bị pháo kích. Các học sinh trong trường bao gồm cả 31 người sống ở bờ đông do Nga nắm giữ và đang bị lũ lụt ảnh hưởng nặng nề, bao gồm cả thị trấn Oeshky.

"Theo những gì chúng tôi biết, Oeshky đã bị ngập lụt... Kết nối di động ở đó rất kém", cô Radetska nói với Reuters.

Leonid Remyha, bác sĩ trưởng của một trong những bệnh viện ở Kherson, nhớ lại dòng người khổng lồ đổ vào bệnh viện sau vụ vỡ đập Kakhovka trong tình trạng ướt sũng và sợ hãi.

"Vào ngày đầu tiên chúng tôi tiếp nhận 136 người... tất cả họ đều trong tình trạng căng thẳng", bác sĩ Remyha, 69 tuổi nhấn mạnh.

Tuy nhiên, giống như nhiều cư dân còn ở lại, bác sĩ Remyha và cô Radetska tin rằng thành phố sẽ phục hồi và phát triển nhưng quá trình này sẽ kéo dài và khó khăn.

Trong số khoảng 1.400 trẻ đăng ký học tại trường của cô Radetska, chỉ còn hơn 100 trẻ vẫn ở vùng Kherson. Phần còn lại đang sống tị nạn ở các khu vực khác của Ukraine hoặc nước ngoài.

Còn bác sĩ Remyha cho biết chỉ hơn một nửa số nhân viên bệnh viện của ông (khoảng 1.200 người trước chiến tranh) hiện vẫn bám trụ ở lại. Ông nói thêm rằng, chỉ có 12 nhân viên của ông chạy trốn đến các khu vực do Nga kiểm soát khi lực lượng Ukraine giành lại thành phố.

"Chúng tôi phải cho cả thế giới và chính chúng tôi thấy rằng Kherson là thành phố của những người yêu tự do, và bất chấp mọi chuyện đã xảy ra, chúng tôi chắc chắn sẽ bám trụ ở đây", bác sĩ Remyha nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem