Chiến sự Ukraine: Quan hệ Nga - Trung Quốc bị ảnh hưởng như thế nào?

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ năm, ngày 23/06/2022 10:35 AM (GMT+7)
Bốn tháng từ sau khi Nga khai hoả chiến sự ở Ukraine, thực chất quan điểm và ứng xử của Trung Quốc về chuyện này vẫn là ẩn số lớn đối với thế giới.
Bình luận 0
Chiến sự Ukraine: Quan hệ Nga - Trung Quốc bị ảnh hưởng như thế nào? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh NYT

Thiên hạ thường gợi lại việc tổng thống Nga Vladimir Putin đi Trung Quốc ngay trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngợi ca mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga phát triển tốt đẹp "không có giới hạn". 

Câu hỏi được đặt ra nhưng cho tới nay chưa ai có được câu trả lời là vào dịp ấy, ông Putin có thông báo hoặc trao đổi với ông Tập Cận Bình về chủ định phát động chiến sự ở Ukraine hay không. Câu trả lời chính xác sẽ cho biết mối quan hệ giữa hai nước láng giềng của nhau này tin cậy lẫn nhau và gắn bó với nhau đến mức độ nào. 

Nếu ông Putin thông báo trước và trao đổi với ông Tập Cận Bình về chủ định kia thì hai nước trong thực chất là đồng minh chiến lược thực thụ của nhau. Còn nếu không thì chắc ông Putin rất tự tin về hai phương diện là chắc chắn sẽ chiến thắng ở Ukraine và Trung Quốc nếu không hậu thuẫn thì cũng không bất lợi cho Nga trong chuyện chiến sự ở Ukraine, càng không tin Trung Quốc sẽ hùa theo phe Mỹ, EU, NATO và đồng minh đối địch Nga vì chuyện chiến sự ở Ukraine.

Cả hai đều bị bất ngờ ở hai điều là Nga đã không thể đánh nhanh thắng nhanh được ở Ukraine và Mỹ, EU, NATO và đồng minh quyết tâm ủng hộ Ukraine bằng mọi giá và đối địch Nga bằng mọi cách để Ukraine không thua Nga và Nga không thể thắng được ở Ukraine. Trung Quốc bị đẩy vào tình thế rất khó xử khi bị phe kia để ý từng động thái và biểu hiện thái độ và khi phe kia biến chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine thành cuộc đối địch vừa trực tiếp vừa gián tiếp (thông qua Ukraine) với Nga nhằm mục tiêu buộc Nga phải thua ở Ukraine và suy giảm hẳn vai vế về chính tri, quân sự và an ninh ở châu Âu và trên thế giới.

Diễn biến chiến sự cho đến nay ở Ukraine và đối địch quyết liệt giữa Mỹ, EU, NATO và đồng minh với Nga không ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc nhưng đang thử thách cặp quan hệ song phương này. Trước đây và cả hiện tại, Nga và Trung Quốc không liên minh quân sự với nhau về quân sự, đơn giản vì cả hai đều không muốn, không cần và không thể.

Hai bên tăng cường hợp tác về quân sự, quốc phòng và an ninh nhưng không thành lập liên minh quân sự song phương. Nga phải hết sức tránh bị nhìn nhận là phải dựa cậy  vào Trung Quốc mới có thể đảm bảo được an ninh cho mình, mới có thể giải quyết được các vấn đề an ninh của riêng mình và mới gây dựng nổi vai trò chính trị an ninh thế giới. Trung Quốc không muốn liên minh quân sự với Nga vì theo đuổi mục tiêu chính trị an ninh thế giới khác Nga và phải tránh vì liên minh quân sự với Nga mà trở thành địch thủ về quân sự của Mỹ, NATO và đồng minh.

Hai bên không cần phải liên minh quân sự với nhau vì Trung Quốc không có kẻ thù tầm cỡ đến mức phải liên minh quân sự với Nga thì mới đối phó nổi và vì Nga không thiếu vũ khí thông thường và hạt nhân để đảm bảo cân bằng và răn đe chiến lược ở châu Âu. Trung Quốc và Nga đều chủ trương dự vào tiềm lực quân sự riêng để theo đuổi những mục tiêu chiến lược của họ.

Hai nước này không thể liên minh với nhau vì một khi đã liên minh quân sự với nhau, Trung Quốc và Nga sẽ bị Mỹ, NATO và đồng minh tập trung, ưu tiên đối phó và gây nghi ngại ở tất cả các nơi khác trên thế giới, như thế thì họ khó có thể tập hợp lực lượng và phân hoá các nước khác trên thế giới với Mỹ, NATO và đồng minh. Liên minh quân sự chỉ lợi bất cập hại đối với cả hai trong khi chỉ cần "phát triển quan hệ hợp tác không có giới hạn" thôi cũng đã đủ cho họ đạt được những hiệu ứng về chính trị và tâm lý như mong muốn trên thế giới.

Cho nên Trung Quốc chắc chắn sẽ không trợ giúp Nga về quân sự trong chuyện chiến sự ở Ukraine và bất kể phía Ukraine chống đỡ như thế nào và Mỹ, EU, Nato cùng đồng minh còn dồn ép Nga đến đâu thì Nga chắc chắn phải ý thức được rằng không thể dựa cậy vào Trung Quốc mà phải tự giải quyết chuyện Ukraine trên phương diện quân sự. Nhưng Trung Quốc và qua đó mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga lại là nhân tố có tác động rất quyết định tới kết cục cuối cùng của câu chuyện Ukraine hiện tại. Sự ủng hộ Nga về chính trị và tinh thần, đặc biệt việc Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính và tiền tệ với Nga sẽ khiến Mỹ, EU, NATO và đồng minh không thể đạt được mục tiêu dùng đối đầu và trừng phạt làm Nga lụi bại về kinh tế và tài chính đến mức chỉ có thể chịu thua chứ không thể giành về được phần thắng ở Ukraine. Cũng chính vì thế mà Nga sẽ không đòi hỏi Trung Quốc làm những gì khiến Trung Quốc bị khó xử.

Trong khi ông Putin giờ đã đâm lao nên phải theo lao ở Ukraine thì Trung Quốc được lợi nhiều nhất khi "toạ sơn quan hổ đấu". Trung Quốc vừa tránh khúc mắc với Mỹ và EU vì Nga chiến sự ở Ucraine nhưng vừa không muốn Nga thua trận ở Ukraine. Nga thua ở Ukraine thì Trung Quốc tức khắc trở thành địch thủ mới của Mỹ và đồng minh cả về quân sự nữa. Nga thắng ở Ukraine thì Trung Quốc sẽ có cơ sở mới để tự tin hơn và quyết liệt hơn trong chính sách đối ngoại nói chung và đối với Đài Loan và khu vực Biển Đông nói riêng.

Hiện tại thì như thế. Nhưng mọi cái có thể thay đổi bất ngờ nếu xảy ra đột biến mới ở Ukraine hay ở trong mối quan hệ giữa Nga với Mỹ, EU, Nato và đồng minh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem