Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không: Mười hai ngày ấy

Thứ hai, ngày 10/12/2012 12:55 PM (GMT+7)
Dân Việt - 12 ngày ấy, Thăng Long - Hà Nội đã đứng thẳng làm người, “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”. Dáng đứng vươn trời cao ấy 40 năm qua để lại một khát khao, một trỗi dậy mới, xứng tầm với một Hà Nội, một Việt Nam mới.
Bình luận 0

Mười hai ngày ấy..., Cụm từ này đã thành quen thuộc trong tâm thức tình cảm của tất cả người dân Hà Nội và người dân cả nước, những người đã trải qua và sống qua những ngày cuối tháng 12 năm 1972 trong chiến dịch B52 của Mỹ đánh thẳng vào thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hòng gỡ gạc canh bạc cuối cùng mưu toan ép nước chủ nhà phải nhượng bộ trên bàn đàm phán kết thúc chiến tranh.

img
 

Mười hai ngày ấy, hàng tấn bom đã từ trên những “pháo đài đài bay” ném xuống các khu phố, bệnh viện, trường học, giết chết hàng người người dân lành vô tội. Nhưng Hà Nội không khuất phục. Việt Nam không khuất phục. Hàng chục chiếc máy bay B52 đã bị hạ gục, hàng chục phi công đã bị bắt sống. Cuối cùng kẻ thua là kẻ có vũ khí hùng mạnh nhưng bạo tàn và đường cùng.

Mười hai ngày ấy là trận “Điện Biên Phủ trên không” mở ra bước ngoặt “đánh cho Mỹ cút”, kết thúc một cuộc chiến tranh vào loại kéo dài nhất và đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại.

Bốn mươi năm đã trôi qua kể từ ngày ấy. Dấu tích mười hai ngày ấy năm xưa giờ chỉ còn ở xác B52 rơi giữa lòng hồ Hữu Tiệp làng hoa Ngọc Hà, ở bảo tàng chiến thắng B52, ở đài tưởng niệm những nạn nhân bị chết trong đêm 26.12.1972 ở Khâm Thiên.

Người Hà Nội và người Việt Nam đã vượt lên chết chóc đau thương, đã giành chiến thắng và giành lấy cuộc sống hòa bình, đã khép lại quá khứ hận thù với kẻ thù của mình. Nhưng chiến thắng vinh quang vẫn là niềm tự hào của dân tộc và mỗi con người. Sức sống Việt Nam làm nên sức mạnh Việt Nam trong chiến trận.

Sau chiến tranh, khi quan hệ hai nước Việt - Mỹ được bình thường hóa, nhiều cựu binh Mỹ đã trở lại Việt Nam, họ ân hận day dứt, họ cảm phục quý mến nhân dân Việt Nam. Họ được tận mắt chứng kiến những cánh bay B52 ngày nào giờ còn phơi trên đất đai Việt Nam. Vết thương chiến tranh dù đã hàn gắn vẫn còn âm ỉ. Nhưng mỗi dịp kỷ niệm không phải là khơi lại vết thương, mà quan trọng là từ chiến công ngày hôm qua nhìn lại để đi tiếp hôm nay và ngày mai.

Mười hai ngày ấy kết thúc, Mỹ buộc phải ngồi lại vào bàn đàm phán ở Paris, và Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết đầu năm 1973, chấm dứt hơn một thế kỷ kẻ thù nước ngoài giày xéo mảnh đất hình chữ S. Ngày 27.1.1973 tên lính viễn chinh nước ngoài cuối cùng rời Việt Nam. Nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ xuân Quý Sửu 1973 đã hân hoan:

Đây cuộc hồi sinh, buổi hóa thân

Mùa đông thế kỷ chuyển sang xuân

Việt Nam ơi từ trong biển máu

Người vươn lên như một thiên thần

Nhưng nhà thơ cũng đã lo tới ngày mai “Việt Nam ơi máu và hoa ấy / Có đủ mai sau thắm những ngày”. Đất nước ra khỏi cuộc chiến với bao thương tích trên mình đã có những bước tiến dài trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới, nhưng nhiều thách thức vẫn đang hiện ra trước chặng đường mới.

Mười hai ngày ấy, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam đã cải biến thành công những vũ khí chưa phải tối tân vẫn đủ sức hạ gục các “pháo đài bay”, đã lái những chiếc máy bay thua xa máy bay của kẻ thù về tính năng nhưng bên trong đó là những con người quả cảm mang trái tim dòng máu Việt Nam, mang tinh thần yêu nước nồng nàn dám lao thẳng vào máy bay thù để hạ gục cho đất nước không còn phải chịu cảnh bom rơi đạn nổ. Tinh thần quật cường của mười hai ngày ấy đang rất cần được phát huy hiện nay để đẩy lùi nạn tham nhũng nội xâm và nguy cơ rình rập của kẻ thù ngoại xâm vẫn hiện diện.

Mười hai ngày ấy..., sống lại hôm nay không chỉ trong những hồi ức, những bức tranh bản nhạc, những hiện vật di tích.

Mười hai ngày ấy..., những người đã sống và đang sống, nhất là thế hệ trẻ, phải tự hỏi mình làm sao cho đất nước cất cánh mạnh hơn nữa, nhanh hơn nữa, vững hơn nữa từ đường băng chiến thắng bốn mươi năm trước.

Mười hai ngày ấy..., Thăng Long-Hà Nội đã đứng thẳng làm người, “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”. Dáng đứng vươn trời cao ấy bốn mươi năm qua để lại hôm nay một khát khao, một trỗi dậy mới, xứng tầm với một Hà Nội, một Việt Nam mới.

Mười hai ngày ấy...

10.12.2012

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem