Với việc ngày 23.6 UNESCO đã chính thức ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An vào danh mục Di sản Thế giới, ông Nguyễn Viết Cường - Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL cho biết: “Quần thể danh thắng Tràng An đạt được 3 tiêu chí về văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ và địa chất địa mạo. Ngoài ra, hồ sơ di sản này cũng đảm bảo được 3 trụ cột quy định tại hướng dẫn thực hiện Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Thứ nhất là đạt được các tiêu chí đã kể trên, thứ hai là đảm bảo tính toàn vẹn và tính xác thực và thứ ba là đã thực thi và bảo đảm thực thi đầy đủ việc bảo vệ, quản lý di sản”.
Bà Nguyễn Thị Bích Liên- Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 38 Ủy ban Di sản Thế giới xúc động tại Qatar cho biết: “Việc ghi danh của Ủy ban Di sản Thế giới đối với Quần thể danh thắng Tràng An là vinh dự to lớn, đồng thời cũng trao cho đất nước chúng ta trọng trách bảo vệ, quảng bá những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản và chuyển giao nguyên vẹn cho các thế hệ tương lai”.
Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm ba khu vực liền kề nhau là: Di tích Cố đô Hoa Lư, Khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư. Có thể nhận thấy, tầm quan trọng của Quần thể danh thắng Tràng An thông qua việc Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Ninh Bình đã xếp hạng hàng loạt các di tích thuộc khu di sản ở tất cả các cấp độ khác nhau, bao gồm 18 di tích cấp tỉnh, 21 di tích cấp quốc gia và 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Để có được chiến thắng kép trên cả tiêu chí di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới, nhiều năm qua, Bộ VHTTDL, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, UBND tỉnh Ninh Bình và các cơ quan liên quan, cùng các nhà khoa học trong nước, quốc tế đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nhận diện giá trị di sản, trên cơ sở đó hoàn thiện bộ hồ sơ đề cử Quần thể danh thắng Tràng An có chất lượng khoa học cao. Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực to lớn nhằm bảo vệ di sản trước những tác động của thiên nhiên và con người, giữ nguyên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Trong quy hoạch du lịch Việt Nam, Tràng An cũng là nơi được đầu tư để trở thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế.
Cố đô Hoa Lư hiện nay có rất nhiều đình, đền, chùa, phủ như đền Vua Đinh Tiên Hoàng, đền Vua Lê Đại Hành, đền thờ Công chúa Phất Kim, chùa Nhất Trụ, phủ Vườn Thiên, chùa Kim Ngân, chùa Duyên Ninh, phủ Chợ, động Am Tiên, đình Yên Trạch, chùa Bà Ngô, động Liên Hoa, đền Trần, phủ Khống, phủ Đột, chùa Bái Đính, động Thiên Tôn, động Hoa Lư, đền thờ Đinh Bộ Lĩnh...
Trên 30 di tích khảo cổ học thời tiền sử đã được phát hiện trong Quần thể danh thắng Tràng An. Kết quả nghiên cứu cho thấy cách người tiền sử thích nghi với biến cố lớn về môi trường, cảnh quan. Ít nhất là từ khoảng 23.000 năm đến nay, một số nền văn hóa tiền sử đã tiến hóa liên tục ở khu vực này, từ thời đồ đá cũ qua thời đại đá mới đến thời đại đồ sắt và đồ Đồng.
TS Masanari Nishimura (Nhật Bản) qua nghiên cứu khảo cổ học tiền sử Quần thể danh thắng Tràng An đã khẳng định: Cách đây 5.000-6.000 năm trước, có một trận động đất lớn ở Tràng An và người Việt cổ ở Tràng An đã trải qua nhiều sự biến đổi của thiên nhiên để thích ứng và phát triển cho đến ngày nay, tạo nên giá trị của nền văn hóa Tràng An.
Đến thế kỷ X, Kinh đô Hoa Lư được xây dựng, đắp thành, khép kín thung lũng đá vôi để phục hưng văn hóa lập nên 3 triều đại đầu tiên của nền phong kiến độc lập của Việt Nam, làm tiền đề hun đúc nên nền văn minh Đại Việt nở rộ ở Thăng Long - Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.