Chiến thuật kinh điển của QĐND Việt Nam (Kỳ 1): Xuất quỷ nhập thần

Thứ tư, ngày 12/06/2019 10:33 AM (GMT+7)
Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phát triển và hoàn thiện chiến thuật phục kích đến tầm mức nghệ thuật khiến đối phương luôn bị ám ảnh.
Bình luận 0

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn ở thế yếu hơn về lực lượng, lạc hậu thô sơ hơn về phương tiện nhưng đội quân này lại rất giỏi sáng tạo ra các chiến thuật khiến địch thủ không biết đâu mà lường.

Kỳ 1: Trận đánh phục kích xuất sắc La Ngà

Phục kích là một chiến thuật rất phổ biến trong chiến tranh. Tuy nhiên khi được Quân đội Nhân dân Việt Nam áp dụng, chiến thuật này đã được phát triển, hoàn thiện đến tầm mức nghệ thuật khiến đối phương luôn luôn bị ám ảnh.

Ta muốn đánh, địch không thể thoát

Tháng 2/1948, qua tin tình báo, ta nắm được vào đầu tháng 3 nhiều sĩ quan Pháp sẽ lên Đà Lạt để họp bàn kế hoạch tổ chức càn quét ở Nam Bộ. Bộ tư lệnh Nam Bộ quyết định sẽ chặn đánh đoàn xe chở sĩ quan địch từ Sài Gòn lên Đà Lạt họp. Nhiệm vụ được giao cho chi đội 10 (đơn vị chi đội trong kháng chiến chống Pháp tương đương cấp trung đoàn) của ông Huỳnh Văn Nghệ.

Nắm chắc được lộ trình của đoàn xe địch sẽ chạy từ Sài Gòn lên Đà Lạt theo đường 20, phía ta đã chọn vị trí phục kích là đoạn từ cầu La Ngà đến Định Quán với chiều dài 7km. Trong khu vực này, đường chạy quanh co men theo các cánh rừng, địa hình xung quanh trung bình cao hơn mặt đường từ 1-2m, có chỗ cao hơn tới 6m. Đây là một địa hình rất thuận lợi để dùng chiến thuật ém quân phục kích.

 Muốn trận đánh thắng lợi, ta cần phải hạn chế được hoạt động của máy bay địch. Trong điều kiện chưa được trang bị súng phòng không, chi đội 10 đã khéo lợi dụng yếu tố thời tiết. Ở vùng này, về chiều thường hay có sương mù nếu trận đánh diễn ra từ 15h trở đi thì màn sương mù sẽ là tấm giáp che chở cho quân ta trước các đợt ném bom của máy bay địch.

img

Chỉ huy Chi đội 10 Vệ Quốc Đoàn Nam Bộ Huỳnh Văn Nghệ.

Bên cạnh đó, khi quân ta nổ súng ở phía Tây đường 20 thì ở phía Đông, một số chiến sĩ sẽ đốt nhiều đám lửa dưới tán cây rừng để máy bay địch tưởng đó là nơi đang giao tranh sẽ ném bom vào đó.

Đoạn đường từ Sài Gòn lên đến trận địa phục kích trên dưới 100km. Phải tìm cách kéo dài thời gian đi đường của địch để khi chúng lọt vào trận địa thì trời đã có sương mù. Một đại đội được giao nhiệm vụ cùng với du kích địa phương quấy rối làm chậm bước tiến của đoàn xe. Tuy nhiên không được đánh mạnh quá khiến địch lo ngại mà dừng cuộc hành quân đã định sẵn.

Một vấn đề quan trọng nữa là làm thế nào chôn được địa lôi (mìn) một cách bí mật. Vì trận địa nằm giữa hai đồn La Ngà và Định Quán của địch, đoạn đường này quân địch thường xuyên tuần tiễu. Nếu làm không khéo, địch phát hiện ra sẽ tăng cường đề phòng hoặc thay đổi kế hoạch hành quân thì mọi sự chuẩn bị của quân ta sẽ thành công cốc.

Tính toán nhiều lần, cuối cùng các chiến sĩ chi đội 10 cũng tìm ra một phương án. Lợi dụng đặc điểm của đoạn đường này hay có những đàn voi rừng đi qua, quân ta đặt địa lôi trên đường rồi ngụy trang bằng những bãi phân voi.

Các vấn đề vướng mắc đã được giải quyết xong, kế hoạch đánh phục kích đoàn xe chở sĩ quan Pháp từ Sài Gòn lên Đà Lạt họp được thông qua. Trận địa phục kích kéo dài 7km từ cầu La Ngà đến Định Quán được chia làm 3 khu vực A, B, C.

Tiểu đoàn Xuân Lộc bố trí ở khu vực A (từ km111 đến km113) chặn đầu diệt xe thiết giáp và lực lượng hộ tống. Liên quân 17 (gồm các đơn vị đang huấn luyện ở chi đội 10) bố trí ở khu vực B (từ km108 đến km111) diệt đoàn xe vận tải. Tiểu đoàn Tân Uyên ở khu vực C (từ km105 đến km108) có nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng đi phía sau đồng thời sẵn sàng chặn đánh địch từ phía sau lên ứng cứu. Ngày 1/3, mọi việc chuẩn bị trên thực địa đã sẵn sàng chờ giặc.

Tướng địch phải thán phục

Ngày 1/3, hàng chục chiếc xe chở đoàn sĩ quan Pháp nối nhau tiến lên Đà Lạt. Đoạn đường từ Sài Gòn ra Biên Hòa êm ả đã ru ngủ các sĩ quan Pháp. Nhưng đoàn xe vừa đi đến Hố Nai thì bắt đầu gặp sự cố, chiếc xe thiết giáp đi đầu phát hiện một cây to bị đổ chắn ngang đường. Viên sĩ quan Pháp cùng với một số lính xuống dọn cây ra để đi thì bất ngờ một quả mìn đã cài sẵn trong đó phát nổ gây thương vong cho một số lính Pháp.

Từ Hố Nai lên đến ngã ba Dầu Giây, đoàn xe liên tiếp phải dừng lại khi thì vướng cành cây chắn đường, khi thì trên mặt đường phát hiện có một hố mới đào. Mỗi khi như thế, cả đoàn xe phải dừng lại, đám lính hộ tống phải mang máy móc đến dò xem có mìn không, khi không thấy gì khả nghi mới lại đi tiếp.

Không chỉ có vậy, mỗi khi dừng lại quân Pháp lại nghe tiếng súng bắn tỉa của du kích khiến chúng rất căng thẳng thần kinh nên lại càng thận trọng hơn. Với những phương án quấy rối như vậy ta đã làm chậm bước tiến của quân địch. Khi đến cầu La Ngà thì sương mù đã bắt đầu xuất hiện. Lúc này, bộ đội ta mới bắt đầu “cất lưới” bắt quân thù.

Lúc 15h, chiếc xe đầu tiên trong đoàn xe địch bắt đầu tiến vào trận địa C. Vừa đi chúng vừa bắn vu vơ sang bên đường để tự trấn an. Các chiến sĩ ta vẫn nằm im trên trận địa phục kích, kiên nhẫn chờ đợi. Theo kế hoạch, bộ đội ta phải đợi cho địa lôi ở trận địa A nổ thì trận địa C mới nổ súng khóa đuôi và trận địa B mới xung phong đánh địch.

img

Xác xe quân Pháp bị phá hỏng trong trận La Ngà.

Đến 15h10, địa lôi ở trận địa A nổ diệt chiếc xe thiết giáp đi đầu làm đội hình đoàn xe bị ùn lại. Địch hoảng loạn nhảy ra khỏi xe lập tức bị chiến sĩ ở trận địa A xung phong tấn công mãnh liệt. Nghe thấy tiếng nổ ở trận địa A, trận địa B lập tức xung phong và trận địa C cũng nổ mìn diệt các xe chở quân hộ tống đi sau để khóa đuôi.

Ở trận địa C, một số xe của địch ở phía sau thấy xe đi trước bị đánh liền dừng lại tổ chức đội hình lên ứng cứu. Một mặt, tiểu đoàn Tân Uyên dùng hỏa lực ngăn chặn, mặt khác tổ chức nhiều mũi tấn công vào bên sườn toán quân này, bẻ gãy những đợt tấn công của chúng để đảm bảo cho các đơn vị đang tiêu diệt đoàn xe ở phía trong.

Sau gần 1 giờ đồng hồ, trận đánh kết thúc, quân ta đã phá hủy 59 xe quân sự của địch, diệt 150 binh lính hộ tống, bắt 270 tù binh. Trong số 150 tên bị chết có nhiều sĩ quan chỉ huy như Đại tá De sérigné – Tư lệnh bán Lữ đoàn Lê Dương 13, Đại tá Paruit - Phó tham mưu trưởng thứ nhất Quân đội Pháp ở Nam Đông Dương; thiếu tá chỉ huy phân khu quân sự Hóc Môn; Đại úy Jean Couvreur - trưởng phòng xe máy…

Trong số 270 tù hàng binh và hành khách đi cùng đoàn xe, có nhiều người và binh lính bị thương và người già, sức yếu, trẻ em sau khi được săn sóc, giải thích rõ chủ trương chính sách của Mặt trận Việt Minh ta phóng thích tại chỗ. Số còn lại được đưa về căn cứ tập kết ở Suối Cát, gồm nhiều thành phần: trí thức, nữ tu, người buôn bán, hầu hết đều ở Sài Gòn. Tất cả được chia xẻ khẩu phần ăn đạm bạc của bộ đội. Trời mờ sáng, tất cả hành khách được hướng dẫn ra quốc lộ 20 để về Sài Gòn.

Trận phục kích La Ngà làm cả nước Pháp bàng hoàng, giới quân sự Pháp bị một cái tát vỗ mặt vì trước đó huênh hoang tuyên bố đã cơ bản tiêu diệt Việt Minh. Đối với quần chúng, nhiều người trực tiếp chứng kiến bộ đội Việt Minh chiến đấu và cách đối xử khoan hồng nhân đạo với tù hàng binh, khi trở về đã thay đổi cách nhìn nhận về Việt Minh và cuộc kháng chiến nói chung.

Về mặt quân sự, năm 1971, tướng Xa Lăng xuất bản cuốn hồi ký của mình, khi nhắc tới trận La Ngà đã phải cất lời khen: “Đây là một trận đánh tuyệt diệu cả về tổ chức, chỉ huy và nắm thời cơ nổ súng, là trận đánh bất hạnh đối với quân viễn chinh Pháp”.

Vũ Đức (Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem