Từ thời nhà Minh, do vùng biên giới với Miến Điện (Myanmar) không rõ ràng, nên hai bên thường xảy ra tranh chấp suốt đến tận thời nhà Thanh. Dưới thời nhà Thanh, hoàng đế Càn Long đã 4 lần tấn công Miến Điện liên tục từ năm 1765 đến 1769 và việc chinh phục Miến Điện nằm trong 10 chiến dịch lớn dưới thời ông. Tuy nhiên quốc gia này đã tự vệ thành công trước nhà Thanh, và những cuộc chiến này đã định hình biên giới giữa Trung Quốc và Miến Điện ngày nay.
Cuộc tấn công lần thứ nhất
Năm 1765, mượn cớ một người Trung Quốc bị giết chết trong bữa tiệc rượu ở Kengtung của Miến Điện (giáp biên giới Trung Quốc), nhà Thanh quyết định tấn công Kengtung.
Lợi dụng lúc 5 vạn quân chủ lực Miến Điện tấn công Xiêm La (Thái Lan ngày nay), nhà Thanh cho 5.000 quân gồm 3.500 quân Lục doanh người Hán và 1.500 thổ binh người Shan tiến đánh Kengtung của Miến Điện. Nhưng quân Miến Điện ở Kengtung với khoảng 2.000 quân dưới sự chỉ huy của tướng Ne Myo Sithu đã đánh bại quân Thanh.
Quân Miến Điện đuổi theo quân Thanh tới tận quận Phổ Nhĩ (thuộc tỉnh Vân Nam ngày nay) và đánh thêm 1 trận nữa. Tướng Ne Myo Sithu cho quân đóng tại đây đến tháng 4/1766 mới trở về nước.
Cuộc tấn công lần thứ hai
Năm 1766, hoàng đế Càn Long cho Dương Ứng Kỳ chỉ huy quân tấn công Miến Điện một lần nữa. Dương Ứng Kỳ lên kế hoạch cho quân đánh thẳng vào vùng Thượng Miến, đi qua Bhamo, xuôi dòng sông Irrawaddy để vào Kinh đô Ava.
Quân Thanh huy động 27,5 ngàn quân gồm 14 ngàn quân lục doanh người Hán, còn lại là thổ binh người Shan (còn gọi là người Đàn, là một sắc tộc thuộc nhóm sắc tộc Thái). Quân Miến Điện có 4.700 quân cùng thổ binh người Shan.
Do có quân số ít hơn, quân Miến Điện quyết định cho quân Thanh tiến vào sâu rồi tiêu diệt. Khi quân Thanh tiến đến Bhamo, quân Miến Điện rút đi mà không quyết chiến.
Không tổ chức phòng thủ Bhamo, quân Miến Điện tập trung ở đồn Kaungton bên sông Irrawaddy gần đó, bởi nơi đây dễ phòng thủ hơn, đội pháo binh của Pháp (bắt được sau một trận chiến 10 năm trước) cũng được bố trí tại nơi đây sẵn sàng đợi quân Thanh.
Tháng 12/1766 quân Thanh dễ dàng chiếm được Bhamo, rồi tiến đến dòng sông Irrawaddy để vào Kinh đô Ava, tuy nhiên quân Thanh bị chặn lại tại đồn Kaungton. Quân Thanh bao vây và nhiều lần tiến vào Kaungton, nhưng lần nào cũng thất bại. Các cánh quân của Miến Điện ở nơi khác cũng tiến đến chặn con đường rút lui về Vân Nam của quân Thanh.
Trong khi đó quân Thanh không quen với khí hậu Thượng Miến nên đổ bệnh, các báo cáo của quân Thanh cho thấy cứ 10 người thì 8 người chết vì bệnh dịch, những người còn lại cũng bị ốm.
Nhận thấy quân Thanh đã cạn sức, quân Miến Điện mới tấn công, chiếm lại Bhamo, khiến quân Thanh bị mắc kẹt ở vùng giữa Kaungton và Bhamo. Việc tiếp tế cho quân Thanh cũng hoàn toàn bị cắt đứt.
Quân Miến Điện cho 2 cánh tiến đánh quân Thanh, một cánh từ thành Kaungton, một cánh từ phía bắc. Quân Thanh không sao chống được phải rút chạy về hướng đông rồi rẽ lên phía bắc, quân Miến Điện truy kích sát theo sau.
Quân Thanh đang rút chạy thì gặp phải cánh quân Miến Điện đợi sẵn, bị bao vây không còn đường chạy và bị tiêu diệt hoàn toàn. Quân Miến Điện thu nhiều chiến lợi phẩm gồm pháo, súng hỏa mai.
Thừa thắng quân Miến Điện tấn công khu vực biên giới, chiếm 8 tiểu vương quốc của người Shan thuộc Vân Nam.
Cuộc tấn công lần thứ ba
Sau hai lần thất bại, triều đình nhà Thanh đã phải xem xét lại sức mạnh của đất nước này. Trước đó khi tấn công Miến Điện, nhà Thanh chỉ sử dụng quân Lục doanh người Hán, mà không sử dụng đội quân tinh nhuệ người Mãn Châu.
1. Quân Thanh chuẩn bị
Để chuẩn bị cho cuôc tấn công lần thứ 3, hoàng đế Càn Long quyết định sử dụng đội quân Bát Kỳ người Mãn Châu nổi tiếng từ thời Nỗ Nhĩ Cáp Xích và Hoàng Thái Cực.
Năm 1767, hoàng đế Càn Long sử dụng viên tướng người Mãn Châu lão luyện cũng là con rể của mình là Minh Thụy. Minh Thụy làm Tổng đốc Vân Nam và Quý Châu đồng thời chỉ huy đội quân tấn công Miến Điện.
Quân Thanh sử dụng đội quân gồm Mãn Châu, Mông Cổ, quân lục doanh người Hán và thổ binh người Shan. Tổng cộng là 5 vạn bao gồm 3 vạn quân Bát Kỳ Mãn Châu và Mông Cổ; 12 ngàn quân lục doanh; 8 ngàn thổ binh người Shan. Tuy nhiên quân Thanh tham gia lần này không có kỵ binh Mãn Châu tinh nhuệ, do địa hình sơn cước và rừng rậm không phù hợp cho kỵ binh.
Để đề phòng dịch bệnh lây lan, quân Thanh quyết định tiến binh vào mùa đông, thời điểm dịch bệnh ít lây lan nhất.
2. Quân Miến Điện phân tán
Vào năm 1767, quân chủ lực Miến Điện đã bao vây và chiếm được kinh đô nước Xiêm La. Vua Hsinbyushin không lường hết nguy cơ từ cuộc tấn công của quân Thanh nên chỉ cho 1 bộ phận quân chủ lực từ Xiêm La về, còn đa số vẫn ở lại nhằm ổn định tình hình Xiêm La. Thậm chí thành trì cũng không được sửa chữa gia cố thêm.
Để đối phó 5 vạn quân Thanh, quân Miến Điện không quá 20 ngàn, trong đó quân chủ lực chỉ có 7 ngàn.
3. Quân Thanh tấn công
Phía quân Thanh, Minh Thụy ra kế hoạch tấn công theo 2 cánh nhằm hình thành thế gọng kìm. Đạo quân chủ lực do chính Minh Thụy chỉ huy sẽ tiến vào Kinh đô Ava theo đường Hsenwi, Lashio và Hsipaw, dọc theo sông Namtu. Đạo quân thứ hai do tướng Ngạch Nhĩ Cảnh Ngạch chỉ huy tiến theo hướng Bhamo.
Hai cánh quân Thanh đều tiến hết sức thuận lợi theo đúng kế hoạch, nhưng cánh quân thứ 2 khi đến Kaungton thì gặp khó khăn. Kaungton trở thành bức thành lũy kiên cố chặn đứng cánh quân Thanh.
Đến cuối tháng 12 cánh quân thứ nhất đã tiến sâu đến gần Kinh đô Ava, hai bên có trận quyết chiến lớn nhật tại đèo Goteik. Quân Thanh quyết vượt qua đây để đến Kinh đô Ava.
Quân chủ lực của Miến Điện chạm trán với quân Bát kỳ nổi tiếng của người Mãn Châu. Kết quả với lực lượng đông gấp đôi, quân Thanh giành chiến thắng, đội quân chủ lực của Miến Điện bị đánh cho tan tác.
Cùng lúc đó quân Miến Điện tại Hsenwi cũng bị đánh bại. Tin thất bại liên tiếp cấp báo về Kinh thành.
Nhận thấy tình hình nghiêm trọng, vua Hsinbyushin lúc này mới vội rút hết quân chủ lực ở Xiêm La trở về.
Sau chiến thắng, Minh Thụy cho quân chiếm hết vùng đất trải rộng trên dòng sông Irrawaddy. 3 vạn quân Thanh lên đường tiến thẳng về Kinh thành Ava.
Kinh thành Ava chìm trong bầu không khó lo lắng. Nhưng mặc cho Triều đình khuyên mình bỏ trốn, vua Hsinbyushin không hề run sợ vẫn một lòng ở lại Kinh thành quyết chiến với quân Thanh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.