Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Tỷ giá USD/VND lên 3%, xuất khẩu sẽ có lợi?

Lê Thuý Thứ hai, ngày 09/07/2018 07:23 AM (GMT+7)
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến đồng USD mạnh lên và điều này đã tác động đến giá trị của nhiều đồng tiền của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nếu cuộc chiến tiếp tục căng thẳng, nhà điều hành có phá giá tiền đồng để hỗ trợ xuất khẩu và mức phá giá bao nhiêu?
Bình luận 0

Chiến thương mại Mỹ - Trung do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động đã chính thức có hiệu lực từ ngày 6.7 khi Mỹ đánh thuế với 800 mặt hàng đầu tiên của Trung Quốc. Không chỉ vậy, 16 tỷ USD hàng hoá khác có thể sẽ bị đánh thuế vào 2 tuần tiếp theo. Thậm chí, nếu Trung Quốc phản đối theo Tổng thống Trump, tổng số hàng hoá mà Trung Quốc có thể bị đánh thuế có khả năng lên đến 550 tỷ USD, cao hơn giá trị xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ năm 2017.

Ngay từ khi có thông tin này, đồng USD liên tục mạnh lên, điều đó đã tác động tới tiền đồng của Việt Nam. Theo đó, những ngày qua, cặp tỷ giá USD/VND liên tục biến động, chỉ tính từ 13.6 tới nay, tỷ giá trung tâm ghi nhận mức tăng giá gần 1%, còn tại các NHTM tăng khoảng 1,2 -1,4% và đỉnh điểm là cuối tuần qua chạm ngưỡng 23.000 đồng/USD.

img

Tỷ giá USD/VND sẽ tăng bao nhiêu % để hỗ trợ cho xuất khẩu?

Dự đoán, trong nửa cuối năm khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng, một kịch bản có thể xảy ra, đó là tỷ giá USD/VND sẽ tăng giá mạnh mẽ hơn. Câu hỏi đặt ra nhà điều hành Việt Nam nên làm gì để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu? Liệu nhà điều hành của Việt Nam có phá giá tiền đồng để hỗ trợ xuất khẩu? Nếu có, mức phá giá sẽ là bao nhiêu % xuất khẩu sẽ hưởng lợi?

Xuất khẩu thiệt nhiều hơn lợi

Ông Phạm Quốc Khánh, Trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng, cho rằng Việt Nam chúng ta là 1 nước nhập nhiều hơn xuất, đến 60% vẫn là nhập khẩu. Đơn cử, các yếu tố đầu vào đặc biệt là những nguyên liệu quan trọng, có giá trị lớn liên quan đến công nghệ, điện tử… chúng ta đều đi nhập từ nước ngoài. Khi tỷ giá tăng cao thì cơ cấu chi phí nhập khẩu cũng phải tăng theo, ngay cả những doanh nghiệp có xuất khẩu thì cũng vẫn phải đi nhập khẩu rất nhiều, nên tôi chưa thấy cái lợi lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCK SSI, cho rằng dù là chiến tranh thương mại leo thang nhưng đồng NDT khó có khả năng sẽ phá giá, bởi vì Trung Quốc cũng là quốc gia điều hành tỷ giá như Việt Nam.

“Nếu như họ phá giá thì sẽ phải tính toán rất kỹ lưỡng, đặc biệt là vấn đề liên quan đến nợ nước ngoài. Thêm vào đó, dữ trữ ngoại hối của họ đang duy trì ở mức 2 năm nhập khẩu nên họ có điều kiện để can thiệp thị trường. Nếu giả định trong trường hợp xấu, Trung Quốc phá giá đồng NDT thì nhà điều hành chính sách của Việt Nam đừng chạy theo chính sách này.

Bài học năm 2015, khi trung Quốc phá giá đồng NDT, Việt Nam cũng giảm giá tiền đồng tới 4 -5%, đó là 1 sai lầm và lần này tôi nghĩ rằng nhà điều hành Việt Nam không chạy vào vết xe đổ này nữa. Cho dù, nếu không phá giá tiền đồng có thể hàng hóa Việt Nam cũng sẽ mất đi phần nào sức cạnh tranh”, ông Linh phân tích.

“Thậm chí chúng ta chỉ có 10%,  nhập 90% rồi xuất đi có khoảng 1 – 2% gì đó, vậy thì lợi ở đâu? Tôi nghĩ may ra ngành nông sản của chúng ta hưởng lợi từ việc phá giá đồng nội tệ mà thôi?”, ông Khánh phân tích.

Đứng trên góc độ 1 doanh nghiệp, tỷ trọng xuất khẩu chiểm tới 90% doanh thu của công ty, đại diện Công ty Quế hồi Việt Nam thì cho rằng “ Ai cũng nghĩ là doanh nghiệp xuất khẩu như chúng tôi được lợi khi tỷ giá tăng, tăng càng mạnh càng lợi. Đó là cách nhìn chủ quan bởi thực tế lợi thì có lợi nhưng phần thiệt cũng không kém, thậm chí trong một vài trường hợp thiệt còn lớn hơn nhiều so với cái lợi từ tỷ giá”.

Vị đại diện doanh nghiệp này dẫn chứng “ Với những đơn hàng đã ký, sau đó tỷ giá tăng thì chúng tôi được lợi bởi đồng USD cao hơn, quy đổi ra thì được nhiều đồng nội địa hơn. Còn đối với những hợp đồng chưa ký hay ký sau khi tỷ giá tăng thì chúng tôi không được gì. Chúng tôi là doanh nghiệp xuất khẩu nên chi phí cho đoàn đi công tác nước ngoài rất lớn. Thế nên, khi tỷ giá tăng mạnh, chi phí này của chúng tôi cũng đội lên nhiều lắm và vô hình chung cái lợi mang lại kia chẳng bù đắp được cho chi phí tài chính bỏ ra”.

Đồng quan điểm, đại diện 1 doanh nghiệp xuất nhập khẩu các sản phẩm từ gỗ, mây, tre, đan khác thừa nhận hiện nay VND đã quá yếu, ra ngoài gần như là không có giá trị. “Nếu như bây giờ để mất giá thì càng bất lợi. Doanh nghiệp không mong muốn điều này. Chúng tôi là doanh nghiệp xuất khẩu song không thể vì cái lợi ngắn hạn, cái lợi trước mắt. Tỷ giá biến động trườn bò trong biên độ hẹp và tương đối ổn định như trong 2 năm vừa qua là điều mà chúng tôi mong muốn”.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng dù chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có lên “cao trào”, đồng NDT có phá giá sâu nhưng NHNN cũng sẽ có những chính sách phù hợp để tỷ giá không biến động quá lớn trong nửa cuối năm nay.

“Nếu như tỷ giá trong năm nay vì 1 cú sốc nào đó là nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta. Trường hợp tỷ giá tăng lên tới 4 hay 5% chẳng hạn, tức là vượt quá kỳ vọng khi đi vay ngoại tệ”, bà Trần Hải Yến, chuyên viên cao cấp phân tích vĩ mô CTCK BVSC, phân tích.

Bà Yến cho biết, hiện kỳ vọng của doanh nghiệp, năm 2018 tỷ giá biến động tầm 1 -2% và tối đa chỉ là 3%, nếu mức mất giá trên 5% là ngoài kịch bản của doanh nghiệp.

“Chúng ta cũng không dám chắc là không có bất kể rủi ro nào xảy ra, vì thế là đối với các doanh nghiệp ở góc độ vi mô thì vẫn cần tìm hiểu các kênh phòng ngừa rủi ro đó đặc biệt là rủi ro biến động tỷ giá như các hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi tỷ giá chẳng hạn. Bởi vì thực chất các doanh nghiệp khi đi vay ngoại tệ cần nhất là mọi thứ nằm trong dự báo có thể chủ động hoạt động sản xuất kinh doanh”, bà Yến phân tích.

Gánh nặng nợ công và lạm phát

Phá giá đồng nội tệ không chỉ không hỗ trợ được cho xuất khẩu, mà còn tác động tới lạm phát trong nửa cuối năm. Trong nửa cuối năm 2018 này, áp lực lạm phát gia tăng đang là vấn đề khiến nhà điều hành phải “ đau đầu” khi giá dầu các loại trên thế giới liên tục tăng mạnh gần một tháng trở lại đây, tiếp cận các mốc 75-80 USD và dự báo có thể lên tới 93 – 102 USD trong nửa cuối năm nay.

img

Theo số liệu do Cục thống kê công bố gần đây, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2018 tăng 0,61% so với tháng trước, là tháng 6 có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua. Bình quân nửa đầu năm, CPI tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái.

“Lạm phát tăng mạnh trong 2 tháng gần đây đã khiến Chính phủ lo lắng. Vì vậy, để tỷ giá tiếp tục tăng mạnh thì không khác gì đổ thêm dầu vào lửa”, ông Nguyễn Đức Độ, Viện phó viện kinh tế - tài chính IEF (Bộ Tài Chính).

Theo tính toán của TS. Nguyễn Minh Phong, Phó Vụ truởng, Phó Ban tuyên truyền lý luận, Báo Nhân Dân, nếu phá giá nội tệ, nợ công cũng sẽ trở thành gánh nặng lớn hơn đối với Chính phủ Việt Nam nếu tỷ giá tăng mạnh. “Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính tới 31.12.2017, tình hình nợ công của Việt Nam ước khoảng 61,3% GDP thấp hơn con số dự tính đầu năm 2016 là 64,5% GDP.  Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong năm 2018 khoảng 275.330 tỷ đồng. Mỗi phần trăm tỷ giá tăng lên đồng nghĩa bài toán trả nợ trở nên khó khăn hơn”, ông Phong tính toán.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem