Đại sứ Trần Đức Mậu
Thứ hai, ngày 27/06/2022 10:02 AM (GMT+7)
Nga bị bất ngờ bởi việc thành viên EU và NATO, Litva phong toả - dù không phải hoàn toàn -vận tải quá cảnh giữa Nga và vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga. Thực chất, cả Litva và EU đều vi phạm luật pháp quốc tế vì hiệp ước họ ký kết với Nga hồi năm 2002.
Vùng lãnh thổ này kẹp giữa Litva và Ba Lan, cả hai đều là thành viên EU và NATO, nên Nga chỉ có thể tiếp cận vùng Kaliningrad bằng cách quá cảnh qua Belarus và Litva theo đường bộ, bằng đường biển qua Biển Bắc và đường hàng không.
Một khi bị Litva phong tỏa cả việc quá cảnh hàng không thì Nga chỉ có thể tiếp cận hàng không vùng lãnh thổ này bằng cách bay vòng ra Biển Bắc.
Bị bao bọc xung quanh bởi toàn các thành viên EU và NATO như thế mà một khi bị các thành viên này phong tỏa cả bờ biển thì Kaliningrad hoàn toàn bị cắt rời khỏi tiếp vận từ Nga.
Khi ấy, Nga phải chấp nhận Kaliningrad bị phong tỏa thời gian dài hoặc phải dùng vũ lực quân sự mở đường tiếp cận Kaliningrad. Vùng lãnh thổ này có tầm quan trọng chiến lược vô cùng to lớn đối với Nga vì chẳng khác gì là tiền đồn duy nhất của Nga trong phạm vi lãnh thổ các nước thành viên EU và NATO.
Litva biện minh cho quyết sách mới nói trên đối với Nga bằng lập luận thực thi những biện pháp chính sách của EU trừng phạt Nga, tức là trong tư cách thành viên EU chứ không phải thành viên NATO. EU công khai ủng hộ việc này.
Thực chất, cả Litva và EU đều vi phạm luật pháp quốc tế vì hiệp ước họ ký kết với Nga hồi năm 2002 - để Litva có thể gia nhập EU - buộc họ phải đảm bảo vận tải quá cảnh giữa Nga và Kaliningrad.
Cả hai cáo buộc Nga vi phạm và bất chấp luật pháp quốc tế khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng về bản chất mà nói thì họ không thể dùng hành động vi phạm và bất chấp luật pháp quốc tế để đối phó hành động của Nga bị họ coi là vi phạm và bất chấp luật pháp quốc tế. Cho nên có thể thấy hiện tại luật pháp quốc tế chỉ được các bên tôn trọng và bị bất chấp khi có lợi cho họ.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là Litva quyết định như trên để làm gì khi ý thức được đầy đủ rằng Nga sẽ phản ứng và trả đũa quyết liệt. Điều có thể dễ dàng thấy được trước tiên là phong tỏa vận tải quá cảnh đối với Nga và Kaliningrad không thể là quyết sách đơn phương của riêng Litva mà chỉ có thể toan tính chung của EU và NATO. Không có sự tham vấn trước, phối hợp hành động, hậu thuẫn và cam kết của EU cùng đối phó với sự đáp trả của Nga thì Litva không dám hành động như đã hành động vừa rồi.
Thực chất ở đây là EU và NATO mở chiến tuyến mới đối địch Nga ở châu Âu, núp dưới danh nghĩa trừng phạt Nga để tránh bị cảm nhận là đối địch quân sự trực tiếp. Mục đích trước hết của họ là gây thêm khó khăn, phức tạp cho Nga để bị kìm chân và nhanh chóng thất bại ở Ukraine.
Nga có thêm vấn đề cần phải giải quyết, thêm khó khăn phức tạp mới cần phải vượt qua, có thêm chiến tuyến phải chia xẻ nhân lực, tài lực và cả tiềm lực quân sự để cùng ứng phó. Phe này làm phép thử về phản ứng của Nga trong trường hợp xung khắc trực tiếp với thành viên của EU và NATO. Cũng không thể loại trừ khả năng EU và NATO toan tính sử dụng vấn đề Kaliningrad cho những toan tính tiếp theo tùy thuộc vào diễn biến tình hình chiến sự ở Ucraine và biến động mới trong mối quan hệ giữa Phương Tây với Nga. Một trong số những toan tính ấy là phong tỏa bờ biển Kaliningrad.
Ai cũng biết xung khắc mới này gia tăng nguy cơ xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp giữa Nga và Litva. Kịch bản này xảy ra đồng nghĩa với sự bùng phát giao tranh quân sự trực tiếp giữa Nga với NATO vì NATO coi việc một thành viên bị tấn công là chuyện cả liên minh bị tấn công. Rủi ro đi cùng là vũ khí hạt nhân có thể sẽ được sử dụng. Cho nên hệ lụy từ diễn biến tiếp theo có thể xảy ra ở chiến tuyến này có thể còn nguy hại đối với các bên liên quan và cả châu Âu hơn nhiều so với hệ lụy từ cuộc chiến ở Ukraine.
Trong mưu tính hiện tại của EU và NATO, Nga không có đủ tiềm lực quân sự thông thường để chiến tranh với NATO nhưng sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh với NATO. Vì muốn gây thêm khó khăn cho Nga và thử xem Nga phản ứng như thế nào nhưng tránh để xảy ra xung đột quân sự với Nga, Litva - và phía sau là EU và NATO - đẩy Nga vào tình thế khó khăn và khó xử nhưng không dám chơi sát ván với Nga trong chuyện phong tỏa tuyến đường quá cảnh của Nga.
Cái khó đối với Nga bây giờ là trả đũa Litva sao cho không để EU và NATO coi là khiêu chiến thành viên NATO, đồng nghĩa với việc khiêu chiến NATO, nhưng Litva lại bị thấm đòn của Nga.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.