Chất thùng bia cuối cùng lên xe vào trưa ngày 30 Âm lịch (24/01), bà Nguyễn Thị Ngọc, chủ một đại lý phân phối bia lớn tại Mỹ Đình (Hà Nội) buồn rầu chia sẻ, cách đây vài ngày, các cơ sở phân phối vẫn mong chạy vào 2, 3 ngày cuối cùng cận Tết. Tuy nhiên, đến hôm nay, nhiều đại lý đã chính thức “mất” Tết.
“Những dịp cận Tết trước đây, mỗi ngày, đại lý chúng tôi phân phối trên dưới 2000 thùng mỗi ngày. Dịp Tết Canh Tý 2020, mỗi ngày đại lý chỉ bán được khoảng chưa đến 1000 thùng. Với số lượng bán ra như vậy, ước tính, mỗi ngày doanh thu thiệt hại khoảng 300 đến 400 triệu đồng.
Cách đây mấy ngày, chúng tôi vẫn hy vọng sẽ chạy được khoảng 70 đến 80% lượng hàng vào 2 ngày cuối cùng. Nhưng hiện tại, chính thức đã “mất” Tết.” Bà Ngọc cho hay
Một số cửa hàng "bán cố" lượng bia tồn trong ngày 30 Tết Canh Tý 2020
Không chỉ nỗi buồn thất thu cuối năm, theo bà Ngọc cho biết, mối lo của các đại lý còn nằm ở chỗ, với lượng hàng nhập về để phục vụ dịp Tết Canh Tý 2020 bị “ế” sẽ rất khó phân phối vào thời gian sau Tết do nhu cầu thị trường giảm.
“Thời gian trước Tết từ 1 đến 2 tháng, khoảng từ tháng 11, 12/2019, các đại lý đã phải “chốt” số lượng với nhà sản xuất. Sau đó, chúng tôi lấy bao nhiêu hàng phải trả tiền bấy nhiêu chứ không được nợ nên hiện tại, lượng tiền đã phải bỏ ra rất lớn. Với tình trạng hàng tồn đọng như vậy, thời điểm sau Tết sẽ rất khó tiêu thụ vì nhu cầu thị trường không cao như trước Tết.” Bà Ngọc lo lắng.
Theo chia sẻ của chủ một đại lý phân phối bia tại Ba Đình (Hà Nội), hiện tại, giá các loại bia đã hạ “hết mức”, tuy nhiên, lượng khách mua hàng vẫn rất ít ỏi.
Cụ thể, mức giá giao tại nhà máy cho các hệ thống lớn loại bia "333" là 224.000 đồng/thùng, Saigon Special 287.000 đồng/thùng, Saigon Large 220.000 đồng/thùng và Saigon Export 225.000 đồng/thùng. Sau khi hàng được phân phối tiếp xuống cho đại lý cấp thấp hơn chỉ hưởng chênh lệch khoảng 1.000 đồng/thùng. Hiện tại, theo các đại lý bán lẻ, giá bán lẻ các loại bia thông dụng đã xuống mức bằng với giá buôn.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, chủ tịch Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA), thừa nhận đây là năm kinh doanh kém nhất của các doanh nghiệp sản xuất bia rượu từ trước đến nay.
“Kể từ khi nghị định 100 có hiệu lực, hầu như ngày nào tôi cũng tiếp nhận được các thông tin rất tiêu cực từ doanh nghiệp, nhà phân phối, cho đến các chủ doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng ở đồng bằng, lên cả tận… miền núi cũng kêu. Ai cũng than, nói không tiêu thụ được hàng.” ông Việt cho hay.
Đối với các mặt hàng phục vụ Tết khác, theo thông tin từ Bộ Công Thương, tới thời điểm hiện nay, giá hầu hết các mặt hàng phục vụ Tết không có hiện tượng tăng đột biến.
“Giá thịt lợn chỉ tăng nhẹ 5-10% (do trước Tết giá thịt lợn đã ở mức khá cao) giá tôm sú loại to tăng khoảng 5% giá gạo tẻ thường ổn định, giá gạo nếp tăng nhẹ khoảng 5% tùy từng địa phương. Một số mặt hàng khác như thịt gà, thịt bò, giá tăng từ 5-15%. Giá các loại hoa, trái cây phục vụ cúng lễ tăng từ 10-15%, giá rau củ ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ.” Đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.