Chính phủ Mỹ đóng cửa: Nếu kéo dài, hậu quả rất lớn!

Thứ tư, ngày 02/10/2013 11:55 AM (GMT+7)
TS Cù Chí Lợi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ (Viện Hàn lâm KHXH VN) đã nhận định như trên khi trao đổi với phóng viên Dân Việt xung quanh sự kiện này.
Bình luận 0
Ông đánh giá thế nào về việc Chính phủ Mỹ đã phải ngừng hoạt động, sau khi lưỡng đảng không thể thống nhất về việc bổ sung thêm ngân sách nhà nước?

- Đây là sự thể hiện của nền dân chủ Mỹ. Chính trường Mỹ luôn có sự tranh luận, thậm chí kịch liệt và đến cùng để đi đến những giải pháp tối ưu. Cụ thể ở đây, Thượng viện đã bác bỏ dự luật về ngân sách mà Hạ viện Mỹ đưa ra, trong đó đề nghị hoãn lại đạo luật về cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe của Tổng thống Obama thêm 1 năm. Đảng Dân chủ cho rằng dự luật sẽ giúp hàng triệu người Mỹ có phương tiện mua bảo hiểm y tế, trong khi phe Cộng hòa thì nói rằng các luật lệ sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế và can dự vào đời sống cá nhân của người Mỹ. Và một khi, họ không đạt được thỏa thuận, thì việc chính phủ đóng cửa là điều không tránh khỏi. Theo đánh giá của cá nhân tôi, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động của Chính phủ Mỹ, cũng như nền kinh tế Mỹ.

img
Bắt đầu từ 1.10, một phần hoạt động của Chính phủ Mỹ bị ngừng lại

Trong quá khứ, Chính phủ Mỹ đã từng bị đóng cửa 28 ngày và lần đó cũng đã có những thiệt hại đáng kể, liệu lịch sử có lặp lại không, thưa ông?

- Chỉ khác nhau về thời gian thôi. Theo tôi, lần này Chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa không lâu, chỉ khoảng từ 1-2 tuần. Khoảng thời gian đó, các nhà lập pháp sẽ “so găng” với nhau và sau đó sẽ đạt được thỏa thuận.

Nhưng thực tế lại đang cho thấy, khi cái gọi là “giải pháp tối ưu” chưa thấy ở đâu, thì bộ máy công quyền ở Mỹ đã chịu hậu quả, hàng trăm ngàn nhân viên mất việc, nhiều dịch vụ bị tạm ngừng..?

- Tất nhiên, sẽ có hậu quả. Khi ngân sách không được bổ sung, các hoạt động chung, các lĩnh vực không cần thiết bị đóng cửa, song những dịch vụ chủ chốt vẫn hoạt động bình thường.

Những thiệt hại mà chúng ta có thể đã nghe đến chỉ chiếm 0,3% GDP của nước Mỹ. Đối với nền kinh tế 15.700 tỷ USD, con số thiệt hại này rất nhỏ, hay nói cách khác sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Và theo dự đoán của cá nhân tôi, cả hai bên - Đảng Cộng hòa và Dân chủ sẽ có nhượng bộ nhau. Cụ thể ở đây, Đảng Cộng hòa sẽ nhượng bộ Đảng Dân chủ và rốt cuộc thì đạo luật Obamacare sẽ được thông qua. Nhưng ngược lại, Tổng thống Obama cũng sẽ có đôi chút “nhún nhường” và Obamacare được thông qua với một chút thay đổi để trọn vẹn cả đôi bên.

Kinh tế Mỹ vừa mới phục hồi sau cuộc suy thoái, thưa ông, có lạc quan quá không khi chúng ta nói rằng, ảnh hưởng từ việc đóng cửa chính phủ lần này là rất nhỏ đối với nước Mỹ?

- Nhìn từ chính trường Mỹ, chúng ta thấy rằng, dù có căng thẳng, nhưng đây chỉ là cách họ tranh luận và bất kể màu sắc chính trị nào thì các đảng phái cũng không thể để kéo dài tình trạng chính phủ bị tê liệt quá lâu. Họ sẽ nhanh chóng giải quyết tình trạng này ổn thỏa.

Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn, năm nay họ có thể đạt được thỏa thuận, nhưng năm sau thì sao? Nếu năm sau mà lưỡng đảng vẫn mâu thuẫn và không đạt được điểm chung về chính sách, thì Chính phủ Mỹ lúc đó phải nghĩ đến việc giảm quy mô ngân sách. Và khi điều này xảy ra, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xu thế phát triển của nền kinh tế Mỹ. Hay nói cách khác, nếu để chính phủ đóng cửa quá lâu, thì hậu quả sẽ rất lớn.

Xin cảm ơn ông!
Đăng Thúy (thực hiện) (Đăng Thúy (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem