Chính phủ vì dân sau 76 năm thành lập nước: Coi việc chống dịch là sự nghiệp toàn dân
Chính phủ vì dân sau 76 năm thành lập nước: Coi việc chống dịch là sự nghiệp toàn dân
Lương Kết (thực hiện)
Thứ năm, ngày 02/09/2021 06:00 AM (GMT+7)
“Cũng như bảo vệ nền độc lập - tự do 76 năm trước, phòng chống đại dịch Covid-19 phải là sự nghiệp của toàn dân. Chủ trương, chính sách, cũng như các giải pháp phòng chống dịch phải được mọi người dân thấu hiểu và nhất lòng ủng hộ”- TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói khi trao đổi với NTNN/Dân Việt.
Nhìn lại lịch sử, Chính phủ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh khi mới thành lập cũng phải giải quyết vô vàn những khó khăn, thử thách và thành công, theo ông qua đó đã để lại những bài học quý giá nào mà Chính phủ hiện nay cần phát huy để đưa đất nước vượt qua đại dịch Covid-19?
- Trước hết, là bảo đảm sự đồng lòng, nhất trí của toàn dân. Cũng như bảo vệ nền độc lập - tự do 76 năm trước, phòng chống đại dịch Covid-19 phải là sự nghiệp của toàn dân. Chủ trương, chính sách, cũng như các giải pháp phòng chống dịch phải được mọi người dân thấu hiểu và nhất lòng ủng hộ.
Chỉ cần một bộ phận nhỏ cư dân không thực hiện 5k hoặc vi phạm các quy định về giãn cách, các cố gắng chống dịch của toàn bộ hệ thống hoàn toàn có thể trở nên vô ích. Các thông điệp phòng chống dịch cần phải rõ ràng, nhất quán; các giải pháp phòng chống dịch cần phải được lý giải rõ cho người dân về căn cứ khoa học và cơ sở thực tiễn.
"Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với nâng cao năng lực cấp dưới; đồng thời tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực"...
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Bài học thứ hai là sử dụng cho được người tài. Cũng như chèo lái đất nước sau Cách mạng tháng Tám, phòng chống đại dịch Covid-19, đặc biệt với chủng Delta là vô cùng khó khăn. Cuộc chiến càng khó khăn thì lại càng phải thu hút và trọng dụng cho được người tài.
Bác Hồ đã trọng dụng người tài sau Cách mạng thế nào, thì ngày nay, trong phòng chống dịch chúng ta cũng cần phải trọng dụng người tài như vậy. Người tài trong cuộc chiến chống lại đại dịch phải là các nhà kỹ trị. Họ có kiến thức chuyên môn sâu, hiểu biết rộng và dám quyết đáp trên cơ sở các chứng cứ khoa học.
Chính phủ từ khi thành lập đến nay đã 76 năm, mỗi nhiệm kỳ Chính phủ đều thực hiện sứ mệnh lịch sử, nhìn vào các nhiệm kỳ gần đây của Chính phủ, ông thấy có những dấu ấn nổi bật gì trong phát triển đất nước?
Cả hệ thống chính trị vào cuộc lo cho dân
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã ra một nghị quyết riêng, đặc biệt "trao quyền" ngay cho Thủ tướng Chính phủ được chủ động áp dụng, mọi giải pháp để chống dịch kịp thời có hiệu quả, mang lại an toàn nhất cho nhân dân.
Trong thời gian ngắn, tất cả hệ thống chính trị, xã hội đã được huy động một cách toàn diện, trách nhiệm và đều coi là nhiệm vụ số 1 là chống dịch. Trong hệ thống chính trị đó, sự lãnh đạo chỉ đạo trước hết là những người đứng đầu, không chỉ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội mà còn có sự quan tâm của tập thể Bộ Chính trị, tập thể Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp cũng như các đoàn thể chính trị xã hội đều vào cuộc, và chưa bao giờ tính dân tộc Việt Nam được đồng bộ và khơi dậy lên một cách mạnh mẽ như trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay.
TS Bùi Đức Thụ - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia
- Đất nước ta ngày càng phát triển nghĩa là Chính phủ mỗi nhiệm kỳ đều có những đóng góp của mình. Từ khi đổi mới, thì đó là những đóng góp để chấn hưng đất nước, để làm cho "dân giàu, nước mạnh". Các dấu ấn nổi bật chính là các chương trình cải cách sâu rộng nhằm mở rộng dân chủ, bảo đảm các quyền, đặc biệt là quyền tự do kinh doanh, tự do kế ước của người dân.
Chính phủ nhiệm kỳ vừa rồi đã tiến hành rất nhiều cải cách nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước trong thời kỳ hội nhập.
Phân cấp, phân quyền giảm tải cho Trung ương
Trong phát biểu nhậm chức hồi tháng 7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhấn mạnh việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với nâng cao năng lực cấp dưới, ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Phân cấp, phân quyền là rất quan trọng để giảm tải cho chính quyền Trung ương và nâng cao tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, phân cấp, phân quyền mạnh thì dễ dẫn đến tình trạng cát cứ và phân mảng nền quản trị quốc gia, chính vì thế song song cần phải tăng cường giám sát và kiểm soát quyền lực. Tôi hiểu đó là chiến lược mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đang thúc đẩy.
Một điểm đáng chú ý nữa được đứng đầu Chính phủ thường xuyên nhấn mạnh, đó là xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, làm được điều này sẽ có thêm tiềm năng thúc đẩy sự phát triển, thưa ông?
- Muốn tạo ra đột phá thì thường phải vượt qua được cách nghĩ, cách làm đang tồn tại. Điều này dễ dàng hơn, khi hệ thống pháp luật chưa được ban hành đầy đủ. Với một hệ thống pháp luật ngày càng nhiều và chặt chẽ như hiện nay, tạo ra đột phá là khó khăn. Những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung đúng là cần được bảo vệ. Tuy nhiên, bảo vệ họ nhiều khi không dễ.
Để thúc đẩy sự đột phá, quan trọng là phải thay đổi tư duy lập pháp của chúng ta. Muốn có một nền công vụ năng động, sáng tạo, thì hành lang pháp lý phải rộng. Luật pháp quy định quá chi tiết thì tất cả các quan chức đều trở thành những người máy quan liêu.
Theo ông, để thể hiện rõ là một Chính phủ kỹ trị thì những vấn đề gì cần được giải quyết?
- Chính phủ kỹ trị là chính phủ ban hành quyết định dựa trên nền tảng của chuyên môn, kỹ thuật. Một phản ứng chính sách liên quan đến lĩnh vực tài chính phải dựa trên sự hiểu biết sâu sắc nhất về tài chính; Một phản ứng chính sách liên quan đến lĩnh vực giáo dục phải dựa trên sự hiểu biết sâu sắc nhất về giáo dục…
Để làm được đều này, quan trọng là phải tập hợp được những chuyên gia giỏi nhất của đất nước trong từng lĩnh vực có liên quan để tư vấn cho Chính phủ.
Ngoài ra, một quy trình ban hành quyết định mang tính kỹ trị cũng rất quan trọng ở đây. Một quy trình như vậy phải bắt đầu từ việc nhận biết vấn đề; nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân của vấn đề; đề ra giải pháp/chính sách để giải quyết vấn đề; đánh giá tác động của giải pháp/chính sách rồi mới ban hành quyết định.
Để thực hiện thành công các mục tiêu thì đội ngũ cán bộ là khâu then chốt, thưa ông?
- Đội ngũ cán bộ là cách nói truyền thống. Thực ra, cán bộ gồm có 3 nhóm chính: Nhóm thứ nhất là chính khách; nhóm thứ hai là công chức; loại thứ ba là viên chức.
Quy chế pháp lý và cách thức lựa chọn nhân sự của ba nhóm cán bộ này là khác nhau. Lựa chọn chính khách là lựa chọn những người có tầm nhìn, có năng lực thúc đẩy chính sách. Lựa chọn công chức là lựa chọn những người giỏi thực thi chính sách, pháp luật. Lựa chọn viên chức là lựa chọn những người giỏi chuyên môn.
Xin cảm ơn ông!
Hành động vì dân, làm cho dân tin vào Chính phủ
"Trận chiến với Covid-19 chưa có tiền lệ và hết sức phức tạp, tuy nhiên Chính phủ đã căn cứ vào điều kiện thực tế để có những điều chỉnh thích hợp phù hợp với thực tế của Việt Nam nói chung và từng địa phương nói riêng.
Đặc biệt, Chính phủ đặt vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống của người dân ưu tiên hàng đầu. Đối với người dân đã có những rà soát đến tận nơi, đến tận nhà, trao tận tay, kể cả những người lang thang, vô gia cư. Đây là việc làm rất đúng đắn, trước đây chỉ có những người có hộ khẩu, thường trú… Đặc biệt ở miền Nam vì tỉ lệ người nhập cư lớn.
Đối với các doanh nghiệp, Chính phủ cũng đã thông qua các gói hỗ trợ như hạ lãi suất để họ sản xuất đảm bảo cuộc sống của người lao động. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã huy động tổng lực xã hội kể cả doanh nghiệp, kiều bào, từ các tổ chức chính trị đã vào cuộc, đặc biệt trong ngoại giao vaccine là một hướng đi đúng, và việc tiêm vaccine cho người dân cũng là miễn phí. Việc này thể hiện tinh thần, hành động vì dân của Chính phủ và làm cho nhân dân ngày càng tin vào Chính phủ hơn".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.