Giá trị nhân văn về quyền con người trong Bản Tuyên ngôn độc lập
Giá trị nhân văn về quyền con người trong Bản Tuyên ngôn độc lập
Quỳnh Nguyễn
Thứ năm, ngày 02/09/2021 18:00 PM (GMT+7)
Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, sau 76 năm vẫn còn nguyên những giá trị, đặc biệt là khẳng định ý chí, khát vọng hạnh phúc của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đang được phát huy trong cuộc chiến mới: Cuộc chiến chống "giặc" Covid-19.
Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Vang vọng mãi những lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng công bố với quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945. Bản Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, không chỉ có giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc.
Khẳng định quyền dân tộc và quyền con người
Trước hết, Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định quyền dân tộc và quyền con người luôn gắn bó chặt chẽ với nhau bằng việc luận dẫn những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".
Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn lời hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng thế giới là có dụng ý sâu sắc. Bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ ra đời sau khi nước Mỹ đấu tranh giành độc lập thành công. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền cũng ra đời trong chiến thắng của cách mạng Pháp, cuộc cách mạng của những thị dân và nông dân chống áp bức, bất công. Lời lẽ của hai bản Tuyên ngôn trên tự thân đã nêu lên những chân lí và là kết quả của những cuộc cách mạng có tính chất tiên phong của những nước có ảnh hưởng lớn trên thế giới, khiến cho không ai có thể phủ nhận tính đúng đắn của chúng.
Tuy nhiên, nếu như bản tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp chỉ đơn thuần đề cập đến quyền con người như một sự tất yếu của tạo hóa thì Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam đã phát triển sáng tạo, đưa ra một mệnh đề không thể phủ nhận về quyền độc lập của mọi dân tộc: "Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".
Nói "Tự do" và "Hạnh phúc" là nói đến người dân được hưởng đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần do Chính phủ chăm lo và bản thân mỗi con người biết mưu cầu chính đáng. "Tự do" và "Hạnh phúc" cơ bản nhất, tối thiểu nhất theo cách nói của Hồ Chí Minh là "đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"; người dân từ chỗ có ăn, có mặc, được học hành đến chỗ ăn ngon, mặc đẹp, đời sống sung túc và cống hiến...
Người đã đi từ khái niệm con người sang khái niệm dân tộc một cách tổng quát và đầy thuyết phục, khẳng định quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc.
Giá trị nhân văn vượt thời đại
Bản Tuyên ngôn độc lập ấy, cho đến ngày hôm nay, sau 76 năm vẫn còn nguyên những giá trị, đặc biệt là khẳng định ý chí, khát vọng hạnh phúc của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đang được phát huy trong cuộc chiến mới: Cuộc chiến chống "giặc" Covid-19.
76 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh về quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc trong bản Tuyên ngôn độc lập vang trên Quảng trường Ba Đình, Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890 - 19/5/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Mưu cầu hạnh phúc là nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của mọi người dân. Đó là khát vọng về một xã hội tốt đẹp mà ở đó con người ai cũng được phát triển toàn diện; được sống cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trong hòa bình, mọi người bình đẳng với nhau, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau".
Bài viết khẳng định về những giá trị về độc lập, tự do, hạnh phúc mà Đảng và Nhân dân Việt Nam đang theo đuổi. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới có nhiều đổi thay dưới tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: "Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm.
Đại dịch Covid-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu đã tác động tiêu cực tới kinh tế và đời sống của người dân Việt Nam. Trong bối cảnh đó, mỗi quyết sách mà Đảng, Chính phủ đưa ra đều thể hiện ý chí quyết tâm "chống dịch như chống giặc", bảo vệ thành quả của đất nước, bảo đảm an sinh xã hội và trên hết là bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân.
Những nỗ lực của Đảng, Nhà nước được thể hiện bằng các văn bản chỉ đạo, bằng các giải pháp cụ thể. Đó là những nỗ lực ngoại giao vaccine, đó là những gói cứu trợ lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng, đó là lực lượng "tiếp sức" đến những nơi nguy hiểm nhất, sát cánh với người dân trong hoạn nạn, đúng với tinh thần "không để người dân nào bị bỏ lại phía sau".
Năm tháng sẽ qua đi, nhưng tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam, không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập, tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ấp ủ và cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện.
Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Đặc biệt trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy tinh thần Tuyên ngôn Độc lập, sức mạnh đại đoàn kết của cả dân tộc sẽ được nhân lên gấp bội để lập nên những kỳ tích mới, chiến thắng đại dịch. Đó cũng chính là ngọn lửa từ lời thề Độc lập năm xưa, đã và đang thắp lên để xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.