Năm 2013: Chậm đổi mớiThảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2013, ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng: Năm 2013 tuy Hà Nội đạt được nhiều kết quả quan trọng, tăng trưởng cao hơn năm trước, lạm phát thấp hơn… nhưng cũng không tránh khỏi những hạn chế như sản xuất kinh doanh khó khăn, tăng trưởng chậm phục hồi, cơ chế chính sách chưa đủ mạnh, chưa thu hút được đầu tư, cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu, chống tham nhũng lãng phí còn hạn chế... “Nguyên nhân chủ quan là chính, khi chậm đổi mới thể chế. Điều hành cụ thể hóa cơ chế chính sách chậm, không đi vào cuộc sống” - ông Thảo thừa nhận.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 23.12. TTXVN
Theo lãnh đạo TP. Hà Nội, trong năm 2014, cần đẩy mạnh 3 khâu đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; Phát triển nhanh nguồn nhân lực; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng). Riêng mô hình tăng trưởng cần phải vừa chiều rộng và sâu, nghĩa là nâng cao năng suất lao động nhưng cũng phải đẩy mạnh đầu tư trong những khâu chiến lược, tạo điều kiện để tái cơ cấu. Ông Thảo cũng cho rằng, cần kích cầu nền kinh tế, kích cầu đầu tư công. Có kích cầu mới giải quyết được hàng tồn kho, tạo động lực tăng trưởng phát triển nhanh.
Chủ tịch TP. Hải Phòng, Dương Anh Điền cũng cho rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát đã làm được. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ hơn trong việc Chính phủ chỉ đạo giải quyết việc giải quyết khiếu nại tố cáo kéo dài, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, và đầu tư các công trình giao thông. “Năm 2014, chưa thấy phát triển thị trường đối với nền kinh tế. Cần phát triển thị trường, bởi khó khăn trong 2013 cũng do thị trường nên không phát huy được”- ông Điền kiến nghị.
Theo ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, trong thành tựu 2013, có những bài học lớn để làm thước đo cho năm 2014. Theo ông Quân, năm 2014 cần tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp tái cấu trúc, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thừa nhận công tác đảm bảo an ninh trật tự còn nhiều thách thức. Các vụ khiếu kiện đòi đất đai có nguồn gốc tôn giáo ngày càng tăng. “Các địa phương cần phối hợp giải quyết dứt điểm tại địa phương tránh kéo lên Trung ương, tránh trả lời chung chung, khiến dân trông chờ gây khó khăn. Địa phương cần vận động người dân khiếu kiện trở về địa phương, tránh gây ảnh hưởng” - Bộ trưởng đề xuất.
Về tình hình trên Biển Đông, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, Nhà nước đã có chỉ đạo thống nhất với các lực lượng trên biển như kiểm ngư, hải quân, biên phòng, cảnh sát biển. Hiện tất cả các lực lượng đã được đầu tư nhiều tàu lớn và hiện đại, góp phần hiệu quả ổn định trên biển, nên tình hình 21 đảo, 33 điểm đóng quân, 15 nhà giàn và vùng 200 hải lý vẫn đánh cá, khai thác dầu khí, vận tải bình thường. Hết quý 1/2014 sẽ có 2 tàu ngầm, trên 15 máy bay, 40 tàu mới trang bị cho cảnh sát biển, kiểm ngư để tăng cường bảo vệ chủ quyền...
Yêu cầu thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ, giải phápTại hội nghị, các đại biểu đã nghe Báo cáo Dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2014. Các chỉ tiêu chủ yếu đề ra là: Phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng CPI khoảng 7%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7 - 2%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động...
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, đất nước đang hội nhập sâu với quốc tế, tham gia các thỏa thuận kinh tế lớn… nhưng nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, chưa nắm hết, nên rất cần các bộ, ngành hỗ trợ cho địa phương khi hội nhập sâu.
|
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Chính phủ yêu cầu tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đó là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội...
Phương Hà (Phương Hà)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.