Chính phủ yêu cầu năm 2024 triệt để tiết kiệm chi, nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách về thuế

An Linh Thứ hai, ngày 08/01/2024 14:06 PM (GMT+7)
Chính phủ yêu cầu năm 2024 cần triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, năm 2024 cắt giảm, tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm dự toán chi thường xuyên so với dự toán được giao.
Bình luận 0

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro

Theo mục tiêu của Nghị quyết 01/NQ-CP, về cân đối vĩ mô, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ khung khổ pháp lý thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Chính phủ yêu cầu năm 2024 triệt để tiết kiệm chi, nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách về thuế- Ảnh 1.

Chính phủ đề nghị kiểm soát tăng trưởng tín dụng một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (Ảnh NT).

Về kinh tế vĩ mô, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2024 ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Trong đó, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Chính phủ yêu cầu thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế; tiếp tục triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân, hạn chế và tiến tới sớm chấm dứt "tín dụng đen".

Chính phủ yêu cầu năm 2024 cần triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, năm 2024 cắt giảm, tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm dự toán chi thường xuyên so với dự toán được giao; nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Về giải ngân đầu tư công, Chính phủ đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.

Cụ thể hóa mục tiêu đào tạo nhân lực cho ngành chip, bán dẫn

Theo Nghị quyết số 01 của Chính phủ vừa ban hành, Chính phủ đưa mục tiêu đào tạo năm 2025 đến 2030 Việt Nam sẽ có khoảng 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn. Đây là nội dung mới được xây dựng năm 2024 sau khi Việt Nam ký kết với nhiều đối tác lớn thế giới về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Với tiềm năng lớn về đất hiếm, đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, Việt Nam có cơ hội lớn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vừa qua, Việt Nam cũng đón nhận dòng vốn lớn, dự án hàng tỷ USD đóng gói, thử nghiệm và sản xuất chip tại Việt Nam của doanh nghiệp Mỹ, Hàn Quốc.

Theo mục tiêu tại Nghị quyết 01, Chính phủ chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, chip và chất bán dẫn gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đổi mới sáng tạo khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, thực hiện quyết liệt, hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tập trung đầu tư thỏa đáng để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh thực hiện tự chủ giáo dục đại học, tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước để tạo sự chuyển biến về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, ưu tiên đầu tư phát triển một số ngành đào tạo quan trọng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phấn đấu đến năm 2025 và năm 2030 có 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem