Chính quyền và quyền phán xử

Thứ sáu, ngày 13/01/2012 08:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những tuyên bố từ phía chính quyền sau vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng. Cụ thể, người phát ngôn của chính quyền tuyên bố “Dứt khoát phải thu hồi” (diện tích đã giao cho nông dân Đoàn Văn Vươn khi thời hạn đã hết).
Bình luận 0

Ngày 27.9.1993, sau khi Luật Đất đai có hiệu lực, Chính phủ ban hành Nghị định 64 quy định thời hạn giao đất 20 năm. Theo Nghị định 64, từ năm 1993, người dân được giao đất theo hộ, theo từng nhân khẩu và theo hạn mức sào. Trung bình, mỗi hộ 2 khẩu thì được 2 sào, hộ 10 khẩu thì được 10 sào.

Tại Hội thảo tổng kết 10 năm thi hành Luật Đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên có vẻ rất đau đầu trước thực trạng “sau 20 năm, bây giờ gia đình 10 người có khi chỉ còn 2 nhưng gia đình 2 người lại thành 10 rồi”. Ông đặt câu hỏi: “Hai người vẫn giữ 10 sào? Bây giờ điều tiết lại bằng cách gì? Chia lại ruộng đất à? Khó lắm, làm sao chia lại được”.

Nhưng “sự đau đầu” đáng chú ý nhất của người làm chính sách là câu hỏi: “Ra cơ chế gì đây?”. Bộ chủ quản đất đai đau đầu, còn nông dân thì có những ý kiến rất khác nhau. Kết quả khảo sát hơn 8.000 hộ dân tại 9 tỉnh vừa được Tổng cục Quản lý đất đai công bố hồi đầu năm nay cho thấy: 38% số người được hỏi muốn chia lại đất và 55% số người được hỏi lại chỉ muốn giữ nguyên hiện trạng như hiện nay.

Những bất cập về “chiều dài 20 năm” được đề cập trên một tờ báo địa phương qua tâm sự của Chủ tịch UBND xã Diễn Hạnh (Diễn Châu- Nghệ An) Tăng Văn Thành: “Toàn xã hiện có khoảng 1.500 khẩu sinh sau thời điểm năm 1993 không được chia đất sản xuất, trong khi Diễn Hạnh là xã thuần nông, không có làng nghề hay việc khác để làm thêm. Rất bất cập là trong khi đó, nhiều hộ con cái đã thoát ly cả, chỉ còn hai ông bà già ở nhà nhưng vẫn không thu lại đất được”.

20 năm, đối với những người thiếu đất là quá dài. Nhưng lại quá ngắn đối với những nông dân thực sự muốn đổ tiền vào đất. Không ai biết được khi hết hạn thì Nhà nước sẽ làm gì. Và câu hỏi “Cơ chế gì đây” của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng cho thấy ngay chính Nhà nước giờ cũng chưa biết sẽ phải làm gì.

Theo Luật Đất đai, khi hết thời hạn giao đất, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng đất chấp hành đúng pháp luật về đất đai thì được Nhà nước giao đất đó để tiếp tục sử dụng. Nhưng quy định này đang giao cho chính quyền một thẩm quyền quá lớn: Quyền phán xét. Chính quyền có thể thu hồi lại đất hết hạn thuê, theo luật, và có thể, hoặc không, xét cho thuê lại, sau khi đã thu hồi. Và như thế, những vụ như ở Tiên Lãng có thể vẫn sẽ xảy ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem