Chính sách dân số của Việt Nam: Không thả lỏng, không “bóp chặt”

Thứ hai, ngày 22/07/2013 06:58 AM (GMT+7)
Những ngày qua, dư luận cả nước râm ran tin đồn ngừng cuộc vận động mỗi gia đình chỉ nên sinh 1 đến 2 con; khuyến khích phụ nữ sinh thêm con... Sự thật của thông tin này như thế nào?
Bình luận 0
Phóng viên NTNN đã có cuộc phỏng vấn TS Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ.
Tuyên truyền dân số - kế hoạch hóa gia đình tận các thôn bản.
Tuyên truyền dân số - kế hoạch hóa gia đình tận các thôn bản.

Cần thay đổi khẩu hiệu

Ông đánh giá thế nào về thông tin cho rằng, nên dừng chính sách "mỗi gia đình chỉ nên có từ 1 -2 con" vì như thế sẽ vi phạm nhân quyền, già hóa dân số?
- Việt Nam không có chính sách quy định về số con. Khẩu hiệu "Mỗi gia đình chỉ nên có từ 1 đến 2 con" hay "Gia đình 2 con, vợ chồng hạnh phúc" là một khuyến cáo nhằm tuyên truyền, vận động người dân làm theo chứ không bắt buộc bằng luật.
Mục tiêu của ngành dân số khi đưa ra khẩu hiệu này là vận động để duy trì mức sinh thay thế (mỗi phụ nữ sinh từ 2-2,1 con). Hiện nay, tổng tỷ suất sinh (TFR -số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ở Việt Nam là 2,05 con. Tỷ số này chỉ bằng 1/3 so với 50 năm trước. Với mức sinh này, mỗi năm Việt Nam tăng hơn 1 triệu người và sẽ đạt quy mô dân số cực đại vào năm 2050 với khoảng 110 triệu dân, trong đó dân số già trên 65 tuổi chiếm 18%. Đây là cơ cấu dân số đẹp, là mong muốn của nhiều nước, đảm bảo hài hòa giữa các lứa tuổi và sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Hiện tại, một số thành phố lớn mức sinh giảm mạnh, có ý kiến cho rằng Tổng cục Dân số đang "khuyến khích sinh thêm con", điều đó có đúng?
- Đây là một cách hiểu sai bản chất vấn đề. Ngành dân số vẫn tích cực vận động duy trì mức sinh thay thế. Nếu chúng ta thả lỏng mức sinh, thì dân số sẽ tăng đột biến, mật độ dân số đông, kinh tế, an sinh xã hội phát triển không kịp thì sẽ rối loạn. Nhưng nếu để tỷ số sinh quá thấp thì cũng sẽ có nguy cơ dân số già, thiếu nguồn lao động. Vì thế, duy trì mức sinh thay thế sẽ cho cấu trúc dân số hợp lý nhất. Đây không chỉ là ý kiến riêng của ngành dân số mà là quan điểm, chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước.
Nhưng thực tế một số thành phố tỷ lệ sinh thấp, Tổng cục Dân số có cách nào điều chỉnh để có sự đồng đều trong cả nước?
- Đúng là TFR giữa các vùng không đồng đều. Ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, các huyện miền núi trung du có TFR khá cao từ 3- 3,5 con. Nhưng ở khu vực đông-tây Nam Bộ lại khá thấp, TFR chỉ có 1,6-1,8. Đặc biệt, TP.HCM có mức tăng dân số cơ học lớn nhưng TFR năm 2009 chỉ đạt 1,45 và năm 2011 tụt xuống còn 1,3. Năm 2012 được coi là năm đẹp để sinh con nhưng TFR ở đây cũng chỉ nhích lên 1,33. Đây là "mốc" nguy hiểm. Theo kinh nghiệm các nước đi trước, nếu TFR xuống đến 1,3 thì rất khó thậm chí không thể "nhấc" lên. Vì thế, nếu như các vùng khác chúng tôi vẫn đề ra chỉ tiêu giảm sinh cho tỉnh thì riêng TP. HCM, tôi khuyến cáo mỗi phụ nữ nên sinh 2 con cho đủ mức sinh thay thế, chứ không nên sinh con thứ 3. Hoàn toàn không có chuyện ngành dân số "khuyến khích sinh thêm con".
Hiện nay đã xuất hiện tình trạng phụ nữ lười sinh. Theo ông, nguyên nhân vì đâu?
- Phụ nữ không sinh con hoặc chỉ sinh 1 con có nhiều nguyên nhân. Có thể họ có sức ép lớn về việc làm nếu như phải "lơi là" công việc khi có thai và nghỉ việc sau khi sinh. Đã có trường hợp chị em bị mất việc làm ngay sau khi xin nghỉ sinh, sau đó tìm việc lại cũng rất khó khăn. Ngoài ra, kinh tế suy thoái, công việc bấp bênh, chi phí nuôi dạy con lớn, nỗi lo học phí, nhà cửa cho con khiến nhiều vợ chồng chỉ dám sinh 1 con. Do đó, mức sinh ngày càng xuống thấp ở khu vực đô thị, nơi có sức ép kinh tế lớn. Muốn khuyến khích sinh đủ 2 con trở lại, Nhà nước cần có các chính sách đối với phụ nữ nghỉ sinh, xây dựng chế độ thai sản ưu việt, kêu gọi sự chia sẻ công việc của nam giới, hỗ trợ mua nhà giá rẻ cho người dân... Cần thay đổi khẩu hiệu "2 con là đủ" sang "2 con là tốt hơn".
Tập trung nâng cao chất lượng dân số
Thời gian tới, ngành dân số sẽ chú trọng vào mục tiêu gì, thưa ông?
- Mỗi tỉnh có đặc điểm dân số và các vấn đề nóng khác nhau, vì thế đối với 63 tỉnh, chúng tôi sẽ dùng 63 "cái lược" khác nhau để "chải", mục tiêu chung là đạt mức sinh thay thế nhưng mỗi tỉnh có chính sách riêng và giao chỉ tiêu khác nhau. Đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, có tỷ suất sinh cao, chất lượng dân số thấp, chúng tôi sẽ tăng cường nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Mỗi năm, 2 đợt, các đội dịch vụ lưu động sẽ đến tận các thôn bản xa xôi để vận động và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà con.
Còn đối với các tỉnh đã đạt mức sinh thay thế, chúng tôi sẽ yêu cầu nâng cao chất lượng các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang tiếp tục gia tăng và đạt số cực đại vào năm 2028, nhu cầu tình dục của người dân tăng cao (tuổi quan hệ tình dục lần đầu trẻ hơn nhưng tuổi kết hôn muộn hơn), vì thế, nếu không làm tốt công tác kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản thì sẽ xảy ra nguy cơ gia tăng tình trạng nạo phá thai, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kể cả HIV/AIDS...
Một số tỉnh khác chúng tôi thực hiện đề án chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc sơ sinh, xây dựng mô hình an sinh cho người cao tuổi... hướng tới nâng cao chất lượng dân số.
Báo NTNN đã phản ánh có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh rất nóng bỏng. Có những vùng tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh lên tới 210 trẻ nam/100 trẻ nữ. Ngành dân số có đặt mục tiêu "ghìm" tỷ lệ này lại?
- Đây là một mối quan ngại lớn cho Việt Nam 20-25 năm nữa khi đất nước ta thiếu hàng triệu cô dâu. Ngành dân số đang quyết liệt dùng nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

"Phụ nữ ngày nay vẫn khá đơn độc khi phải gánh vác cùng lúc nhiều vai trò trong cả công việc xã hội lẫn gia đình với quan điểm phải "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Những điều này khiến chị em "sợ đẻ".
TS Dương Quốc Trọng


Hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 112,3/100 và vẫn tiếp tục tăng. Dự báo với sự gia tăng này, mục tiêu "ghìm" tỷ lệ giới tính khi sinh là 115 vào năm 2015 cũng khó thực hiện.
Nỗi khao khát con trai "thâm căn cố đế" trong suy nghĩ của đông đảo người dân, chỉ tuyên truyền không thể khiến họ "ngấm" và thay đổi hành vi. Nguyên nhân muốn có con trai là vì nhiều vùng cần con trai làm lao động chính (ví dụ như miền biển cần con trai để đi đánh bắt cá); do chế độ an sinh chưa đảm bảo nên muốn sinh con trai để làm "của để dành", chăm sóc bố mẹ già; do vị thế của phụ nữ thấp, nhiều người cũng chưa hiểu hậu quả của việc lựa chọn giới tính thai nhi.... Cộng với khoa học- công nghệ phát triển (siêu âm, phá thai) đã "tiếp tay" cho lựa chọn giới tính khi sinh.
Theo ông, để tỷ lệ giới tính khi sinh có thể trở về mức bình thường, cần phải có biện pháp gì quyết liệt hơn?
- Đối với mỗi nhóm nguyên nhân, chúng ta cần phải có các biện pháp cụ thể, thiết thực, tác động đến đời sống của người dân. Trước hết là tuyên truyền, vận động, trang bị kiến thức để người dân thay đổi quan điểm trọng nam khinh nữ. Tiếp đến là xây dựng chính sách đảm bảo an sinh xã hội để người dân yên tâm như chính sách ưu tiên cho phụ nữ về học hành, công việc, nâng cao vị thế phụ nữ, làm tốt công tác an sinh xã hội cho người cao tuổi nói chung và hỗ trợ gia đình sinh con gái một bề để họ yên tâm lúc về già.
Đối với các sai phạm lựa chọn giới tính khi sinh cần tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, tăng cường thanh, kiểm tra và xử phạt nghiêm khắc các cơ sở y tế và cá nhân vi phạm. Để có được sự chuyển biến hiệu quả, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lãnh đạo từng địa phương và từng người dân... chứ không chỉ ngành dân số.
Xin cảm ơn ông!
Diệu Linh (thực hiện) (Diệu Linh (thực hiện) )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem