Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2021, cả nước có 43.165 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, và 12.196 doanh nghiệp giải thể, trong khi có 81.582 doanh nghiệp đăng ký mới và 32.441 doanh nghiệp quay lại hoạt động… Doanh thu của khu vực doanh nghiệp giảm, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, thị trường lao động có khả năng chống chịu tương đối vững trong năm đầu của đại dịch, nhưng xu hướng gần đây bắt đầu phản ánh tác động trực tiếp của đợt bùng phát dịch thứ 4 đến người lao động khi mà trong 9 tháng năm 2021 cả nước có tới hơn 1,3 triệu người lao động thất nghiệp, 1,3 triệu lao động đã phải về quê do không có việc làm và cuộc sống khó khăn.
Tác động kéo dài của đại dịch đến các hộ gia đình đã trở nên rõ nét, thậm chí, ngay từ trước khi đợt dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 4, vào thời điểm tháng 3 năm 2021, 30% hộ gia đình có thu nhập thấp hơn so với tháng 3 năm 2020. Khoảng 12% các hộ gia đình này rơi vào tình trạng khó khăn tài chính khi họ bị mất ít nhất 50% thu nhập. Nữ giới và các hộ ở nhóm 20% có thu nhập thấp nhất trải qua quá trình phục hồi thu nhập chậm nhất. Khu vực kinh tế phi chính thức thường gắn liền với an ninh thu nhập thấp hơn, năng suất lao động thấp hơn, và khả năng tiếp cận tài chính hạn chế, mặc dù ít nhiều đã được tiếp cận mạng lưới an sinh xã hội.
Trước những khó khăn tác động trực tiếp đến KH doanh nghiệp nhỏ và vừa và KH cá nhân từ năm 2020 đến nay, Vietcombank đã liên tục triển khai 09 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và thiên tai.
Nhằm hỗ trợ khách hàng, Vietcombank thực hiện cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Cụ thể, đơn vị mở rộng đối tượng khách hàng được xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ trên cơ sở chất lượng danh mục khách hàng, danh mục các khoản nợ đồng thời chịu ảnh hưởng bởi diễn biến của dịch và tình hình triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại từng địa phương. Vietcombank đã hỗ trợ giảm lãi cho khách hàng bán lẻ bao gồm: Khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và Khách hàng cá nhân, với tổng giá trị lãi giảm hơn 1.192 tỷ đồng trong năm 2020 và trong năm 2021 là hơn 2.249 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đồng hành cùng các chính sách giảm phí của Ngân hàng Nhà nước và công ty cổ phần thanh toán quốc gia Napas. Vietcombank triển khai xuyên suốt các chương trình miễn giảm phí nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân và tổ chức giảm bớt chi phí giao dịch để giảm bớt các khó khăn về tài chính. Các chương trình ưu đãi, hỗ trợ phí được thực hiện đồng bộ trên các kênh giao dịch tại Quầy, ATM, Web, ứng dụng di động. Trong đó, Vietcombank tập trung giảm phí mạnh trên kênh điện tử, trực tuyến là loại hình khách hàng sử dụng chính trong thời điểm đại dịch, giãn cách xã hội. Các loại phí dịch vụ được hỗ trợ miễn giảm phí là loại dịch vụ được khách hàng sử dụng với tần suất cao liên quan tới phí sử dụng gói tài khoản, chuyển tiền trong và ngoài hệ thống Vietcombank bên cạnh chính sách miễn phí chuyển tiền từ thiện, chuyển tiền ủng hộ Quỹ Vắc xin.
Kết quả đạt được của chính sách miễn giảm phí trong năm 2021, số lượng giao dịch được áp dụng miễn giảm đạt gần 300 triệu với số tiền miễn giảm trên 230 tỷ đồng. Trước tình hình diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, khó lượng với các biến chủng virus mới, Vietcombank đã thông qua các chính sách phí có tính đột phá trên các kênh giao dịch trực tuyến với nhóm khách hàng cá nhân và tiếp tục gia hạn chính sách phí hỗ trợ khách hàng như hiện tại đến hết nửa đầu năm 2022. Hy vọng với các hoạt động có tính thiết thực này, khách hàng và Vietcombank ngày càng gắn bó và cùng nhau vượt qua các khó khăn của đại dịch
Trong điều kiện kinh tế năm 2022 vẫn chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, Vietcombank tiếp tục cam kết duy trì mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý như hiện nay để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh duy trì hoạt động, thích nghi với bối cảnh mới; hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp trong đợt dịch này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.