Chịu áp lực nặng nề vẫn có 51% nhân viên Bệnh viện Bạch Mai hài lòng về lãnh đạo

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 16/04/2021 10:27 AM (GMT+7)
Theo kết quả khảo sát của Bộ Y tế năm 2020-2021, 51% nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai hài lòng về lãnh đạo và 15,3% nhân viên hài lòng toàn diện về bệnh viện.
Bình luận 0

Bộ Y tế đang thực hiện đợt kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện, khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2020 - 2021 với hàng loạt bệnh viện trên toàn quốc.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, trong số có 2.014/4.300 nhân viên, người lao động tham gia khảo sát, chỉ có 15,3% hài lòng toàn diện với bệnh viện, 51% hài lòng nói chung về lãnh đạo bệnh viện; 63% cho biết sẽ gắn bó làm việc với bệnh viện lâu dài; 70% đề nghị tăng thu nhập. Toàn bộ khảo sát được thực hiện trực tuyến, đảm bảo khuyết danh. 

Nhân viên Bệnh viện Bạch Mai chịu nhiều áp lực

Qua cuộc khảo sát cũng cho thấy nhiều nhân viên y tế đang bị quá tải về công việc, áp lực tăng cao, thu nhập thấp không đủ trang trải cuộc sống, ít nhân lực, thiếu trang thiết bị, áp lực cao, căng thẳng, thu nhập quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống, ít nhân lực, thiếu trang thiết bị, thiếu găng tay cho nhân viên (khiến nhân viên phải dính phân, dính chất thải của người bệnh), xử phạt công minh hơn, cần phải động viên, khích lệ và lắng nghe người lao động nhiều hơn nữa… 

Đáng nói có những ý kiến khá nặng nề cho rằng: "Giám đốc không quan tâm đến đời sống công nhân viên, coi nhân viên như công cụ khai thác". 

Chịu áp lực nặng nề nhưng vẫn có 51% nhân viên Bệnh viện Bạch Mai hài lòng về lãnh đạo  - Ảnh 1.

Ảnh chụp từ tài liệu Bộ Y tế

Một ý kiến nêu: "Tôi không biết lãnh đạo Bộ có đọc những dòng chữ này hay không, tôi mong Bộ hãy lắng nghe nhân viên y tế nhiều hơn, đời sống của anh em bệnh viện gặp quá nhiều khó khăn. Mỗi ngày đi làm áp lực căng thẳng lắm mà kinh tế không có. Mọi người cứ bảo nhau đi làm vì đam mê. Thật sự là làm nhiều đến nỗi vợ tôi còn chán không buồn hỏi vì sao. 

Rồi bao nhiêu bác sĩ giỏi, điều dưỡng tốt cũng xin đi, chuyển công tác nơi khác vì họ không chịu nổi. Thật sự đến lúc này hỏi thâm tâm trong mỗi nhân viên y tế chúng tôi đều là sự buồn chán, chán không muốn cống hiến và thật sư điều giữ chân chúng tôi lúc này còn làm ở bệnh viện cũng chỉ vì 2 chữ Bạch Mai".

Chịu áp lực nặng nề nhưng vẫn có 51% nhân viên Bệnh viện Bạch Mai hài lòng về lãnh đạo  - Ảnh 2.

Ngoài ra, nhiều ý kiến phàn nàn về việc lãnh đạo mới của bệnh viện không lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người lao động. "Người lao động không yên tâm làm việc và say mê cống hiến cho bệnh viện so với giai đoạn trước đây. Nhiều quyết định mới của lãnh đạo bệnh viện làm nhân viên lo lắng, không yên tâm hoặc bức xúc: Các quyết định về tách, nhập, giải thể, thành lập mới các đơn vị khoa phòng trong bệnh viện rất đột ngột và cảm tính. 

Việc đập phá nhiều khu, chặt cây lâu đời trong viện, xóa bỏ nhà ăn... Có nhiều quyết định sai phải thu hồi. Việc tuyển chọn người nơi khác về làm việc rất chủ quan, không có tiêu chí rõ. Không tôn trọng và tận dụng được chất xám của các bậc lão thành, nhà trí thức cao của bệnh viện. Thái độ với đồng nghiệp hách dịch, thiếu tôn trọng, thiếu lịch sự..."- một ý kiến phản ánh.

Chịu áp lực nặng nề nhưng vẫn có 51% nhân viên Bệnh viện Bạch Mai hài lòng về lãnh đạo  - Ảnh 3.

Chịu áp lực nặng nề nhưng vẫn có 51% nhân viên Bệnh viện Bạch Mai hài lòng về lãnh đạo  - Ảnh 4.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng phản ánh họ đang chịu bạo hành từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Trong khi đó kỷ luật của bệnh viện là cứ có phàn nàn gì của người bệnh dù đúng hay sai thì nhân viên y tế đều bị chịu kỷ luật, tạo uất ức, chán nản và bỏ việc của nhân viên y tế. 

Bệnh viện Bạch Mai: 51% nhân viên hài lòng về lãnh đạo  - Ảnh 2.

Một số ý kiến của nhân viên- Ảnh chụp từ tài liệu Bộ Y tế

Chịu áp lực nặng nề nhưng vẫn có 51% nhân viên Bệnh viện Bạch Mai hài lòng về lãnh đạo  - Ảnh 6.

Kết quả khảo sát hài lòng của nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai

221 cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai nghỉ việc

Trước đó, ông Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ 1/2/2020 đến cuối tháng 3/2021, số lượng người lao động tại bệnh viện thôi việc và chuyển công tác là 221 người.

Chịu áp lực nặng nề nhưng vẫn có 51% nhân viên Bệnh viện Bạch Mai hài lòng về lãnh đạo  - Ảnh 7.

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai

Trong số này có hơn 113 người là lao động phổ thông làm việc tại các đơn vị dịch vụ, nhà thuốc, tang lễ.... do bệnh viện kiện toàn, tinh gọn; 28 bác sĩ chuyển công tác, thôi việc, trong đó có 1 phó giáo sư, 7 tiến sĩ y học, 2 tiến sĩ ngành dược học… Những người này chuyển sang nơi có thu nhập cao hơn. Một số chuyển sang nơi khác, trong số này có Trưởng Khoa Dược, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Trưởng Khoa Thăm dò chức năng, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ.

Lý giải nguyên nhân, ông Thành cho biết, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng bệnh nhân giảm, nguồn thu của bệnh viện từ BHYT lẫn dịch vụ tự nguyện theo yêu cầu đều giảm. Trước Covid-19, mỗi ngày có khoảng 6.000-7.000 bệnh nhân đến khám, 5.000-6.000 bệnh nhân nội trú. Tuy nhiên, ảnh hưởng Covid-19, có những thời điểm chỉ có hơn 1.000 bệnh nhân nội trú. 

Ngoài ra, do có thanh tra nên nguồn thu từ các dịch vụ xã hội hóa đã đưa về nguồn bảo hiểm y tế. Theo ông Thành, chỉ đơn cử như giá siêu âm từ dịch vụ xã hội hóa là 103.000 đồng/lượt giờ còn 43.000 đồng/ lượt theo giá bảo hiểm y tế. Do đó, nguồn thu bệnh viện giảm mạnh.

"Năm 2020, nguồn thu tại Bệnh viện Bạch Mai đã giảm 2.000 tỷ (30%) so với năm 2019.  Nguồn thu giảm thì đương nhiên thu nhập của cán bộ viên chức giảm. Đây là lý do quan trọng dẫn đến việc nhiều cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác", ông Thành cho biết. 

Theo ông Thành, từ 17/2/2020, thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ giao Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện công lập đầu tiên thực hiện tự chủ tài chính, nâng cao chất lượng dịch vụ. Khi thực hiện tự chủ, bệnh viện không được nhận bất cứ khoản kinh tế nào từ Ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, bệnh viện vừa nâng cao chất lượng mà nguồn thu giảm thê thảm.

Do đó, bệnh viện đã phải rà soát loại các bộ phận ( như Nhà tang lễ, bộ phận dịch vụ) và cắt giảm biên chế 62 nhân viên. Hệ thống nhà thuốc bệnh viện đang từ 10 nhà thuốc với mấy trăm nhân viên thì nay giảm còn 5 nhà thuốc. Tính riêng hệ thống nhà thuốc đã giảm 51 nhân viên.

"Do nguồn thu nhập cán bộ, nhân viên trong bệnh viện bị giảm, cộng thêm áp lực công việc. Trong khi đó, một số đơn vị tư có nhiều lời mời hấp dẫn, lương hàng trăm triệu đồng một tháng so với mức lương khoảng 15 triệu đồng nên một số bác sĩ đã xin nghỉ việc để chuyển sang khu vực tư nhân. Việc dịch chuyển là tất yếu, bệnh viện không thể giữ được"- ông Thành nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem