Chợ cá quê không pha vị tanh ươn, tươi tắn, chặt vị mặn mòi
Chợ cá quê không pha vị tanh ươn, tươi tắn, chặt vị mặn mòi
Thứ ba, ngày 23/06/2020 13:34 PM (GMT+7)
Chợ cá quê tôi vẫn còn giữ lại được cái hồn cốt, tâm tính của người dân biển phóng khoáng, cởi mở, chân thật, bán cá mà không pha tạp vị tanh ươn, luôn tươi tắn, bền chặt vị mặn mòi sóng biển.
Chợ cá quê tôi vẫn còn giữ lại được cái hồn cốt, tâm tính của người dân biển phóng khoáng, cởi mở, chân thật, bán cá mà không pha tạp vị tanh ươn, luôn tươi tắn, bền chặt vị mặn mòi sóng biển.
Tôi đã đi qua nhiều vùng đất, miền xuôi, miền ngược, được qua nhiều phiên chợ bán các loại động vật như bò, trâu, chim thú... nhưng những cái chợ ấy thường nằm trong chợ lớn, ở một góc chợ lớn. Còn ở vùng biển, chợ cá chỉ bán cá, đủ các loại cá và hải sản mới đánh bắt về...
Mẹ tôi là người gắn bó với chợ cá ngay từ nhỏ. Cả đời bà là gánh cá trên vai và đôi chân thoăn thoắt “chạy cá tươi”. Nghĩa là phải chạy nhanh, bán nhanh không thì cá sẽ ươn và mất giá. Tôi nhớ ngày tôi còn nhỏ, mẹ thường rủ các bà, các chị trong xóm lập hội buôn bán cá, “buôn có bạn, bán có phường”, để vượt dốc yên ngựa trên núi Bằng Sơn, tắt lên chợ huyện.
Khúc yên ngựa ấy cây cối rậm rạp, hay có kẻ cướp. Chúng phục sẵn trong rừng, khi thấy dân buôn cá đi lẻ thì xông ra cướp. Phường cá của mẹ tôi đi theo nhóm, vì thế thấy động là các bà, các mẹ lấy đòn gánh làm vũ khí chống lại. Cái đón gánh dẻo dai, nhẵn bóng mồ hôi, bây giờ mẹ tôi gác trên gác bếp, nhuộm đen bồ hóng, như giữ lại vật kỷ niệm với cuộc đời chạy chợ cá của bà.
Dân buôn cá thời ấy thường bán dôi ra, như 10 con thì họ đếm cho 12 gọi là chục chẵn, còn 10 con thì mới là chục trụi. Cái phần dôi ra chẳng là bao nhưng thêm một chút vui bụng cho cả người bán và người mua. Sau này, lớp con cháu không gánh gồng nữa mà dùng phương tiện thông dụng là chiếc xe đạp để dễ đi vào các ngõ ngách, xóm thôn, đến từng nhà...
Chợ cá quê tôi gọi là chợ gò, họp ngay trên gò cá. Thuyền về, từ 3 - 4 giờ sáng cập bến, là cá tươi được đưa lên gò, khách mua người bán thường dùng đèn để soi. Những mớ cá còn tươi roi rói, những con mực hai mắt như còn nhóng nhánh, chấp chới. Kẻ bán, người mua trao nhau cá tươi, tiền tươi. Các ngư phủ nhìn thành quả lao động của mình, hài lòng rít thuốc và niềm vui của họ được nhân lên khi loáng một cái, chợ cá đã họp xong rồi tản về các nơi. Những mẻ cá đêm qua thật ngon, đã bán nhanh và được giá.
Lại có những chợ cá họp tạm, gọi là chợ đón. Một nhóm người tụ tập nơi vệ đường nào đó có bóng mát cây xanh, họ dựng tạm lên một cái lều tre lợp tranh và quạt cá nướng bán cho khách. Những mẻ cá nướng còn hôi hổi, rin rỉn mỡ bóng loáng, thật thơm trong ngọn gió đồng kích thích còn tì, con vị lắm, lại được gói vào lá chuối vườn thật bắt mắt.
Các dòng cá theo xe máy lên chợ tỉnh, chợ huyện (chợ xa), còn xe đạp thì “chảy” vào các thôn xóm như kiểu chợ làng. Chợ cá cứ thế “di động”, chuyển chổ neo đậu lại những nơi cần bán rồi lại nhổ sào di chuyển đến nơi khác. Có một điều lạ là chợ cá ít khi nói thách, cứ ước lượng và ra giá theo mớ, theo con (nếu cá to). Còn với cá nướng thì có thể đủng đỉnh cà kê...
Lan man xem chợ cá, tôi nghĩ đến đời chợ và đời người. Có người gắn với chợ cá vì chỉ bán một hoặc hai lọai hải sản riêng biệt. Ví như bà Chắt Bảy, chuyên bán tôm biển, từ tôm hùm đặc sản đến tôm tít, tôm đáy có sọc như ngựa vằn. Các ngư phủ đánh bắt được tôm ngoài biển hay tôm đóng đáy trên sông đổ ra cửa lạch biển, đều bán cho bà.
Bà ngồi ở một vị trí, từ tháng này qua năm khác, định vị đời mình ở đó. Bao lớp tôm qua tay bà và chỉ có bà, bằng độ mẫn cảm và kinh nghiệm của mình, xác định nhanh chóng chất lượng và ngư trường đánh bắt các loại tôm này. Trên tường nhà bà treo rất nhiều vỏ tôm hùm đỏ au, có con to phải vài ký mà ngư phủ lặn xuống bắt ở rạn đá. Bức tường như một bảo tàng tôm. Bà càng ngày càng đi thụt lùi, lưng ngày càng võng xuống cong... như tôm. Rồi đến đời con gái của bà, cũng chỉ buôn tôm và cũng chỉ ngồi ở vị trí đó của mẹ.
Lại có người chuyên buôn mực và họ hiểu được cặn kẽ các mánh khóe của những người ở các vùng quê khác đến mua buôn mực ở chợ này. Họ mua hàng thật của chợ về gia công thành hàng nhái, đưa đến các vùng quê xa, thành phố xa để bán.
Những người buôn mực ở chợ đã kể cho tôi nghe công nghệ của những người buôn mực kia: Từ mực tươi phơi khô, thường là loại mực câu, mình dày, nướng thơm, ăn ngọt, để tăng cân và nâng cấp mực to lên thành loại 1, loại 2, những người ấy lấy bàn là là con mực mỏng ra, to hơn, sau đó rải xuống nền đất ẩm qua đêm để hút chất đất tạo ta một lớp màu phấn trắng như muối nước biển trông rất bắt mắt và hấp dẫn. Nhưng mực ấy mang về nhà, nướng lên sẽ khét lẹt mùi đất và khô... như gỗ.
Có những phiên chợ đời như thế, bao lật lọng giá cả, bán mua cả nhân phẩm...
Chợ cá quê tôi vẫn còn giữ lại được cái hồn cốt, tâm tính của người dân biển phóng khoáng, cởi mở, chân thật, bán cá mà không pha tạp vị tanh ươn, mà luôn tươi tắn, bền chặt vị mặn mòi sóng biển.
Mẹ tôi giờ đã già, bà chỉ có hai thú vui là lên chùa tĩnh lặng để lần tràng hạt và đếm tiếng gõ mõ tụng kinh. Thứ nữa, là bà thích ra chợ cá nghe tiếng người, tiếng chợ, để được sống lại những phiên chợ trong kí ức. Trong bài thơ “Mẹ đi chợ chiều” tôi đã viết:
“Chợ chiều họp ở cuối thôn
Hoàng hôn mẹ gặp hoàng hôn của người”
Mẹ tôi đi chợ để được cùng chen vai với con cháu. Bà không bán, không mua mà chỉ muốn truyền lại cái đức độ:
“Bán mua bỏ chín, làm mười
Đồng xu thì bạc mà trời thì xanh”
Chợ cá màu vảy trắng, màu vây ánh bạc nhưng tình người không bạc bởi một đời mẹ tôi gắn với một đời chợ khi mà:
Vui lòng nhập nội dung bình luận.