Cho con ngày học vui

Chủ nhật, ngày 24/09/2017 06:15 AM (GMT+7)
Trò chuyện với cô hiệu trưởng một trường tiểu học, quận Phú Nhuận. Cô kể, mỗi ngày cô đều đi một vòng các lớp, nắm rõ tâm lý các thầy cô để giúp họ vượt qua các cảm xúc vui buồn thất thường dễ làm ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn. Tôi nghe vậy, nói luôn: đúng vậy đó, thưa cô. Giáo viên vui dạy học trò vui thì đó mới là ngôi trường hạnh phúc.
Bình luận 0

Áp lực căng thẳng từ chuyện học của con cái không chỉ đến từ cha mẹ, mà chính cha mẹ cũng bị áp lực từ người thân, hàng xóm và những người chung quanh đang đua nhau khoe con mình giỏi, chê đứa khác dở.

img

Ngày hội vui học tập tại công viên của một trường tiểu học.

Nếu không xác định được mục đích học để làm gì, các phụ huynh sẽ rơi vào tình trạng tự tạo căng thẳng cho chính mình dẫn đến cho con cái và cho cả nhà trường.

Vì sao vậy? Thay vì “nhức đầu” với việc “làm thế nào để cho con học giỏi”, hay “trở thành thần đồng” như các quảng cáo từ vô số những trung tâm dạy kèm, dạy thêm, dạy bồi dưỡng, thiết nghĩ, phụ huynh chỉ cần giải quyết câu hỏi này: Làm thế nào cho con học vui?

Cha mẹ ngày nay đã đi rất xa với những mục tiêu ban đầu của việc học. Nền học thuật đầu tiên ra đời từ chính các… triết gia và nền tảng triết lý của họ. Ngay cả môn học bị xem như là “khó gặm” nhất của chúng ta bấy lâu có tên là “triết học” – nguyên ngữ là “Philosophia” – nghĩa là: Yêu tri thức. “Chữ “triết học” có gốc từ chữ φιλοσοφία (philosophia) trong tiếng Hy Lạp, nghĩa đen là “yêu mến sự minh triết”. Theo lối nói thông thường hơn, “triết học” của cá thể một người có thể dùng để chỉ những niềm tin của người ấy”, (triethoc.edu.vn).

Yêu mến, yêu thương, yêu thích đem lại cảm giác vui vẻ và cả niềm tin. Khác hẳn với sự căng thẳng, mệt mỏi, nhọc nhằn đối phó. Việc học – từ thuở hồng hoang của con người là thế. Đến nay nó ngày càng bị “biến hoá” trở thành công việc rất nặng nề của trẻ nhỏ. Tuổi niên thiếu đẹp nhất đã bị tước mất. Điều này các nước đang phát triển đều gặp phải.

Việc “nhập khẩu” giáo dục Phần Lan vào Việt Nam, mới đây gây xôn xao dư luận. Nhiều người cho rằng việc này rất tốt. Nhưng phần lớn người phản đối chính là các giáo viên kỳ cựu và những nhà nghiên cứu giáo dục Việt Nam. Họ cho rằng việc du nhập một mô hình giáo dục mới vào hoàn cảnh giáo dục Việt Nam là không thực tế và có phần phi khoa học, phi giáo dục và có tác dụng ngược với học sinh. Vấn đề gốc rễ chính là ở chỗ “đào tạo lại giáo viên”, các nhà sư phạm nói. Giáo viên là nền tảng và xương sống của một nền giáo dục. Nếu họ yếu (cả vật chất lẫn tinh thần) thì nền giáo dục sẽ yếu kém. Dứt khoát là như vậy.

Trở lại với câu chuyện nho nhỏ về chọn trường cho con vào năm đầu tiên của tiểu học. Cô em gái có con năm tuổi, băn khoăn hỏi tôi: “Chị ơi, năm tới cho bé nó vào trường nào tốt hả chị? Làm thế nào để biết trường đó tốt hay không?”.

Với kinh nghiệm của một người mẹ đã có con vào đại học và một con đang học cuối cấp 2, câu hỏi của cô em gái làm trong đầu tôi hiện ra tất cả những hình ảnh mà 20 năm trước tôi bắt đầu hành trình tìm trường tốt cho con. Tôi trả lời: Ngôi trường tốt khi có một hiệu trưởng tốt. Một người hiệu trưởng thực sự yêu nghề giáo.

Đó, cuối cùng vẫn là yếu tố “yêu” thôi. Nếu chúng ta thực sự có thầy cô giáo yêu nghề, chúng ta sẽ không còn băn khoăn về một ngày làm thế nào để cho con đi học vui nữa.

“Và em phải tìm được ngôi trường mà con mình đi học về thấy vui chớ không phải bị sốc, dù là bất kỳ điều gì xảy ra, đứa trẻ bị sốc tâm lý ngày học đầu tiên, sẽ tổn thương đến quãng đời học sinh của nó”, tôi nói thêm.

Thái Thảo (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem