Cho dân nghèo vay vốn để kiếm tiền từ du lịch ở Phong Nha Kẻ Bàng

Hiền Ngọc - Đức Thịnh Thứ năm, ngày 15/03/2018 13:30 PM (GMT+7)
Có đến 90% số hộ dân xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vay vốn Ngân hàng CSXH để đầu tư phát triển kinh tế có liên quan đến du lịch. Mỗi năm, xã có hàng chục hộ thoát nghèo và cận nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH để đầu tư vào dịch vụ phục vụ du khách tới với di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha Kẻ Bàng.
Bình luận 0

Ưu tiên phát triển kinh tế du lịch

Đã hơn 15 năm nay, người dân xã Sơn Trạch mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề phù hợp với tình hình kinh tế địa phương. Tuy nhiên, trong những năm đầu, sau khi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, người dân xã Sơn Trạch, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo, gặp rất nhiều khó khăn để chuyển đổi ngành nghề, trong đó vốn là nỗi lo hàng đầu.

img

Cửa hàng bán đồ lưu niệm tại Phong Nha - Kẻ Bàng của gia đình ông Nguyễn Xuân Xanh. Ảnh: Hiền Ngọc

"Việc hỗ trợ cho người dân vay vốn phát triển các mô hình du lịch của Ngân hàng CSXH đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành du lịch của tỉnh theo hướng bền vững, đồng thời giúp các hộ dân phát triển nghề, cải thiện thu nhập…”.

Ông Nguyễn Công Trứ

Nắm rõ thực trạng trên, trong hơn 15 năm đồng hành cùng người nghèo, Ngân hàng CSXH huyện Bố Trạch đã giúp hàng trăm hộ nghèo xã Sơn Trạch có được nguồn vốn phù hợp để làm kinh tế. Tính đến cuối năm 2017, toàn xã có 258 hộ nghèo, 344 hộ cận nghèo và 89 hộ mới thoát nghèo. Hiện, dư nợ tín dụng của Ngân hàng CSXH tại xã Sơn Trạch đạt trên 45 tỷ đồng. Các ngành nghề được người dân ưu tiên đầu tư chủ yếu là đóng thuyền du lịch, nuôi cá lồng, mở nhà hàng, quán ăn, bán đồ lưu niệm, dịch vụ ảnh nhanh cho du khách...

Nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế của mỗi hộ trung bình từ 50 - 200 triệu đồng, trong đó vốn của Ngân hàng CSXH chiếm khoảng 30 - 60%...

Phát huy thế mạnh địa phương

“Sơn Trạch quê tôi có thế mạnh phát triển du lịch nên khi được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng, gia đình đã đầu tư mở một gian hàng bán đồ lưu niệm. Hiện thu nhập của gia đình đạt từ 7 - 10 triệu đồng/tháng từ việc buôn bán” - ông Nguyễn Xuân Xanh ở Sơn Trạch chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Phú cũng là một trong những hộ vay phát triển du lịch từ vốn của Ngân hàng CSXH ở xã Sơn Trạch. Anh Phú cho biết: “Ngoài chính sách ưu đãi của UBND tỉnh, UBND xã Sơn Trạch cùng với các tổ chức tín dụng đã tạo mọi điều kiện để người dân làm kinh tế ổn định và bền vững hơn. Bản thân tôi cũng đã vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để đóng thuyền chở khách du lịch và mở rộng nuôi cá lồng. Cuộc sống của gia đình tôi khá lên rất nhiều và bắt đầu có tích lũy”.

Ông Nguyễn Công Trứ - Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch cho hay, trong năm vừa qua, xã đón trên 300.000 lượt khách đến tham quan và du lịch, tăng gần 7% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt trên 22.000 lượt, tăng 7,2% so với cùng kỳ.

Toàn xã hiện có 16 dự án đăng ký đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, có 11 dự án đã được UBND tỉnh quyết định cho đầu tư. Với phương châm để khách du lịch “vào sâu, ở lâu và ra chậm”, giúp du lịch phát triển bền vững, ngoài đầu tư cơ sở, hạ tầng, các dịch vụ du lịch “ăn theo” cũng được xã quan tâm và đầu tư đúng mức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem