Chỗ dựa của những người lầm lạc

Chủ nhật, ngày 04/09/2011 06:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là Quỹ “Doanh nhân với an ninh trật tự”. Từ những đồng vốn nhỏ, quỹ đã hỗ trợ nhiều phạm nhân sau khi ra tù làm lại cuộc đời, phát triển sản xuất.
Bình luận 0

Nhìn cơ ngơi khang trang của anh Phạm Văn Bường (SN 1976), ở xóm 4, xã Nga An, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, nếu không nghe anh kể về quá khứ, chắc chẳng ai nghĩ Bường đã từng phải “bóc lịch” 7 năm trời trong trại giam.

img

Sinh ra, lớn lên ở vùng quê nghèo, Bường làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Từ nghề mộc đến đi mua bán sắt vụn… nhưng cuộc sống vẫn luôn khó khăn. Trong một lần không làm chủ được mình, Bường tham gia vụ lừa đảo buôn bán đồng đen, bị bắt và bị tuyên phạt 8 năm tù giam. Anh Bường nhớ lại: “Những năm tháng nằm trong trại giam, tôi mới rút ra được bài học cuộc đời của mình. Tôi cố gắng cải tạo thật tốt và mong muốn đến ngày trở về có cơ hội làm lại cuộc đời”.

Theo án tuyên, Bường phải chịu mức 8 năm tù giam, nhưng do cải tạo tốt nên được giảm án xuống còn 7 năm. Tháng 5.2007, Bường trở về quê cùng vợ con và quyết chí làm lại từ đầu. Thế nhưng, làm ăn lúc ấy thật khó khăn vì trong tay Bường không có đồng vốn nào. Anh cũng đã từng lặn lội đi vay khắp các ngân hàng, tổ chức, cá nhân… nhưng bị từ chối. Mãi đến tháng 9.2008, Phạm Văn Bường mới được Công an huyện Nga Sơn cho vay 5 triệu đồng từ Quỹ “Doanh nhân với an ninh trật tự” để xóa nghèo. “Với người khác, 5 triệu đồng thì không đáng là bao, nhưng với tôi, số tiền ấy quan trọng bởi nó chính là niềm tin, nguồn động viên tinh thần cho tôi” - anh Bường nói.

Mô hình Quỹ “Doanh nhân với an ninh trật tự” là mô hình của ngành Công an hỗ trợ cho những phạm nhân ra trại vay vốn. Tại Nga Sơn, công an huyện đã hỗ trợ ban đầu 16 triệu đồng cho 54 đối tượng được đặc xá năm 2009, 2010 và giải ngân cho 71 trường hợp vay hơn 600 triệu đồng để làm ăn. Đến nay, nguồn quỹ ở Nga Sơn đã lên tới gần 5 tỷ đồng.

Chạy vạy vay mượn thêm, anh Bường mua máy móc sản xuất gạch bi xi-măng và thu mua cói. Thấy Bường chí thú, Quỹ “Doanh nhân với an ninh trật tự" tiếp tục cho anh vay với tổng vốn 55 triệu đồng. Làm ăn chăm chỉ, cơ ngơi của Bường ngày một phát triển. Hiện cơ sở gạch bi xi - măng của Bường mỗi ngày sản xuất từ 2.500- 3.000 viên gạch. Ngoài ra, Bường thuê thêm hơn chục lao động làm lõi cói, thu nhập từ 1,2 triệu đồng/tháng trở lên và tạo việc làm tại nhà cho 150 lao động trong thôn.

Ông Trịnh Minh Thư- Chủ tịch UBND xã Nga An, cho biết: Tại Nga An có hai trường hợp sau khi mãn hạn tù trở về quê quyết tâm phục thiện, làm giàu gồm: Phạm Văn Bường và Bùi Bá Sơn. Cả hai trường hợp này đều được công an huyện cho vay vốn để phát triển kinh tế. Anh Bùi Bá Sơn được vay 60 triệu đồng và đang phát triển mô hình lúa, cá và chăn nuôi. “Từ khi anh Bường và anh Sơn tu chí làm ăn, chính quyền còn tạo quỹ đất cho hai người có điều kiện mở rộng sản xuất. Bà con không ai còn e ngại, dè chừng”- ông Thư nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem