Chờ giao thừa trẻ lại

Tuỳ bút của VI THUỲ LINH Thứ bảy, ngày 25/01/2020 00:21 AM (GMT+7)
Đi khắp Việt Nam, chứng kiến, trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa các dân tộc ba miền, bố tôi - một đạo diễn phim tài liệu, từ khi rong ruổi làm phim đến lúc dừng vì chùn chân mỏi gối, suy ngẫm về những năm sống, viết, quay hàng ngàn trang giấy, cả vạn mét phim, vẫn cho rằng: Nếu còn thấy cái gì lạ, khác, không khí trong lành, muốn cả mùa xuân vây quanh bằng những triền hoa, đào, lê, mai hồng, trắng thì... chỉ có lên miền núi phía Bắc!
Bình luận 0

Đấy là sự thật khách quan được cộng thêm "tình riêng" vì dòng máu Tày - Nùng Trùng Khánh Cao Bằng... Tình đời, tình quê hương nơi đại ngàn thượng võ và tâm hồn nghệ sĩ quê tôi vẫn tự hào về khí chất nổi bật. Càng kiêu hãnh khi hát then - loại hình nghệ thuật dân gian - sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Tày, Nùng, Thái (chung ngữ hệ Tày - Thái) được ghi danh tại danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO. Còn gì tuyệt hơn cảnh được nhâm nhi cốc trà đắng Cao Bằng, bình thản ngắm thiên nhiên hùng vĩ của quê hương bên thác Bản Giốc mỹ lệ, hương dẻ (to và ngon nhất Việt Nam, chỉ có ở Trùng Khánh) quấn quýt bên mẹ con tôi. Con nhỏ, không lên được quê xa (360km ôtô qua những đèo cao núi hiểm) thì tôi thưởng trà sen trên tầng cao trong bình minh trinh bạch Hà thành thanh thản sáng mùng 1 Tết. Một buổi sáng yên tĩnh và nên thơ nhất mà tôi chờ suốt năm mới đến.

img

Tết là những ngày của sum họp, đoàn tụ... (ảnh minh họa).  Ảnh: I.T

Bận quá, mệt quá thì mong tết qua nhanh cho xong, bởi quá mất sức lực thời gian cho mua sắm, dọn dẹp nấu nướng, với những bữa ăn tương đối giống nhau (theo công thức cổ truyền). Song đến khi làm mâm cơm hóa vàng tiễn tổ tiên ông bà thì lại giật mình: Sao tết nhanh thế? Vì chưa kịp nghỉ ngơi.

Tự dưng trong tôi, cứ vang mãi lời ca "Em nâng cây đàn tính quê em, xôn xao mùa xuân đến/ Bay bay hạt mưa, Cơn gió đầu mùa cho tiếng tính bay xa...".

Cảnh mùa xuân đầy sức sống sinh động và đẹp mắt qua “Mưa rơi” - dân ca Khơ Mú được GS-TSKH Tô Ngọc Thanh sưu tập, thật tuyệt. Người con trai trưởng của danh họa Tô Ngọc Vân đã vẽ tranh bằng âm nhạc dân gian: "Mưa rơi cho cây tốt tươi búp chen lá chen cành/Rừng đẹp trăm hoa rung rinh theo gió, bướm tung cánh bay vờn/Bên nương ríu rít tiếng cười bao trai gái đang nô đùa/Đầu sàn có đôi chim cu gáy, thách đôi én cùng múa vui".

Tùy phong tục, tập quán, mỗi tộc người có tết riêng, nhưng Tết Nguyên đán vẫn là tết của toàn dân tộc, với món truyền thống là bánh chưng. Người Mông ăn tết sớm, nhất thiết có bánh giầy giã bột bằng chày tay vào cối đá... Bánh tết dân tộc, lá dùng gói đỗ xanh, gạo nếp, thịt lợn, hạt tiêu, ở phía Bắc là bánh chưng (vuông), trong Nam là bánh tét (dài). Người Tày Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng có bánh chưng dài, gọi là bánh "Tày", nhân là gạo nếp màu đen. Rơm nếp đốt thành tro, lọc tro lấy nước sạch ngâm gạo nếp gói bánh. Cúng rằm tháng Bảy hay tết là người Tày có xôi màu. Lá cẩm (hái trong rừng) ngâm gạo nếp cho màu đỏ, tím. Màu đen thì nhờ ngâm lá cây sau sau (dù lá cây này mùa đông màu đỏ). Ở Bắc Sơn, huyện miền núi của tỉnh Lạng Sơn đã nổi tiếng trong ca khúc Văn Cao, nay là điểm du lịch hấp dẫn với thung lũng hoa, quýt, lại có bánh chưng đường. Đường phên đun thành mật, trộn đỗ xanh đã nấu chín, thành nguyên liệu sệt để nắm từng nắm làm nhân. Bánh chưng đường hay bánh Tày ở Bắc Sơn đều có nhân thịt lợn như bánh chưng truyền thống.

Tết cổ truyền xưa kia có vẻ không đề cao hoa. Theo câu đối trứ danh: "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh", hầu hết dành cho ẩm thực, không thấy nhắc tới hoa - mĩ vị tinh thần?! Không nhiều nơi dựng cây nêu (xua đuổi tà ma). Trong mấy món được nhắc đến, thịt lợn là thực phẩm chính.

img

Cô gái Hà Nội ở chợ hoa Hàng Lược. Ảnh: T.L

Cứ nói tết ngày nay không đặt nặng chuyện ăn, còn phải thăm nhau, đi chơi, nghỉ ngơi nữa, nhưng những bữa sum họp bắt buộc là nghi thức truyền thống, không thể bỏ. Không có thì còn gì giá trị đoàn viên!

Với nhà nông xưa, con trâu là đầu cơ nghiệp, thì giờ đây, đa số đã dùng máy cày, trâu nuôi lấy sức kéo hoặc làm thực phẩm. Dùng sức kéo cũng ít, vì sẵn các loại xe mà người ta ngày càng cần nhanh, không đợi trâu bò đủng đỉnh ì ạch nữa. Thì thời nào, con lợn cũng gần gũi đời sống toàn dân nông thôn, đô thị. Cưới, giỗ, chuyện vui buồn nhất, là ngả lợn; có sự kiện hay sắp tết là mấy nhà lại rủ nhau "đụng thịt" - mổ lợn. Thịt lợn cần cho ngày thường lẫn cỗ tết, không thay thế được, và tết này, giá thịt lợn kéo giá bánh chưng lên. Dịch tả lợn châu Phi đã làm Việt Nam tiêu hủy 6 triệu con lợn, nhiều hộ chăn nuôi khóc ròng, điêu đứng. Đà Nẵng chỉ đáp ứng 10% nhu cầu thịt lợn sống của nhân dân. Trung Quốc đã cho rã đông 10 vạn tấn thịt đông lạnh cuối năm. Cứ nói tết ngày nay không đặt nặng chuyện ăn, còn phải thăm nhau, đi chơi, nghỉ ngơi nữa, nhưng những bữa sum họp bắt buộc là nghi thức truyền thống, không thể bỏ. Không có thì còn gì giá trị đoàn viên!

Khi chở các con qua ngõ 86 phố Chùa Hà, thấy giàn gấc trên cao quả đang ửng đỏ, tôi bâng khuâng. Lâu quá mới gặp giàn gấc. Đầu tháng Chạp, chợ ngõ nhà tôi bán những quả gấc chín đỏ chỉ 15 - 20 nghìn/kg. Nhớ gấc, chỉ ăn xôi sáng là gặp. Cô hàng xôi ngồi bán trong khu tập thể nhà tôi từ năm 2014, tên Thảo. Thảo quê Trực Ninh, Nam Định, lấy Hạnh - trai làng hoa Phú Thượng, hai vợ chồng được mẹ Hạnh truyền nghề, sáng dậy sớm chia hai thúng xôi to đi bán, vợ Cầu Giấy, chồng Cầu Diễn. Họ có hai con gái nhỏ (ba tuổi và lớp ba), tự làm tất mọi khâu đoạn từ vo ngâm gạo, đỗ, lá dong riềng, đồ xôi, xếp lá và giấy. Hỏi chuyện, Thảo cho biết: "Cái gì có thể trà trộn rởm giả chứ xôi gấc thì không, cả làng em nổi tiếng khắp Hà Nội với nghề làm xôi, không ai làm thế. Có tủ lạnh, tủ đông rồi. Gấc mua nạo ruột 65 nghìn một cân cho tiện và đỡ phải vứt rác".

Nhiều người cho rằng, Tết Nguyên đán bị "nhạt", "nhàm" nhiều vì cuộc sống quá bận, người phụ nữ hiện đại cần giải phóng khỏi gánh nặng bếp núc với thực đơn cổ truyền tốn công, hãy "chịu chi", phó thác cho dịch vụ, mua sẵn, thậm chí đồ còn mang đến tận nhà. Thì đấy, dễ đến ngót 20 năm nay, đã bán bánh chưng, các loại giò, dưa hành, củ cải muối đầy chợ, cá thịt kho sẵn hằng ngày trong siêu thị. Song chỉ chừng ấy đâu đủ mâm cỗ tết. Cỗ cưới, cỗ tết xưa của Hà Thành luôn có đĩa xôi gấc đỏ. Sau này, xôi gấc thay bằng xôi xéo, xôi vò trong đám cưới, còn cỗ giỗ hay tất niên đã có biến tấu: Xôi đậu xanh, xôi trắng...

Sẽ không ra tết nếu thiếu thịt đông, canh bóng nấu nấm hương, trứng cút, hoa lơ.

Người miền Nam, hay người miền Bắc sống ở miền Nam nắng nóng, muốn ăn thịt đông thì nấu xong phải cho vào... tủ lạnh. Cũng như để điều hòa lạnh cũng chỉ tạo "mùa đông ảo" trong nhà, không thể có cả một không gian kích hoạt thời trang, tâm trạng. Miền Bắc trước đây rõ rét bốn mùa, thịt kho, mỡ rán nguội vài tiếng là... đông trắng. Vài năm nay, đông không còn lạnh, tháng Chạp vẫn mặc áo cộc tay, thì thịt đông phải nhờ... tủ lạnh rồi. Thịt đông nấu bằng chân giò lợn kho nhạt tạo keo dính bằng bì (da) lợn nấu chảy chất nhầy. Giò xào làm bằng thịt thủ (mũi, tai, má lợn), chân giò thái nhỏ, mộc nhĩ xào và hạt tiêu. Món chủ lực đặc trưng mâm cơm ngày tết là nồi canh măng. Măng khô ninh chân giò. Măng ngon nhất là măng lưỡi lợn, miếng dày, to như lưỡi lợn - măng của tre, vầu, búp măng nhú ra mập khỏe là bị hái luôn.

Măng lá là sợi tước ra từ búp măng đã mọc dài. Các loại măng đều từ họ tre: Vầu, giang, trúc, le. Giáp tết, những hàng khô bày bán nhiều hơn: Nấm hương, mộc nhĩ, măng các loại, thảo quả, hành khô, tỏi, hành để muối chua, đỗ xanh. Cứ nhìn là nhớ bà nội vô cùng. Bà tôi và thế hệ của bà rất chắt chiu, tất bật lo toan cho tết từ mùa thu, thậm chí từ mùa hè trước. Mọi thứ tiện lợi cho các bà nội trợ "sẵn tận răng" lại làm giảm cảm hứng, không khí tết -  chính là ở khâu sửa soạn, chuẩn bị. Hạt đỗ xanh vỡ đôi nguyên vỏ hoặc đã xát vỏ bằng máy, giá chênh nhau tí xíu, bán sẵn quanh năm.

Cứ Chạp về, tôi lại thèm được nghe tiếng hạt đỗ xanh vỡ dưới thân chai thủy tinh đặt giữa lòng mẹt, nhịp chai lăn theo nhịp tay bà, mỗi vòng chai lăn, đỗ vỡ như tiếng reo lách tách. Tiếng đỗ hay tiếng pháo nổ râm ran đêm giao thừa rền vang cùng mùi thuốc pháo hòa khói hương trầm hay khiến tôi cay mắt vì xúc động lại vọng trong hoài tưởng, vẫn rộ lên đồng thanh khi pháo hoa rực sáng các màn ảnh nhỏ (TV) cùng lúc mọi điểm bắn, tầm bắn pháo hoa khắp bầu trời Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh.

Mùa xuân, thường được gọi bằng Chúa Xuân, Nàng Tiên - những cái tên kiêu hãnh, áo rực rỡ. Trong trí tưởng tôi, màu xanh lá cây ở các sắc độ, là xiêm y lộng lẫy, trang nhất, không bao giờ lỗi mốt ở mọi thời đại, trên các hành tinh. Sáng đầu tuần thứ hai 6/1, trường con tôi trồng cây trên tầng 5, mỗi bé sẽ có một cây để tưới, do các cha mẹ mua gửi đến. Cửa kính tầng trệt của tường đã vẽ hình đôi chuột mũm mĩm. Cây đào, mai (giả) được trưng bày ngay khi hết tuần đầu tháng Chạp và bóng bay đỏ đã trang hoàng. Sáng thứ sáu 10/1, các bé được trải nghiệm gói bánh chưng. Bánh luộc xong, cùng các đồ thủ công do các cô giáo làm được bán trong "chợ tết" mở tại trường (tuần cuối trước khi các con nghỉ tết) để gây quỹ từ thiện phát tới Trung tâm Chăm sóc trẻ em nghèo Hà Nội. Tháng tết, các lớp nhỏ, nhỡ, lớn của trường mầm non con tôi đều học chủ đề về tết: Bánh chưng, mứt, các loại hoa. Tập thể dục và nhạc vui chơi đều bật các bài hát thiếu nhi đón tết.

Tết là mùa mua sắm. Hàng hóa nhiều sức mua lớn. Nhiều người sợ tết vì tốn kém, nhà cửa dọn dẹp, loại bỏ vứt bớt vật không dùng, đồ chổi cùn rế rách, để nhà phong quang sạch thoáng hơn nhưng khó rộng hơn, vì mua sắm là cảm hứng (dễ nghiện và lây lan) của số đông. Muốn mua đủ thứ về nhà, chỉ vì cảm tính nhất thời chứ không hẳn thực sự cần. Sao có thể "thờ ơ" khi chính xác nhà sản xuất hàng hoá cuối năm (nhất là bánh kẹo, bia, nước giải khát) lại tung ra sản phẩm với mẫu mã hình thức mới bắt mắt, cập nhật con giáp năm mới. Sao có thể "quên" tục mừng tuổi khi bao lì xì công nghiệp và thủ công ngày càng đẹp, thú vị hơn.

Sao có thể "trốn tết" khi từ các cửa hàng, siêu thị đến trung tâm mua sắm đều được trang trí rực rỡ, thủ công hay đầu tư bài bản đều nhắc mọi người: Tết đang gần! Hàng ngày khi tan trường, các con tôi đều ra chơi ở siêu thị Lotte. Không có mùa lạnh qua nơi đây, vì điều hòa bật ấm. Hình ảnh bông hoa đào xòe nở và các cành hoa đào lớn nhỏ hồng rực trang trí từ cửa vào, các bốt thu ngân đến khắp các gian hàng là các câu đối, mô hình bánh chưng, em bé với bánh chưng và các bao lì xì trên cửa kính lớn vào tòa nhà Discovery 50 tầng lừng lững (mà Lotte ở tầng hầm) cũng như nhiều tòa nhà khác.

Tôi thích coi xuân là mùa cây. Tôi mua cho hai con cặp cây trạng nguyên hoa đỏ, mong con học hành đỗ đạt, gửi trồng ở trường. Mua được giá rẻ, vì cô bán hàng lấy công làm lãi, bé nhỏ mà chịu khó đạp 35km từ Văn Giang, Hưng Yên sang đây. Phạm Thị Thương (SN 1979), như nhiều phụ nữ nông thôn vất vả khác, già hơn tuổi, cho biết: "Quê em, nhà người ta hàng mẫu đất. Nhà em chỉ 2 sào trồng cây trồng hoa đem ra Hà Nội, bán đắt hàng dịp gần tết thôi". Cũng chịu khó như thế, cô hàng hoa bán ở chợ ngõ nhà tôi 15 năm nay, Chu Thị Hạnh (1990) - người làng hoa Tây Tựu. Hạnh có 130m2 đất trồng hồng, thược dược, violet. Mỗi ngày, lúc 4 giờ sáng, Hạnh đem hoa ra chợ đầu mối Minh Khai (cùng huyện Từ Liêm) bán bớt hoa nhà, mua thêm các loài hoa khác về ngõ nhà tôi. Tôi đã mua violet đợt 2 về cắm bình hôm 15 tháng Chạp. Hoa tết đâu chờ tết mới chơi - tết rất ngắn. Tết không phải đếm tờ lịch đỏ hiện số 1 mới là tết. Đó là tờ lịch quan trọng đánh dấu đã chính thức chuyển mùa, chuyển năm. Tết là ở hoài niệm, nhớ thương. Tết là không khí chờ đón, chuẩn bị về những ngày phía trước. Vậy là tết sớm, tết ngay những ngày áp tết.

Bận quá, mệt quá thì mong tết qua nhanh cho xong, bởi quá mất sức lực thời gian cho mua sắm, dọn dẹp nấu nướng, với những bữa ăn tương đối giống nhau (theo công thức cổ truyền). Song đến khi làm mâm cơm hóa vàng tiễn tổ tiên ông bà thì lại giật mình: Sao tết nhanh thế? Vì chưa kịp nghỉ ngơi.

Đặc trưng đáng giá nhất của tết là sum vầy, nhưng nó lại gây ra sự tất bật, không thể thoát được bếp núc. Có dịch vụ nào đến nhà nấu canh, nấu cỗ cho ta được đâu. Người ta chỉ đem đồ đến, không ai thay ta trang trí nhà cửa, cắm hoa, lau dọn đồ thờ, bàn thờ, phòng thờ, bày ngũ quả, soạn dâng cỗ tết. Dung hòa giữa bảo tồn văn hóa truyền thống với nhu cầu đời sống hiện đại thật khó khăn.

Nếu thực hiện trọn vẹn lễ nghi, tết đến thăm hỏi người già trong họ, mừng tuổi đầy đủ các bậc tiền bối, trẻ con thì... rất tốn thời gian và cả ngân khố nữa, không còn chút thì giờ cho mình các con, chưa kể bạn bè. Cứ nói "rút kinh nghiệm" năm sau sẽ khác, song lo toan tất bật mua sắm biếu mừng đã thành một "hằng số tết" trong "công thức tâm linh", dễ gì thay đổi được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem