Cho học sinh THPT học tích lũy tín chỉ rút ngắn thời gian đại học: Lãnh đạo ĐHQGHN nói gì?

Tào Nga Thứ năm, ngày 18/04/2024 08:20 AM (GMT+7)
Từ năm học 2024-2025, học sinh THPT của Đại học Quốc gia Hà Nội được học tích lũy một số học phần trong chương trình đào tạo đại học và định hướng nghề nghiệp.
Bình luận 0

Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) mới đây tổ chức Hội thảo về Chương trình ươm tạo tài năng bậc THPT (VNU 12+). Chương trình được xây dựng để lựa chọn học sinh THPT có tài năng thuộc ĐHQGHN đăng ký học tích lũy một số học phần của chương trình đào tạo trình độ đại học trong danh sách các chương trình được công bố. Chương trình dự kiến được áp dụng thí điểm từ năm học 2024-2025, trước hết dành cho học sinh các trường THPT của ĐHQGHN.

Việc học tích lũy của từng học sinh sẽ được tổ chức theo hình thức cá thể hóa đào tạo với sự hướng dẫn trực tiếp (coaching) của giảng viên có uy tín, có trình độ quốc tế. Trong quá trình học tập, học sinh có thể tham gia nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập cùng giảng viên hướng dẫn hoặc nhóm nghiên cứu của giảng viên hướng dẫn.

Cho học sinh THPT học tích lũy tín chỉ rút ngắn thời gian đại học: Lãnh đạo ĐHQGHN nói gì?- Ảnh 1.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân. Ảnh: VNU

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, trong những năm qua, công tác phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo nhân tài là một trong các nhiệm vụ đặc biệt luôn được ĐHQGHN quan tâm, được triển khai một cách bài bản, bao gồm từ phát hiện, bồi dưỡng từ khi các em còn là học sinh phổ thông và tiếp tục được đào tạo, phát triển nâng cao ở bậc đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Mô hình đào tạo học sinh giỏi của các trường phổ thông trong những năm qua là mô hình tiên phong trong cả nước về phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo ra những nhân tài cho đất nước.

Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh, việc thay đổi mô hình đào tạo phổ thông năng khiếu là rất quan trọng. Một trong những hướng đổi mới là phải định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh THPT hệ chuyênbằng cách tư vấn, hỗ trợ học sinh học tích lũy một số học phần trong chương trình đào tạo đại học và ưu tiên xét tuyển các học sinh này khi các em có mong muốn tiếp tục học đại học ở ĐHQGHN. Mô hình đào tạo tài năng THPT liên thông đại học là mô hình đang được các quốc gia tiên tiến trên thế giới thực hiện, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đề án này cũng là bước đầu để các học sinh giỏi theo đuổi các ngành khoa học cơ bản, các ngành công nghệ nền tảng trong và ngoài nước.

Chương trình VNU 12+ cũng hướng tới mục tiêu thu hút học sinh giỏi vào học bậc THPT tại ĐHQGHN, tạo nguồn đào tạo nhà khoa học đạt chuẩn quốc tế trong tương lai, đặc biệt các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học cơ bản, góp phần phát triển đội ngũ các nhà khoa học đạt chuẩn quốc tế của ĐHQGHN.

Học sinh tham gia Chương trình VNU 12+ là học sinh THPT hệ chuyên và không chuyên ở các trường THPT thuộc ĐHQGHN, đáp ứng một trong các điều kiện: Đã và đang là thành viên đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; Đạt giải trong kỳ thi Olympic bậc THPT tại ĐHQGHN (đối với học sinh THPT chuyên) hoặc Đạt giải ba trở lên trong kỳ thi Olympic bậc THPT tại ĐHQGHN (đối với học sinh THPT không chuyên); Kết quả học tập trong năm học lớp 10 (đối với học sinh THPT chuyên) hoặc kết quả học tập trong năm học lớp 10 và học kỳ I lớp 11 (đối với học sinh THPT không chuyên) đạt mức tốt và đạt trình độ ngoại ngữ để có thể theo học các chương trình đại học.

Học sinh THPT tham gia chương trình được ưu tiên xét tuyển vào các chương trình đào tạo trình độ đại học của ĐHQGHN trong năm tốt nghiệp THPT nếu tích lũy trước tối thiểu 3 học phần theo đúng Quy chế đào tạo đại học tại ĐHQGHN và đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của nhóm ngành/ngành/chương trình đào tạo trong năm tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh đại học chính quy của ĐHQGHN cũng như đạt khi phỏng vấn của tiểu ban chuyên môn.

Trong dự thảo, ĐHQGHN cũng quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của giảng viên tham gia chương trình. Ngoài các tiêu chuẩn chung đối với giảng viên, giảng viên tham gia Chương trình VNU 12+ phải có học hàm phó giáo sư hoặc giáo sư phù hợp ngành đào tạo, hoặc có học vị tiến sĩ ngành đào tạo phù hợp, có công bố tối thiểu 02 bài báo quốc tế thuộc danh mục tạp chí ISI/Scopus trong thời gian 05 năm trở lại; có thể giảng dạy và trao đổi chuyên môn bằng tiếng nước ngoài phù hợp với chương trình đào tạo; có khả năng giao tiếp chuyên môn bằng tiếng Anh.

Ngoài các quyền lợi chung của giảng viên, giảng viên tham gia đào tạo Chương trình VNU 12+ còn được hưởng kinh phí khi tham gia các hoạt động hướng dẫn học tập và nghiên cứu khoa học cho học sinh theo hướng cá thể hóa trong cùng một thời gian được hưởng bồi dưỡng mức tương đương 3 giờ lên lớp lý thuyết/tháng/nhóm từ 1-5 học sinh; giảng viên tham gia chương trình được giảm 30% số giờ định mức để nghiên cứu khoa học và hướng dẫn học sinh học tập theo định hướng nghề nghiệp sớm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem