Cho nấm bào ngư 'uống' sữa tươi, cây nấm mọc nhanh, chị gái Bến Tre bán đắt hàng, thu tiền đều tay

Chủ nhật, ngày 17/03/2024 11:40 AM (GMT+7)
Những năm qua, phong trào “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ba Tri (Bến Tre) phát động rộng rãi trong hội viên phụ nữ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Chị Phan Thị Tâm ở ấp Tân Thành, xã Tân Mỹ là một điển hình với mô hình trồng nấm bào ngư sữa.
Bình luận 0

Trước đây, nguồn thu nhập chính của gia đình chị Phan Thị Tâm chủ yếu từ nghề trồng nấm rơm và chăn nuôi bò sinh sản nhưng kinh tế gia đình vẫn chưa ổn định. Sau nhiều lần trăn trở tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu, làm ăn có hiệu quả qua báo, đài và tại địa phương, năm 2001, chị Tâm nhận thấy mô hình trồng nấm bào ngư có thể phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình nên đã mạnh dạn thực hiện.

Vừa làm vừa học, dần trại nấm của vợ chồng chị Tâm ngày càng phát triển, cho sản lượng và chất lượng cao hơn. Khi tích lũy nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng nấm bào ngư xám, chị tiếp tục tìm hiểu, mày mò nghiên cứu, dùng sữa tươi để tưới nấm trong khoảng thời gian phù hợp để cho ra thị trường loại nấm bào ngư sữa. 

Cho nấm bào ngư 'uống' sữa tươi, cây nấm mọc nhanh, chị gái Bến Tre bán đắt hàng, thu tiền đều tay- Ảnh 1.

Chị Phan Thị Tâm ở ấp Tân Thành, xã Tân Mỹ (huyện Ba Tri, Bến Tre) thu hoạch nấm bào ngư sữa.

Chị Tâm chia sẻ: “Thấy nấm bào ngư xám trồng thu hoạch được chỉ 2 - 3 đợt, tỷ lệ nấm khi tượng thành phát triển đến khi thu hoạch không nhiều, không đều, tôi nghĩ là nấm thiếu dinh dưỡng. Từ đó, tôi bổ sung dinh dưỡng cho nấm bằng cách tưới sữa. Khi gần đến ngày thu hoạch, ngày mình muốn thu hoạch như ngày 14, 29 âm lịch được nhiều người sử dụng, trong đó có người ăn chay thì tôi tiến hành tưới sữa cho nấm. Khi ấy, nấm sẽ phát triển đều, rộ để thu hoạch cùng một lúc, bán đúng dịp. Không chỉ thế, dinh dưỡng còn đọng lại trong phôi sẽ giúp nấm phát triển nhiều lần sau đó”. 

Ngoài ra, chị Tâm đã nghiên cứu tận dụng phế phẩm của nấm bào ngư sữa để trồng nấm rơm, kết quả đạt cả về sản lượng lẫn chất lượng so với trồng nấm rơm truyền thống. Từ đây, chị Tâm quyết định trồng nấm bào ngư sữa để khởi nghiệp cho gia đình.

Hiện tại, với diện tích 32m2, chị trồng 4.000 phôi nấm, mỗi tháng thu hoạch 2 đợt trung bình được 160kg nấm, sau khi bán trừ chi phí còn lãi trên 4 triệu đồng. Điều đáng nói là nấm bào ngư sữa trồng cho thời gian thu hoạch gấp 3 lần so với trồng nấm bào ngư xám truyền thống, kích thích phát triển thời gian thu hoạch theo ý muốn, nấm thương phẩm trắng, no, cứng, khi chế biến ăn có vị thơm, ngọt, giòn hơn nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Mỹ Nguyễn Thị Thu Vân cho biết: “Chị Tâm khởi nghiệp trồng nấm bào ngư sữa thành công. Sắp tới, chúng tôi sẽ giới thiệu mô hình này cho hội viên phụ nữ trên địa bàn xã biết để nhân rộng. Hội cũng sẽ triển khai thực hiện mô hình “1+1” trong hội viên phụ nữ. Mô hình này là 1 hội viên khá giúp 1 hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Để thực hiện mô hình này, chị Tâm luôn sẵn sàng giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn về vốn và kinh nghiệm”.

Mô hình trồng nấm bào ngư sữa của chị Phan Thị Tâm sẽ được hội viên phụ nữ xã Tân Mỹ và huyện Ba Tri nhân rộng để khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Trần Xiện (Báo Đồng Khởi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem