Trung Hiền
Thứ năm, ngày 14/11/2024 14:49 PM (GMT+7)
Theo Hệ thống Quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam, từ đầu năm 2024 đến ngày 11/11/2024, trên cả nước đã xảy ra 252 ổ dịch bệnh Dại trên động vật tại 36 tỉnh, thành phố với 624 chó mèo mắc bệnh Dại và nghi mắc dại buộc tiêu huỷ; đã có hơn 74 người tử vong vì bệnh dại.
Điều đáng nói là nhiều người tử vong do bị chó thả rông, chó lạ từ nơi khác đến cắn, không đi tiêm phòng Dại hoặc chỉ chữa trị theo "phương pháp dân gian"…
Chó lạ đến trường, đến quán cà phê… cắn người
Nửa đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 2 trường hợp động vật mắc bệnh Dại tập trung ở Sa Pa; 1 người tử vong do bệnh Dại (tại xã Trung Chải, thị xã Sa Pa); 1.378 người phải đến cơ sở y tế điều trị dự phòng bệnh. Có tuần cao điểm lên đến hơn 100 trường hợp bị phơi nhiễm phải đi tiêm phòng Dại. Như vậy, trung bình mỗi tháng, trên địa bàn tỉnh có xấp xỉ 230 người bị phơi nhiễm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, vẫn còn tình trạng một số hộ dân nuôi chó thả rông, đặc biệt là khu vực nông thôn hầu như không để tâm đến những mối nguy hại mà chó thả rông gây ra. Ngay tại trung tâm TP.Lào Cai, tại các khu vực sinh hoạt công cộng như đường phố, công viên, bờ kè, quảng trường... vẫn còn tình trạng chó thả rông không rọ mõm, phóng uế bừa bãi, đe dọa người dân xung quanh. Bà N.T (54 tuổi, phường Bắc Lệnh, TP.Lào Cai) chia sẻ, khi đi tập thể dục ở quảng trường trung tâm, bà thường xuyên bắt gặp chó thả rông, chủ dắt chó đi chơi mà không quản lý. "Hè đến, quảng trường có nhiều trẻ tụ họp vui chơi, tập thể dục mà chó cứ chạy khắp nơi, có lúc tấn công hoặc đuổi theo trẻ mà chẳng thấy ai quản lý. Không biết chúng có được tiêm phòng dại không, nếu không thì rất nguy hiểm" - bà Tuyết nói.
Tại Phú Yên, trong 8 tháng đầu năm ghi nhận 28 trường hợp chó cắn, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Mới đây, cuối tháng 8/2024, tại thôn Tuy Dương (xã An Hiệp, huyện Tuy An), một con chó nghi dại đã cắn liên tiếp 6 người, trong đó có trẻ em. Sau khi bị chó cắn, do chủ quan, những người này không đi tiêm ngừa. Đến khi phát hiện con chó này chết không rõ lý do, họ mới đi tiêm huyết thanh kháng dại.
"Đáng lo ngại là nhiều địa phương không quản lý được, thống kê không chính xác số lượng đàn chó. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó rất thấp, do không có kế hoạch, chậm kế hoạch hoặc có nhưng không sát thực tế. Ở nhiều xã, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó chỉ vài phần trăm".
Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT)
Theo số liệu của CDC Phú Yên, trong 7 tháng đầu năm 2024 có 7.961 người đi tiêm vaccine phòng Dại, trong đó có 482 người phải tiêm thêm huyết thanh kháng dại. Tại Bệnh viện Sản Nhi Phú Yên, từ tháng 12/2023 đến tháng 6/2024 đã có đến 824 trường hợp bị chó cắn.
"Điểm nóng" về bệnh Dại trên cả nước trong năm 2024 là tỉnh Quảng Nam. Theo Sở NNPTNT Quảng Nam, từ đầu năm tới nay trên địa bàn tỉnh có gần 6.000 người bị chó, mèo cắn, tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2023. 667 vụ chó, mèo phát dại rồi chạy cắn người. Toàn tỉnh có 10 ổ dịch bệnh Dại.
Cuối tháng 10/2024, một cháu bé 9 tuổi ở phường Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, đã tử vong vì bệnh Dại. Người nhà của cháu cho hay, giữa tháng 9, cháu đang học ở trường thì bị một con chó lạ cắn vào tay. Cháu được người nhà đưa đến thầy lang kiểm tra, "trị bệnh dại" – như cách người dân địa phương vẫn làm lâu nay. Nhưng tới cuối tháng 10 thì cháu phát bệnh Dại, và tử vong trưa 26/10.
Cũng tại thị xã Điện Bàn, đầu tháng 10/2024, một nữ chủ quán cà phê ở phường Vĩnh Điện thấy một con chó đực không hiểu từ đâu tìm đến quán. Nghĩ là chó của người khác bị lạc, bà cho chó ăn uống, chăm sóc. Nhưng đến trưa hôm sau con chó này bất ngờ cắn vào chân bà. Hai ngày sau, con chó tiếp tục cắn một cháu bé đang chơi ở quán cà phê. Tối đó con chó chết và được chủ quán đem chôn. Nhận được tin báo, cơ quan thú y đã đến lấy mẫu xét nghiệm và xác định con chó dương tính với virus dại.
Mạnh tay xử lý chó thả rông, tăng cường tiêm phòng vaccine
Để ngăn chặn nguy cơ gia tăng số người phải điều trị dự phòng bệnh dại do động vật cắn, số ca tử vong do bệnh dại, đặc biệt là chó không tiêm phòng, thả rông, gây nguy hiểm cho người, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại động vật, trong đó kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo...
Ở cấp xã, thành lập đội chuyên trách để bắt giữ, xử lý chó thả rông, chó không tiêm vaccine phòng bệnh dại; xử phạt hành chính đối với chủ nuôi chó không chấp hành việc tiêm phòng vaccine bệnh dại, nuôi chó thả rông.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Bình Thuận ghi nhận 9 ca tử vong vì bệnh dại, là địa phương có số ca tử vong nhiều nhất cả nước. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nguyên nhân cơ bản do số lượng chó, mèo nuôi trong các hộ dân ngày càng nhiều, việc quản lý đàn chó nuôi chưa chặt chẽ, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó còn thấp. Các trường hợp tử vong hầu hết không tiêm phòng vaccine sau khi bị chó, mèo dại cắn. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân sau khi bị chó, mèo cắn không đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng dại mà chữa bệnh theo phương pháp dân gian.
Ngành y tế Bình Thuận khuyến cáo người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Người dân không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo…
Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 16/10 toàn tỉnh có 10 ổ dịch dại. Số động vật mắc bệnh buộc tiêu hủy là 36 con chó, 1 con mèo. 8 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh có gần 5.800 người bị chó, mèo cắn, tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2023. Có 667 vụ chó, mèo phát dại rồi chạy cắn người, một bệnh nhân đã tử vong.
"Ngành thú y đề nghị các địa phương có ổ dịch thống kê chính xác số chó, mèo đang được nuôi trong dân. Chó mèo khi ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm, có người dắt đề phòng cắn người. Tuyệt đối không tiếp xúc, cho ăn, chăm sóc động vật lang thang không có chủ. Các hộ gia đình và địa phương cần thực hiện nghiêm tiêm phòng vaccine phòng dại" - Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Nam khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.