Danh tướng thời chúa Nguyễn Phúc Chu quê gốc ở Thanh Hóa, người cho đào con kinh đầu tiên ở Nam kỳ

Thứ hai, ngày 25/11/2024 05:55 AM (GMT+7)
Nguyễn Cửu Vân là danh tướng, danh thần và danh nhân dân tộc vì có công khai mở, bảo vệ vùng đất mới phương Nam ngay từ thời kỳ đầu của Quốc chúa Minh vương Nguyễn Phước Chu (1691-1725). Ông là người cho đào con kinh đầu tiên trên đất Nam kỳ.
Bình luận 0

Nguyễn Cửu Vân (tên chính: Nguyễn Cửu Hành), chưa rõ năm sinh, năm mất, quê gốc tổ tiên ở thôn Gia Miêu, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hóa (nay là xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa).

Ông xuất thân từ hàng võ tướng của chúa Nguyễn, được phong Cai cơ từ khi còn rất trẻ, làm đến Chánh Thống suất rồi Phó tướng Dinh Trấn Biên; là vị tướng đầu tiên lãnh đạo quân, dân Đại Việt tổ chức cuộc chống Xiêm xâm lược, đặc biệt có công đầu tiên khai mở vùng đất Cù Úc (tức Vũng Gù, tỉnh lỵ của Long An về sau - nay là TP.Tân An).

Từ nửa cuối thế kỷ XVII, dòng họ Nguyễn Cửu từ Thanh Hóa theo chúa Nguyễn Hoàng vào khai khẩn xứ Thuận - Quảng; Nguyễn Cửu Kiều (ông nội của Nguyễn Cửu Vân) khi đó giúp chúa Nguyễn Phúc Tần (1620-1687) chống quân Trịnh. Một ít sử liệu cho biết(1): Năm 1698, Cai cơ Nguyễn Cửu Vân và Nguyễn Hữu Khánh theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu ra phòng thủ cửa biển Nhật Lệ, các ông đã chỉ huy đắp lũy từ núi Đâu Mâu đến cửa biển, tổ chức đặt pháo, canh tuần, nhờ đó chặn đứng ý đồ của Trịnh Huyên muốn chiếm châu Nam Bố Chính.

Đầu thế kỷ XVIII, Nguyễn Cửu Vân được chúa Nguyễn cử vào Nam giữ chức Chánh thống Cai cơ giúp Nặc Ông Yêm (vua nước Chân Lạp) đánh tan can thiệp Xiêm; nhờ thắng trận, vua Chân Lạp đã dâng đất Vũng Cù (còn gọi Vũng Gù), cho nhập vào Gia Định(2).

Tháng 10/1705, sau trận thắng lớn ở Sầm Giang (Chân Lạp), ông được phong Chánh Thống suất và lần đầu tiên tổ chức khẩn hoang xứ Vũng Gù. 

Với tầm mắt quân sự từng đào hào đắp lũy, ông chủ động chỉ huy dân binh đào con kinh lớn nối liền sông Vũng Gù với rạch Mỹ Tho, lập đồn điền, xây dinh lũy đầu tiên ở đây (kinh Nguyễn Cửu Vân cho đào - là kinh đào đầu tiên trên vùng đất về sau là Nam kỳ; hơn 1 thế kỷ sau, đến năm 1818, con kinh này được quan Trấn thủ Định Tường - Nguyễn Văn Phong theo lệnh vua Gia Long tiếp tục huy động 9.674 dân phu đào lại cho sâu rộng thêm - xong, được vua cho đặt tên Bảo Định hà; Bảo Định hà đến năm 1825 được vua Minh Mạng đổi tên là sông Trí Tường - về sau nhân dân vẫn quen gọi là sông Bảo Định, hay kinh Bảo Định, nay còn bia ghi sự tích(3). 

Nguyễn Cửu Vân còn tổ chức khai thác đất đai hai bên vàm sông Vũng Gù - sau gọi là sông Hưng Hòa (tức Vàm Cỏ Tây), cho di dân đến đây lập ấp, hình thành làng xóm mới, sau được nhà Nguyễn đặt làm Phủ lỵ Tân An, thuộc Tỉnh thành Phiên An.

Tóm lược công trạng Nguyễn Cửu Vân, Sử sách Triều Nguyễn viết: Nguyễn Cửu Vân: là con của Nguyễn Cửu Dực, làm Chánh thống Cai cơ, năm Ất Dậu thời Hiển tôn (1705) Chân Lạp có nội loạn, Vân chỉ huy quân thủy và quân bộ của Gia Định đến dẹp yên, rồi đóng quân ở Vũng Cù, hướng dẫn quân lính và nhân dân khai khẩn ruộng đất. Năm Tân Mão (1711) thăng Phó tướng Dinh Trấn Biên(4).

Thời gian ở Trấn Biên không lâu, Nguyễn Cửu Vân có lần bị chúa quở trách quá khai thác “lực dịch” (sức dân), ông liền sửa sai và lập công, tiếp tục được chính sử ghi nhận: Việc mở mang cõi Nam công Vân rất nhiều(5). Khi mất, ông được truy phong tước Vân Trường hầu; đặc biệt, về sau được vua Minh Mạng truy phong Thượng Đẳng Thần.

Về gia thế, Nguyễn Cửu Vân có 6 người con, trong đó, 2 người con trai trưởng là Nguyễn Cửu Triêm (tức Đức) và Nguyễn Cửu Đàm - đều là danh tướng để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử. 

Nguyễn Cửu Triêm sau cuộc đánh thắng Xiêm đầu tiên, đã cùng cha khai phá và là chủ đất Châu Phê, tức phần đất tự khai khẩn được chúa Nguyễn phê cấp bằng bút son, ở tam thôn: Phú Thạnh, Bình Trung và Bình Khuê (cũng có cách đọc Bình Quê) - ban đầu 359 mẫu, ngày nay thuộc 2 xã Nhơn Thạnh Trung (TP.Tân An) và Quê Mỹ Thạnh (huyện Tân Trụ).

Sau khi Nguyễn Cửu Vân lâm trọng bệnh, năm 1715, Nguyễn Cửu Triêm được cử qua Trấn Biên làm Phó tướng Trấn Biên dinh Lưu thủ. Năm 1731, Nguyễn Cửu Triêm phá tan giặc Sá Tốt đem quân Chân Lạp sang cướp phá Gia Định, thắng lớn tại Lật Giang (Bến Lức), được thăng Thống lĩnh quân dinh Trấn Biên (địa bàn Đồng Nai - Biên Hòa ngày nay).

Riêng về Nguyễn Cửu Đàm, buổi đầu là Hữu quân Phó tiết chế, Cai cơ, đến năm 1722 là Khâm sai Chánh Thống suất đốc chiến, từng chỉ huy 1 vạn quân thủy bộ của chúa Nguyễn ở Gia Định đánh đuổi giặc Xiêm, giải phóng các thành Nam Vang, La Bích và được phong tới chức Điều khiển (tương đương Tư lệnh); Nguyễn Cửu Đàm đến năm 1772 còn là vị tổng chỉ huy cuộc đào kinh Ruột Ngựa (còn gọi kinh Mã Trường) và xây dựng lũy Bán Bích dài 15 dặm nhằm phòng thủ bảo vệ Sài Gòn. Thống suất Nguyễn Cửu Vân còn người con gái nổi tiếng là Nguyễn Thị Canh (có sách chép Khánh) góp công khai khẩn vùng Bình Trị, là chủ nhân của cây cầu mang tên Thị Nghè, ở Sài Gòn(6).

Danh tướng nhà chúa Nguyễn quê gốc Thanh Hóa là người cho đào con kinh đầu tiên ở Nam kỳ- Ảnh 1.

Dòng họ Nguyễn Cửu Vân, theo thống kê sơ bộ từ đời Nguyễn Cửu Kiều đến đời Nguyễn Cửu Đức có tới 19 võ tướng thuộc hàng cao cấp; nhiều nhân vật được đưa vào đền thờ phụng.

Riêng Nguyễn Cửu Vân được niên đại Thiệu Trị, Tự Đức 3 lần ban Sắc phong là 1 trong 5 "Thượng Đẳng Thần" phương Nam.

Để nhắc đời sau về bản sắc văn hóa và lòng trung nghĩa, năm 1849, vua Tự Đức còn sắc phong bức hoành phi “Nhất Môn Trung Nghĩa” tặng dòng họ Nguyễn Cửu, ghi nhận công lao của các vị từ thời chúa Nguyễn đến đời vua Nguyễn...

Đường Nguyễn Cửu Vân (phường 4, TP.Tân An) ngày nay (Ảnh: P.N)

TP.HCM ngày nay có các đường mang tên Lũy Bán Bích, Nguyễn Cửu Vân, Nguyễn Cửu Đàm. Ở TP.Tân An, từ năm 1997 có con đường dài 3,5km cặp theo kinh Bảo Định, thuộc địa bàn phường 4 mang tên Nguyễn Cửu Vân để tri ân các bậc danh nhân tiền hiền mở đầu có công với nước ở vùng đất phương Nam. Ở phường Tân Vạn (thuộc tỉnh Đồng Nai) ngày nay còn dấu tích chùa Hộ quốc - tương truyền của chủ nhân Nguyễn Cửu Vân, xây dựng năm 1734, với tấm biển ngạch chữ vàng “Sắc tứ Hộ quốc tự” được đời chúa Nguyễn Phúc Trú (1725-1738) ban ngự đề năm 1735, sau tôn sửa kiến trúc lại vào năm 1965./.

Tại miếu Công Thần Vĩnh Long hiện còn bảo tồn thờ phụng 85 đạo sắc, trong đó, đứng đầu danh sách có 5 danh tướng được các triều vua Thiệu Trị, Tự Đức ban sắc phong tặng bậc Nhân thần Thượng Đẳng Thần:

1. Đô đốc Bùi Tá Hán, đời Lê Anh Tông, có công khai phá vùng Thuận Hóa - Quảng Nam, Phú Yên;

2. Tham tướng Lương Văn Chánh, thời chúa Nguyễn Hoàng, có công khai mở vùng đất Phú Yên;

3. Thống suất Nguyễn phủ quân Nguyễn Hữu Cảnh, có công lớn nhất thành lập Phủ Gia Định;

4. Chánh thống Nguyễn phủ quân Nguyễn Cửu Vân, người đánh đuổi quân Xiêm, mở mang bờ cõi, khai thác xứ Vũng Gù, tức tỉnh lỵ Long An, TP.Tân An ngày nay;

5. Trần Thượng Xuyên (tức Trần Thắng Tài), Phụ quốc Đô đốc tướng quân đất Đồng Nai.

(1) Theo Địa chí Thanh Hóa, tập IV, NXB.CTQG,H, 2015, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa, tr.6121; sách Chín chúa Mười ba đời vua Nguyễn, của Nguyễn Đắc Xuân, NXB Thuận Hóa, Huế, 1996, Tr.42.

(2) Tạp chí Xưa & Nay - Cơ quan Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam số 552, tháng 6/2023, Tr.22.

(3) Nay còn Miếu thờ và Bia Phụng khai tân cảng ký (bia đào kinh Bảo Định) ghi sự tích đào kinh, ở xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

(4), (5) Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, t.1, NXB.GD, 2002.

(6) Cầu nằm trên rạch Thị Nghè giáp ranh giữa quận 1 và quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Long Thái (Báo Long An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem