Đoàn công tác T.Ư Hội NDVN do Chủ tịch Lại Xuân Môn dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UNDN, Hội ND tỉnh Hà Nam; thăm, nắm tình hình xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp hiện đại quy mô hàng hóa tập trung trên địa bàn tỉnh.
Đảm bảo thu nhập cho nông dân
Chủ tịch Lại Xuân Môn và đoàn công tác T.Ư Hội NDVN đã tới tìm hiểu dự án ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất cây trồng hàng hóa chất lượng cao tại xã Nhân Khang (Lý Nhân); mô hình vùng nuôi bò sữa tại xã Mộc Bắc (Duy Tiên).
Chủ tịch Lại Xuân Môn (thứ 2 trái) tìm hiểu dự án xản xuất cây trồng hàng hóa chất lượng cao tại xã Nhân Khang (Lý Nhân).
Dự án sản xuất cây trồng hàng hóa chất lượng cao tại xã Nhân Khang do một doanh nghiệp trong tỉnh phát triển với sự hợp tác, tư vấn, chuyển giao công nghệ của một doanh nghiệp Nhật Bản. Dự án có quy mô hơn 21ha đã bước sang năm sản xuất thứ 2 với các sản phẩm rau, củ, quả thực phẩm an toàn.
Báo cáo với Chủ tịch Lại Xuân Môn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam Nguyễn Quốc Đạt cho biết, mặt bằng dự án được hình thành dựa trên sự vận động hàng trăm hộ dân có đất sản xuất nông nghiệp liền kề cho doanh nghiệp thuê với mức giá 120kg ngô/sào/năm. “Nhiều người cho thuê đất đã làm việc cho khu sản xuất với mức thu nhập từ 120.000-150.000 đồng/người/tháng đối với lao động thời vụ, và mức lương từ 4,5 triệu đồng trở lên đối với lao động hợp đồng…”- ông Đạt cho hay.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Đình Khang, hiện nay ở địa phương đã phát triển 4 khu sản xuất nông nghiệp hiện đại, trong đó có sự tham gia đầu tư của 1 số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn VinGroup và doanh nghiệp Nhật Bản.
Chủ tịch Lại Xuân Môn (thứ 2 phải) thăm khu đóng gói rau quả của dự án sản xuất cây trồng hàng hóa chất lượng cao tại xã Nhân Khang.
Các khu sản xuất nông nghiệp hiện đại phần lớn đều hình thành mặt bằng từ việc vận động nông dân tự nguyện cho thuê ruộng, trở thành công nhân của doanh nghiệp. Về tình hình phát triển chung của địa phương, trao đổi với Chủ tịch Lại Xuân Môn, ông Nguyễn Đình Khang cho biết, tốc độ phát triển kinh tế của Hà Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt tới 11% so với cùng kỳ năm 2015, nông nghiệp đạt giá trị sản xuất hơn 4.300 tỷ đồng, tăng 2,7%, xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.
Chủ tịch Lại Xuân Môn đã chia sẻ với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam về những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương. Về mô hình nông dân cho thuê ruộng để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại, Chủ tịch Lại Xuân Môn đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương cần có cách làm cẩn trọng, chắc chắn thành công. Bởi dự án có thành công, hiệu quả thì mới khuyến khích được nông dân tích tụ ruộng đất, liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong sản xuất. Các dự án thuê đất cần đảm bảo việc làm, ổn định đời sống, thu nhập tăng cho nông dân tại chỗ.
Hỗ trợ để Hội hoạt động hiệu quả
Về tình hình nông dân, Hội ND, báo cáo với Chủ tịch Lại Xuân Môn, bà Khổng Thị Thảo - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, các cấp Hội ND địa phương đã tập trung vào thực hiện có hiệu quả một số lĩnh vực công tác. Trong đó ra mắt câu lạc bộ nông dân giỏi cấp tỉnh; xây dựng 113 mô hình dân vận khéo; thực hiện đề án tuyên truyền, vận động nông dân dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất; duy trì tốt 140 tổ, nhóm nông dân chăn nuôi lợn theo hình thức liên kết 4 nhà…
Chủ tịch Lại Xuân Môn (trái) trao đổi tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn với Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Đình Khang.
Bên cạnh những kết quả tích cực, bà Khổng Thị Thảo cũng thừa nhận, việc thực hiện Kết luận số 61/2009 (KL61) của Ban Bí thư và Quyết định số 673/2011 (QĐ 673) của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chậm, kết quả thấp, qua đó chưa tạo được động lực thúc đẩy công tác Hội và phong trào nông dân, thu hút hội viên khó khăn.
Trao đổi với Bí thư Nguyễn Đình Khang về những kiến nghị của Hội ND tỉnh, Chủ tịch Lại Xuân Môn đề nghị Tỉnh ủy Hà Nam cần thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trong thực hiện KL 61 của Ban Bí thư và QĐ 673 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thực hiện KL 61 và QĐ 673, đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam quan tâm 2 nội dung Hội ND được giao trực tiếp thực hiện là xây dựng, phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND); xây dựng, vận hành, sử dụng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân. Chủ tịch Lại Xuân Môn cho rằng, các tỉnh lân cận, hoặc các tỉnh có điều kiện tương đương Hà Nam đến nay đều đã thực hiện khá tốt KL 61 và QĐ 673.
Chủ tịch Lại Xuân Môn (thứ 2 phải) trao đổi với nông dân nuôi bò sữa xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên.
“Tỉnh Hà Giang khó khăn như vậy mà vẫn bố trí cấp ngân sách 5,5 tỷ đồng bổ sung Quỹ HTND cùng cấp, lẽ nào Hà Nam lại không làm được? Vốn cấp sang Quỹ HTND đều để ở địa phương để hỗ trợ nông dân xây dựng, nhân rộng, mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ngành nghề nông thôn. Lợi ích thuộc về nông dân địa phương, vốn Quỹ bảo toàn và phát triển tăng trưởng…”- Chủ tịch Lại Xuân Môn phân tích.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Đình Khang nhất trí với những kiến nghị của Hội ND tỉnh cũng như đề nghị của T.Ư Hội ND và khẳng định, trong thời gian tới sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn việc xây dựng, phát triển Quỹ HTND, tạo điều kiện để Hội ND hoạt động hiệu quả hơn…
“Hà Nam đang phát triển mô hình nuôi bò sữa hàng hóa. Bên cạnh thuận lợi, tỉnh đang gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sữa nguyên liệu. Đề nghị T.Ư Hội NDVN có tiếng nói, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, cá c Bộ, ngành có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sữa nguyên liệu cho nông dân. Về phía mình, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam sẽ làm việc với 3 doanh nghiệp để việc tiêu thụ sữa nguyên liệu cho nông dân thuận lợi và đảm bảo có lãi…” - ông Nguyễn Đình Khang - Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.