Cho tôm “ôm” lúa, lợi nhuận nhân đôi, nông dân hào hứng thả thêm cua, cá, cuối vụ thu mấy tạ

Thiên Hương Thứ sáu, ngày 20/05/2022 13:12 PM (GMT+7)
Thực tế sản xuất cho thấy, mô hình canh tác tôm-lúa rất thích hợp với các vùng đất nhiễm mặn theo mùa, ổn định hơn về mặt kinh tế và sinh thái so với mô hình chuyên lúa. Vì vậy, phương thức canh tác này đang ngày càng phổ biến ở vùng ĐBSCL.
Bình luận 0

Đó là đánh giá của các đại biểu tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, chủ đề Giải pháp xử lý môi trường sản xuất tôm - lúa vùng ĐBSCL do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) phối hợp Sở NNPTNT Kiên Giang tổ chức mới đây.

Nông dân hào hứng luân canh tôm-lúa

Theo Sở NNPTNT Kiên Giang, phương thức canh tác tôm-lúa hình thành trên địa bàn từ những năm 2000, tập trung tại các huyện ven biển gồm An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Hòn Đất, U Minh Thượng, Gò Quao và khu vực Tứ giác Long Xuyên. Thời gian đầu, bà con chủ yếu trồng 1 vụ lúa + nuôi 1 vụ tôm sú (thả giống tôm nhiều đợt, 2-3 lần/vụ tôm).

Nhận thấy phương thức sản xuất này đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chỉ trồng lúa, từ năm 2012 bà con nông dân ở đây đã sáng tạo thêm nhiều đối tượng nuôi khác trong ruộng lúa, như nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cua biển, cá trê vàng… 

Năng suất tôm sú nuôi bình quân đạt 450kg/ha/vụ, và 4-5 tấn lúa/ha/vụ.

Cho tôm “ôm” lúa, lợi cả đôi đường - Ảnh 1.

Các đại biểu thăm mô hình tôm – lúa tại HTX Bảo Trâm, xã Nam Yên, huyện An Biên, Kiên Giang với quy mô 174ha. Ảnh: Đ.T

"Ngoài việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật thì cần phải tổ chức liên kết sản xuất lúa - tôm theo mô hình hợp tác xã. Các địa phương trong vùng cần liên kết tạo vùng nguyên liệu lớn liên tỉnh, gắn với cánh đồng lớn".

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam

Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở NNPTNT Kiên Giang khẳng định, phát triển nuôi tôm là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Mặc dù nuôi tôm chỉ chiếm 5% diện tích nuôi thủy sản, nhưng chiếm tới 30% tổng sản lượng thủy sản.

Trong 10 năm (2010 - 2020), diện tích tôm - lúa của tỉnh Kiên Giang tăng bình quân 6,67%, từ gần 65.000ha lên trên 102.500ha và kế hoạch năm 2022 tăng lên 107.000ha.

"Bà con đã nhanh chóng chuyển đổi tư duy từ tập trung sản xuất lúa sang phát triển kinh tế da dạng. Không chỉ nuôi xen các loại tôm sú, thẻ chân trắng, càng xanh mà còn kết hợp với cua biển, sò… Trồng lúa thơm chất lượng cao và đạt chuẩn hữu cơ, từ đó nâng cao giá trị, tăng thu nhập" - ông Dũng cho biết.

Theo chủ trương ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, địa phương sẽ tiếp tục chuyển đối diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - tôm; nuôi tôm càng xanh xen tôm sú và tôm-cua kết hợp, nhất là tăng thêm diện tích, năng suất, sản lượng tôm, cua trong mô hình kết hợp... 

Hàng năm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ triển khai từ 500-1.000ha lúa – tôm để hướng dẫn nông dân áp dụng đúng quy trình canh tác, giảm thiểu tác động tới môi trường, đem lại hiệu quả lâu bền.

Theo ước tính của Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), năm 2015, diện tích nuôi tôm - lúa toàn vùng ĐBSCL đạt khoảng 176.000ha thì đến năm 2021 đã tăng lên 207.768ha, sản lượng tôm nuôi đạt 128.752 tấn. Kỹ thuật luân canh tôm - lúa đa dạng, khác nhau giữa các địa phương.

Theo đó, nuôi tôm - lúa quảng canh truyền thống được áp dụng phổ biến ở Cà Mau và Bạc Liêu, nuôi với mật độ thưa 2 - 5 con/m2, thức ăn phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên, năng suất khoảng 200 - 300kg/ha. Nuôi tôm - lúa quảng canh cải tiến áp dụng nhiều ở Kiên Giang và Sóc Trăng, mật độ nuôi 5 - 10 con/m2, có bổ sung thức ăn công nghiệp, năng suất đạt 400 - 600kg/ha. 

Sau đó vào những tháng mùa mưa, bà con trồng lúa với các giống phổ biến như ST, Một Bụi Đỏ, OM2017, OM5451…, năng suất bình quân 5 - 6 tấn/ha.

Xây dựng mô hình tôm – lúa bền vững

Cho tôm “ôm” lúa, lợi cả đôi đường - Ảnh 3.

Nhằm phát huy hiệu quả mô hình nuôi tôm – lúa, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, đơn vị đã xây dựng nhiều mô hình khuyến nông nhằm chuyển giao cho bà con tiến bộ kỹ thuật nuôi tôm 2 giai đoạn, luân canh và xen canh tôm - lúa, chia thành 2 - 3 lần thả giống, giúp tận dụng hiệu quả diện tích mặt nước, giảm ô nhiễm môi trường.

Trung tâm cũng xây dựng mô hình, dự án tôm-lúa, tôm-rừng có trách nhiệm gắn với các mô hình tổ chức sản xuất của nông dân (HTX, tổ hợp tác...), với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho nông dân. 

Đặc biệt, nhiều sản phẩm tôm, lúa đã được gắn với du lịch cộng đồng, giúp bà con tăng thu nhập và hình thành bức tranh đẹp ở nông thôn.

Thảo luận tại diễn đàn, các đại biểu kiến nghị cần tập trung đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng, nhất là thủy lợi phục vụ cho sản xuất tôm - lúa, đặc biệt là ở các vùng được xác định trọng điểm cần nhân rộng. 

Bên cạnh đó, các hộ dân cũng cần thiết kế lại hạ tầng của vuông nuôi theo hình thức liền kề, xem như mỗi hộ là một ô thủy lợi khép kín, nhằm thích ứng với điều kiện thời tiết bất lợi, đảm bảo ổn định các yếu tố môi trường nước trong thời gian nuôi.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao việc chuyển đổi sản xuất tôm - lúa ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL, mang lại hiệu quả tích cực cả về kinh tế, môi trường và xã hội. Đây là mô hình thích ứng tốt với biển đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Diện tích chuyển đổi sang mô hình sản xuất tôm - lúa ở ĐBSCL tăng nhanh trong thời gian qua và giá trị sản xuất hiện đạt hơn 100 triệu đồng/ha, mang lại thu nhập tốt cho nông dân vùng ven biển.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem