Chờ văn hóa xe buýt

Thứ hai, ngày 24/10/2011 15:35 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 22.10, anh Nguyễn Ngọc Phúc đi xe buýt 34 của Xí nghiệp Xe điện Hà Nội chạy tuyến Mỹ Đình - Gia Lâm. Phát hiện bị nhầm đường, anh Phúc đòi xuống thì bị lái, phụ xe chửi mắng. Chưa hết, tài xế cho xe dừng lại và cùng với phụ xe lao xuống đạp, bắt phải quỳ xuống xin thì mới mở cửa.
Bình luận 0

Ngành giao thông kêu gọi người dân đi xe buýt, đưa ra nhiều biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân thay bằng phương tiện công cộng. Tuy nhiên, ngành giao thông - vận tải vận động bên ngoài nhưng không chú trọng lo chuyện trong nhà mình. Các vị cứ hô hào đi xe buýt nhưng không ai có thể chịu được các chiếc xe như thùng rác, xấu xí, mất vệ sinh, không an toàn.

Các vị hạn chế phương tiện cá nhân nhưng xe công cộng chạy không đúng giờ, nguy hiểm, bỏ trạm để hành khách phải khốn đốn vì chờ đợi. Hành khách đi xe buýt chen chúc, lái xe và nhân viên phục vụ thì quát tháo, ăn nói tục tĩu, cư xử thô lỗ, thậm chí là thô bạo.

Chuyện đòi đánh đập hành khách xảy ra như cơm bữa, còn chửi bới, quát nạt thì đã trở thành “văn hóa xe buýt”. Những người đi xe buýt chỉ còn biết chịu đựng và cho rằng đó “là một phần tất yếu của cuộc sống” hàng ngày. Nếu như ngành giao thông không thay đổi chính bản thân mình, trang bị phương tiện, chấn chỉnh đội ngũ phục vụ thì dù triển khai nhiều cuộc vận động người dân đi xe buýt cũng sẽ không hiệu quả.

Đối với vụ anh Phúc bị đánh đập, việc phải làm ngay là xác minh thông tin, kỷ luật buộc thôi việc tài xế và phụ xe, nặng hơn thì truy tố ra tòa về hành vi làm nhục người khác. Tương tự, trên tất cả các tuyến xe buýt, lái xe và nhân viên có hành vi thiếu văn hóa, mắng chửi hành khách thì đuổi việc. Ông giám đốc công ty vận tải công cộng nào để xảy ra quá nhiều trường hợp lái xe và nhân viên quát tháo hành khách thì cách chức. Không làm được như vậy, xe buýt chỉ là phương tiện tồi tàn và đáng ghét trong mắt người dân.

Một vấn đề cần bàn đến, đó là thái độ thờ ơ của chính hành khách trước những ứng xử vô văn hóa của tài xế và nhân viên xe buýt. Như trong vụ nêu trên, phụ xe hành hung anh Phúc nhưng không ai can thiệp. Bà Phạm Thị Tâm – người chứng kiến cảnh đó nói: "Thấy họ giơ chân đạp cậu ấy, mấy lần tôi vội vàng can. Thế mà họ vẫn cứ nhất định xông vào đánh chửi khiến tôi phải hô lên: “Các cháu đông như thế này mà để họ đánh người ta thế à”?

Nếu như hành khách đi xe buýt thấy hành vi chưa đúng của lái xe và nhân viên phục vụ thì lên tiếng phản đối, ghi âm, ghi hình, báo với đơn vị chủ quản hoặc tung lên mạng, đó là căn cứ để xử lý vi phạm. Ai cũng có ý thức như vậy tình hình trật tự trên xe buýt sẽ được cải thiện.n

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem