Chợ Việt xưa nay: Biết tỏng tòng tong...

Văn Chinh Thứ ba, ngày 01/03/2022 08:00 AM (GMT+7)
Năm tôi còn bé, làng tôi chưa có chợ. Tôi chỉ biết câu, mong như mong mẹ về chợ để được ăn quà. Để được thấy mẹ áo cánh nâu, khăn mỏ quạ, môi đỏ thắm màu nước quết trầu.
Bình luận 0

Không rách rưới, lấm bùn lôi thôi như từ ngoài đồng về hằng ngày. Lớn thêm một chút, tôi biết câu "Biết tỏng tòng tong như con mẹ bán bòng ở chợ Kinh Xuyên". Không hiểu hết nghĩa câu, chỉ mang máng biết có một cái chợ tên như thế, có bà bán bòng cái gì cũng biết và là nơi mỗi phiên chợ mẹ từ đó trở về, mới và đẹp.

Làng tôi không có chợ. Cơm gạo do bố mẹ cày bừa cấy hái, rau củ quả bòn nhặt vườn nhà, ao rau muống, rau rút, rau cần vơ chỗ nào cũng có bát canh nấu với cua cáy, cũng mẹ rồi chúng tôi đi bắt. Cái làng Phụ Thành của tôi nằm sát bãi sông Trà nối vào với biển, tôm cá ngao sò, cá lác cáy còng bạt ngàn than rã. Người làng tôi ăn sóng nói gió, lớn bằng sào bằng gậy không mấy ai còi xương là nhờ vậy.

xuan/ Biết tỏng tòng tong... - Ảnh 1.

Năm thì được ăn một bát canh bánh đúc, năm lại được ăn một cái bánh dợm bóc tỉ mẩn để bánh khỏi dính lá bung hết cả đỗ xanh. Ngon vô cùng, sướng âm ỉ cả mùa xuân năm ấy.

Nhưng lớn thêm chút nữa, tôi được mẹ cho đi chợ tết vài lần. Mua tranh pháo, mặc thử quần áo tết may từ một buổi chợ nào đó. Năm thì được ăn một bát canh bánh đúc, năm lại được ăn một cái bánh dợm bóc tỉ mẩn để bánh khỏi dính lá bung hết cả đỗ xanh. Ngon vô cùng, sướng âm ỉ cả mùa xuân năm ấy.

Năm 1958, tôi trong đoàn học sinh đi cổ động đánh trống cà rùng để tuyên truyền công tác đổi tiền. Khi về nhà tôi giục mẹ đi đổi tiền. Mẹ bảo nhà mình giết ai ra tiền mà đổi? Tôi buồn lắm, rất lo là nếu không có tiền thì mẹ đi chợ làm sao? Mẹ không đi chợ thì anh em tôi lấy giấy bút áo quần đâu mà đi học? Một cái bế tắc tuổi thơ để lại di họa là mặc cảm nghèo khiến mọi chuyện cứ u ám hết cả.

Lớn chút nữa, bố tôi cho đi chơi chợ Huyện. Bố lên chợ Kinh Xuyên buổi chiều, thuê cái xe đạp truồng, chở tôi lên nhà bá Lẫm chuẩn bị làm lễ sang cát cho bác ở Đông Cao. Sáng mai xong việc, bố chở tôi về lối chợ huyện. Dãy phố bày bán thuốc Bắc, bán tạp hóa, bán vải, gạo, muối. Không thấy hàng thịt hàng tôm cá cua cáy hay rau củ như ở chợ Kinh Xuyên; nó có như sau này tôi biết, nhưng nằm sâu ở dãy trong lần với ruồi nhặng bùn lầy nước đọng nhớp nhúa. Chợ Huyện khác hẳn, gọi là chợ Cổ Rồng, ngoài những gian hàng trên phố, còn có những dãy bè bán tre nứa, luồng Thanh, gỗ tấm gỗ cây. Bố không mua gì, chỉ mua tấm vải bò Mỹ, gọi là kaki lỗ màu xanh Cửu Long may cho anh em tôi chiếc quần Âu đầu tiên.

Cũng cần bàn về những câu, các chiêu trò quảng cáo của siêu sao, văn nghệ sĩ về thuốc men bệnh tật. Họ được trả tiền, rất nhiều tiền để nói về những chuyện mà họ rất vô trách nhiệm.

Năm tôi trọ học ở huyện Thanh Sơn trên Phú Thọ. Chưa vào học đâu, mới là học sinh tựu trường sớm để làm cỏ vườn sắn, vườn trường, vệ sinh giếng ăn hay giặm dọi lại lán ký túc xá. Có anh bạn lớn tuổi học cùng lớp, tên là Long trên xã Long Cốc. Tối ấy bố anh Long trên xã về qua, mang cho cơm lam, cá suối nướng, lại con gà nhép nấu với măng giang ngâm. Cả nhóm trọ không đứa nào thổi cơm, ăn toàn đặc sản. Hai hôm sau, ông bố anh Long lại đến, tay xách một chiếc đèn măng sông, đầu đội mũ lông cừu giả, áo bông Trung Quốc có cổ lông cừu giả màu xanh cổ vịt. Thì ra bố anh Long về Hà Nội xem duyệt binh Lễ Quốc khánh, nhân thể sắm áo cho con, sắm đèn măng sông về làm cái sáng to nhất xã Long Cốc có khi nhất huyện.

Còn buổi tối hôm ấy, cây đèn măng sông sáng trưng cả sân trường, các thầy cũng kéo xuống xem và bình phẩm, râm ran đến muộn.

Tôi lờ mờ hình dung ra các kiểu chợ to nhỏ khác nhau, kết hợp với hình dung một góc Hà Nội những bến xe Kim Mã, Ga Hàng Cỏ, Ga Phú Thọ mà tôi đã từng đi qua từ quê nhà lên quê hương mới Phú Thọ. Chợ có thể mua bút giấy, phấn mực, kim chỉ đá lửa; có thể mua được những cái vật to đẹp và khả năng kỳ diệu để phục vụ đời sống con người.

*

Về sau, để tiết kiệm thời gian cho xã viên khỏi đi chợ xa, mỗi xã có một chợ xã, chung cho hai làng. Chợ xã tôi là một cái sân kho HTX bị bỏ hoang, rộng chừng một hécta. Cũng đông đúc được vài vụ, rồi lèo tèo dần, đến giờ thì chỉ còn vài hàng thịt, hàng rau củ quả bám ngoài cổng chợ, ở bên kia cạnh bờ mương. Những chợ cóc chợ xanh ấy ở làng tôi giờ đầy, bầy ngay trước cửa nhà ống, ngoài rau củ còn bán mì tôm, giấy tiền âm phủ, nhang nến. Còn những cửa hàng điện máy, phụ tùng linh kiện xây dựng, quần áo may sẵn thì y như thời trước ở trên chợ Huyện.

Những chợ cóc, chợ "quầy" ấy là tự phát, hẳn rồi; nhưng là tự ứng phó với nhu cầu thị trường. Cái lợi nhãn tiền là có thể mua chịu, nó điều hòa đời sống giữa những người nghèo, người làng. Vài năm nay cô vít cô veo, làng tôi vẫn không có F0, là nhờ những cái chợ tự ứng phó. Nói về ứng phó với độc tố trong rau củ, trong cá thịt thì chợ cóc làng tôi là vô địch. Chục năm trước, người ta rót từ trên về những lô thuốc bảo vệ thực vật của Trung Quốc, đến đỉa, lươn, cua, rạm cũng chết mất giống. Dân nước hô hoán lên, "trên" không dám nữa, thuốc bảo vệ thực vật an toàn được mua có đảm bảo; đỉa lại bơi tung tăng, rạm đồng to béo như đáy chén vại, sì sụp an lành. Những "chợ quầy" còn liều lĩnh, mấy anh phá sản trơ mắt ếch mà thèm.

Cần những cấp quản trị đất nước cao hơn can thiệp nghiêm khắc hơn để đảm bảo cho tinh thần chợ quê tốt đẹp ngàn đời được lan tỏa.

Đi chợ "có đảm bảo" quen, khi đi chợ quốc tế, ví như cái thẻ Vàng mà EU "tặng" ngư dân Việt Nam là tật đánh cá tận diệt bằng xung điện. Rồi nuôi tôm cá bằng thức ăn tăng trọng, thuốc kháng sinh quá ngưỡng. Mọi việc đang dần qua, đang tốt lại; buộc phải tốt lại để tồn tại. Ngẫm cho kỹ, bài học kinh nghiệm vẫn là học từ chợ làng, chợ cóc quê tôi. Nhưng kinh nghiệm ấy các ông bà Phạc Ma nhập thuốc giả, thuốc không có xuất xứ không vận dụng mà lại làm theo kiểu "sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi". Cần những cấp quản trị đất nước cao hơn can thiệp nghiêm khắc hơn để đảm bảo cho tinh thần chợ quê tốt đẹp ngàn đời được lan tỏa.

Đó là đòi hỏi của mọi người lương thiện. Nông dân, nông nghiệp chúng ta đang thực hiện phương châm "Sản phẩm nông nghiệp trách nhiệm" đòi hỏi một "Truyền thông nông sản trách nhiệm." Đó có lẽ là câu chuyện cần bàn vào dịp tết này. Cũng cần bàn về những câu, các chiêu trò quảng cáo của siêu sao, văn nghệ sĩ về thuốc men bệnh tật; họ được trả tiền, rất nhiều tiền để nói về những chuyện mà họ rất vô trách nhiệm. Và có nhẽ, xin nhắc thêm ở đây câu chuyện cũ: "Biết tỏng tòng tong như con mẹ bán bòng ở chợ Kinh Xuyên" là một thành ngữ giễu nhại của dân chợ quê tôi. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem