Choáng ngợp một trang trại ở Hà Nội mỗi năm hái 600 tấn rau hữu cơ, doanh thu 100 tỷ đồng

Thứ năm, ngày 16/03/2023 18:49 PM (GMT+7)
Với tiềm năng, lợi thế lớn về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa, lịch sử và môi trường sinh thái cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã đẩy mạnh xây dựng những vùng nông nghiệp sinh thái, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, tạo thu hút khách du lịch tham quan và trải nghiệm.
Bình luận 0

Trang trại ở Hà Nội mỗi năm hái 600 tấn rau hữu cơ, doanh thu 100 tỷ đồng, thu hút khách tham quan

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng, hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành được những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn như: 690ha vùng sản xuất lúa chất lượng cao; 285ha vùng sản xuất rau an toàn; 300ha vùng sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao; 50ha vùng sản xuất hoa, cây cảnh.

Ngoài ra, huyện có 2 mô hình sản xuất rau hữu cơ; 6 mô hình sản xuất rau, củ, quả, thịt an toàn; 5 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 6 mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết. Cùng với đó, có hàng trăm trang trại, khu sinh thái và các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xuất hiện phục vụ nhu cầu khám phá, trải nghiệm du lịch nông nghiệp, kết nối các làng nghề, làng cổ tạo thành các điểm đến hấp dẫn tại khu vực ngoại thành. 

Đặc biệt, huyện còn tập trung xây dựng Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP lựa chọn ra những nông sản, làng nghề đặc trưng của địa phương gắn với du lịch để nâng cao giá trị sản phẩm.

Chủ trang trại Hoa Viên ở xã Yên Bình Trương Kim Hoa cho biết, với diện tích 60ha, sản xuất 600 tấn rau hữu cơ/năm, doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/năm, trang trại tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng dịch vụ thu hút khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh đó, có kế hoạch đón 100 nghìn lượt khách tham quan mỗi năm, góp phần gia tăng sự đa dạng sinh học của thực vật, động vật và các vi sinh vật khác trong trang trại.

Trang trại Hoa Viên chủ yếu trồng các giống rau bản địa như: Rau bò khai, rau đắng, rau sắng (rau ngót rừng), rau dớn, rau báng, tầm bóp… Đây cũng chính là những loại dược liệu có lợi cho sức khỏe con người. Vì vậy, đã có những loại rau giá lên tới 120.000 đồng/kg song vẫn bán rất chạy. Hiện, sản phẩm của Hoa Viên mang thương hiệu Đại Ngàn đã được bán tại hàng chục cửa hàng tiện ích ở Hà Nội. 

Choáng ngợp một trang trại ở Hà Nội mỗi năm hái 600 tấn rau hữu cơ, doanh thu 100 tỷ đồng - Ảnh 1.

Tuân thủ quy trình trồng rau hữu cơ, công nhân ở trang trại Hoa Viên phải tự tay bắt từng con sâu. Ảnh: I.T

Choáng ngợp một trang trại ở Hà Nội mỗi năm hái 600 tấn rau hữu cơ, doanh thu 100 tỷ đồng - Ảnh 2.

Mô hình trang trại Hoa Viên, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Còn chủ trang trại xã Kim Quan Đỗ Xuân Nhung chia sẻ: Với 11ha đất trồng cây ăn trái, nuôi lợn, mỗi năm, trang trại xuất bán khoảng 30 tấn nhãn, 20 tấn thanh long, 400 nghìn quả bưởi, 300 tấn lợn hơi, 7-8 tấn cá ra thị trường. Từ đó, tạo nguồn hàng hóa chất lượng cao, trang trại tập trung phát triển theo hướng an toàn, ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp, hợp tác xã, nhờ đó, doanh thu mỗi năm đạt khoảng 15-16 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, việc triển khai phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao đến nay vẫn còn vướng mắc. Vấn đề nằm ở một số trang trại, doanh nghiệp cần nguồn vốn đầu tư lớn để đầu tư hạ tầng, xử lý môi trường đất, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo người lao động; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không ổn định, chưa tương xứng với đầu tư. 

Các hợp tác xã, doanh nghiệp chưa chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm; khó khăn về tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất; dự báo nhu cầu, thông tin thị trường chưa được thực hiện một cách hệ thống.

Để giải quyết những khó khăn cũng như nâng cao giá trị sản phẩm, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Hương Ngải Nguyễn Đỗ Ban cho biết, thời gian tới, hợp tác xã sẽ thường xuyên tập huấn cho thành viên thực hành các biện pháp canh tác, nhất là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đúng cách, thị trường tiêu thụ ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao. 

Đồng thời, phối hợp với huyện đăng ký sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá bán; tham gia các hội chợ trên địa bàn Thành phố để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; qua đó, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, siêu thị.

Về việc này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cũng cho biết, tới đây, huyện cần chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, công nghệ cao để nâng cao giá trị sản phẩm; chú trọng phát triển nghề, các làng nghề có thế mạnh của địa phương; thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng các mô hình nông nghiệp an toàn. Đặc biệt, phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với dịch vụ du lịch, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân.


Hương Ly (hanoi.gov.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem