Cấy lúa mấy đời vẫn nghèo, chuyển sang trồng cây cảnh đang hot, cả làng ở Thái Bình giàu hẳn lên

Thứ năm, ngày 16/03/2023 12:14 PM (GMT+7)
20 năm trở lại đây, bên sông Hồng, nông dân làng Phù Sa, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây cảnh, thu nhập nâng lên rõ rệt. Làng cây cảnh Phù Sa tuy “trẻ tuổi” nhưng hiện nay số cây đẹp, cây có giá trị bạc tỷ không thua kém các làng nghề cây cảnh trong huyện, trong tỉnh Thái Bình.
Bình luận 0
Mang tên làng Phù Sa (xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) nhưng trước kia nơi đây là đồng chua, ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả, người dân cần cù lao động mà vẫn nghèo. 

20 năm trở lại đây, bà con mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây cảnh, thu nhập nâng lên rõ rệt. Làng cây cảnh Phù Sa tuy “trẻ tuổi” nhưng hiện nay số cây đẹp, cây có giá trị bạc tỷ không thua kém các làng nghề cây cảnh trong huyện, trong tỉnh.

Gia đình ông Phạm Văn Tuấn là hộ trồng cây cảnh giỏi nhất nhì thôn Phù Sa, xã Tự Tân. 

Ngoại trừ diện tích nhà ở, còn lại xung quanh nhà ông Tuấn được bao bọc bởi thảm cây cảnh cảnh mát, thậm chí trên sân cũng kê san sát những chậu cây cảnh trị giá tiền tỷ, vài trăm triệu đồng. 

Ông Tuấn cho biết: Hơn 20 năm trước, xuất ngũ trở về địa phương, ông nhận cấy hơn 1 mẫu ruộng nhưng đồng đất chiêm trũng, mỗi năm chỉ cấy được 1 vụ lúa, gia đình túng thiếu quanh năm. 

Khi đó, nhận thấy bên kia con sông Hồng là làng cây cảnh Vị Khê, tỉnh Nam Định, bà con bên đó trồng cây cảnh giỏi, thu nhập khá hơn, ông Tuấn và một số thanh niên làng Phù Sa sang tìm hiểu, học trồng cây cảnh rồi từng bước chuyển đổi từ lúa sang trồng cây cảnh. 

Cấy lúa mấy chục năm vẫn nghèo, chuyển sang trồng cây cảnh đang hot, cả làng ở Thái Bình giàu hẳn lên - Ảnh 2.

Từ đồng ruộng trũng, người dân làng Phù Sa (xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đã cải tạo, chuyển đổi thành những vườn trồng cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Tại làng cây cảnh Phù Sa không thiếu các cây cảnh tiền tỷ...

Để trồng được cây cảnh, ông Tuấn phải đầu tư cải tạo, nâng cao mặt bằng ruộng và xử lý đất chua trũng. Đến nay gia đình ông trồng hơn 4.000m2 cây cảnh với đa dạng các loại như: cây tùng la hán, cây sanh, cây si, cây lộc vừng, cây sung…

Ông áp dụng phương pháp “lấy ngắn nuôi dài”, hàng năm trồng các loại cây cảnh ngắn ngày để phục vụ chi tiêu và tái đầu tư mở rộng sản xuất. 

Những loại cây cảnh như cây sung, cây ổi, cây khế, gia đình ông thu về gần 200 triệu đồng/sào/năm. Ngoài ra, ông tự ươm cây cảnh hoặc mua về và chăm sóc, uốn tỉa thêm, đến nay nhiều cây cảnh đã vài chục năm tuổi, trị giá hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. 

Bình quân mỗi năm gia đình ông Tuấn có nguồn thu từ 500 - 700 triệu đồng từ nghề trồng cây cảnh, đời sống khác xa so với trước.

Gia đình ông Trần Văn Dũng, Trưởng thôn Phù Sa (xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cũng khấm khá lên nhờ nghề trồng cây cảnh gắn với kinh doanh cây cảnh. 

Ông Dũng chia sẻ, năm 2003, gia đình ông mạnh dạn chuyển đổi ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây cảnh. 

Hiện tại gia đình ông trồng 1,5 mẫu cây cảnh gồm cây sanh, cây la hán, cây mộc hương, cây hoa trà, cây lộc vừng, hoa hồng…Ngoài cây cảnh hàng chợ, ông thường tìm mua cây cảnh thô, lâu năm tuổi, qua bàn tay khéo léo uốn tỉa và đầu tư chăm sóc công phu của ông, sau 5 - 7 năm giá trị của cây có thể lên gấp chục lần so với ban đầu. 

Từ đầu năm 2022 đến nay, gia đình ông Dũng có nguồn thu gần 400 triệu đồng từ xuất bán cây cảnh, dự kiến sẽ tiếp tục tăng vào dịp cuối năm.

Cấy lúa mấy chục năm vẫn nghèo, chuyển sang trồng cây cảnh đang hot, cả làng ở Thái Bình giàu hẳn lên - Ảnh 4.

Cấy lúa mấy chục năm vẫn nghèo, chuyển sang trồng cây cảnh đang hot, cả làng ở Thái Bình giàu hẳn lên - Ảnh 5.

Người dân thôn Phù Sa, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) nhạy bén chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng cây cảnh, nhờ đó thu nhập, đời sống được nâng cao rõ rệt.

 Ông Trần Đức Hinh, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Phù Sa cho biết: Thôn có 336 hộ với hơn 50ha đất ruộng đều nằm ở đồng trũng, trước kia chỉ cấy được 1 vụ lúa, hiệu quả kém.

Từ cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, một số hộ bắt đầu mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp, ruộng trũng sang trồng cây cảnh.

Năm 2003, xã Tự Tân quy hoạch vùng và vận động nhân dân thôn Phù Sa dồn điền đổi thửa, cải tạo đất, chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây cảnh. Phong trào trồng cây cảnh dần lan tỏa, thu hút bà con trong thôn.

Hiện thôn có 26ha trồng cây cảnh, 70% số hộ trong thôn có diện tích cây cảnh, trong đó khoảng 30 hộ chuyên sản xuất, kinh doanh cây cảnh. 

Giá trị các loại cây cảnh ở Phù Sa cũng khác nhau, rẻ nhất từ 300 - 500 nghìn đồng/cây, bình dân 20 - 30 triệu đồng/cây, cao hơn có thể 70 - 80 triệu đồng/cây, thậm chí vài trăm triệu hoặc tiền tỷ nếu khách chơi muốn sở hữu cây đẹp.

Nhờ nghề trồng, kinh doanh cây cảnh, nông dân Phù Sa giờ đây có thu nhập vài trăm triệu đồng, thậm chí gần tỷ đồng mỗi năm, không còn cảnh thiếu đói khi giáp hạt, đời sống vật chất, tinh thần của bà con nâng lên rõ rệt.

Hầu hết các vườn trồng cây cảnh được bà con lắp đặt hệ thống tưới nước, camera an ninh để thuận tiện bảo vệ, theo dõi, chăm sóc cây.

“Trồng cây cảnh thực sự là bước ngoặt thay đổi cuộc sống của nhân dân thôn Phù Sa. Tới đây, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động bà con phát triển cây cảnh theo hướng du lịch sinh thái vùng, gắn kết làng cây cảnh Phù Sa với các làng cây cảnh nổi tiếng của Tân Lập, Bách Thuận để nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất của cây cảnh”, ông Phạm Quang Tạo, Chủ tịch UBND xã Tự Tân (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cho biết thêm.

Quỳnh Lưu (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem