Trong khuôn viên hơn 2000m2 của ông Nguyễn Trọng Thành (Yên Sở, Hoàng Mai), nổi bật nhất là cây tùng la hán có tuổi đời hàng trăm năm. Đây là tác phẩm quý, hiếm, được đánh giá là cây tùng la hán đẹp nhất Việt Nam
Đứng dưới bóng tùng cổ, ông Thành chia sẻ: "Năm 2006, lần đầu tiên tôi nhìn thấy cây tùng này có cảm giác gai hết người, như có một luồng điện chạy trong người thôi thúc tôi phải mua nó bằng mọi giá. Dù trước đây tôi đã từng chơi tùng la hán hơn chục năm nhưng chưa có một cây nào khiến tôi ứng ý.
Thời điểm đó, nghe tin có cây tùng la hán ở Hà Đông (Hà Nội), tuổi đời hơn 300 năm (nguồn gốc từ Nhật Bản), ông liền tìm đến xem. Chứng kiến gốc cây vỏ bong tróc hết, vè bạnh gân guốc, rêu mốc, dáng thế tuyệt mĩ, ông quyết tâm mua bằng được
Mất ăn mất ngủ mấy ngày, gần một tuần đàm phán, lôi cả những người bạn thuyết phục để ông chủ cây biết mình rất quý cây, phải thể hiện mình quý cây hơn chủ nhân của nó bởi người chủ nhập về 3 cây nhưng muốn giữ cây này
Một hôm trước khi mua, ông Thành có dẫn vợ vào xem vì đây là cây đắt tiền. Vào đến nơi gần 5h sáng, gọi mãi ông chủ cây mới dậy để cho vợ xem, sau đó hai vợ chồng về nhà quyết định gom tiền mua.
Lúc mua cây tiền không có sẵn, hai vợ chồng quyết định bán hai căn nhà ở phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để có đủ tiền. "Tôi thuyết phục vợ bán nhà trên phố, một phần tiền mua cây, phần còn lại mua đất ở Yên Sở (nơi ông Thành sinh ra và lớn lên)", ông Thành chia sẻ.
“Khi bán nhà mua cây, tôi nhận được sự đồng thuận của vợ. Tôi cũng phải cảm ơn vụ mua cây tùng. Nhờ vậy, gia đình tôi có bước ngoặt lớn, đó là bán nhà ở Lò Đúc, chuyển hoàn toàn về Yên Sở - nơi tôi sinh ra và lớn lên, xây dựng vườn cây như hiện nay”, ông Thành chia sẻ
Sau nhiều lần mua lại những khu đất bên cạnh, hiện tại, ông Thành có khu đất rộng hơn 2000m2, với hơn 300 cây cảnh nghệ thuật thuộc hàng quý hiếm ở Việt Nam
Chủ nhân vườn cây tiết lộ, cách đây vài năm, có một nhóm người Đức đã đến hỏi mua cây để làm quà tặng, với mức giá tương đương với những căn biệt thự rất lớn nhưng có một số vấn đề khiến ông tự ái nên không bán
Theo đó, cây la hán cổ này cao khoảng 4,3m (tính cả chậu). Tác phẩm được đặt tên "Thanh tùng ngạo tuyết" (Tùng xanh khinh tuyết) - dù có gặp phong ba bão táp, rét mướt nhưng nó vẫn hiên ngang sống xanh mướt, không chuyển màu
Thời điểm mới mua, cây không được đẹp như bây giờ. Không hiểu người chủ bên Nhật họ chăm sóc kiểu gì hay bỏ quên mà lớp rêu phủ bên ngoài dày gần 10cm. Khi ông Thành bóc lớp rêu ra, bên trong lộ ra lớp vỏ đỏ au (chứng tỏ cây rất nhiều năm tuổi)
Đường kính gốc khoảng 40cm. Theo ông Thành, bình thường cây tùng vỏ xù xì nhưng cây này vỏ lại trơn trụi, thân tróc vỏ, toàn bộ phần tay và phần ức vè bẹt, chỉ có thời gian mới làm cho cây dị thảo như vậy.
"Thời điểm mua cây, cái cốt cơ bản vẫn như bây giờ nhưng hình dáng bây giờ 10 điểm xưa chỉ 5 điểm. Hiện tại, cây có độ đầm, cân đối cả chiều cao lẫn bông tán", chủ nhân cây tùng cho hay
Thân lớn nhưng không cao, tay cành không tròn mà bè vẹt. Bây giờ toàn cây công trình, cây cao và lớn không phải cây nghệ thuật. Đường lắc rất tự nhiên, tất nhiên người xưa đã có tác động, uốn nắn, tay thứ nhất như thế nào, tay thứ hai ra sao….
Cách chăm sóc không khác với tùng ta, quan trọng là cách luyện đất. Luyện đất quá cầu kì, 50% là đất, 50% gồm xỉ than, mùn và phân lợn trộn chấu (ủ lâu) nên bao nhiêu năm cây vẫn tốt không phải thay đất
Cây có thế trực, những tán xung quanh chẳng khác gì những áng mây đang vờn quanh một con rồng. Giới chơi cây nhiều người đã đánh giá tác phẩm "Thanh tùng ngạo tuyết" (Tùng xanh khinh tuyết) của ông Thành hiện là "một trong những cây tùng la hán đẹp nhất Việt Nam"
Vui lòng nhập nội dung bình luận.